Từ Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc đến Việt Nam: Chính sách đột phá để kinh tế tư nhân phát triển bền vững, mạnh mẽ
Chiều 15/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
Tại tổ 13, đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) bày tỏ sự đồng tình cao với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
Ông So đánh giá, Dự thảo Nghị quyết đã bước đầu thể chế hóa nhiều chủ trương lớn, quan trọng được Đảng đề ra tại Nghị quyết số 68-NQ/TW, đặc biệt là quan điểm xác lập khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ông khẳng định, đây là bước đi rất đáng ghi nhận, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong việc tạo lập môi trường thuận lợi, bình đẳng và minh bạch cho kinh tế tư nhân phát triển bền vững, lâu dài.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Như So đề xuất điều chỉnh một số nội dung để chính sách thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.
Ông So kiến nghị nâng thời hạn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 5 năm, sau đó tiếp tục giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm kế tiếp (tại khoản 1 Điều 10) để tạo "không gian tài chính" đủ dài cho nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Bên cạnh đó, ông So kiến nghị nâng thời hạn miễn thuế thu nhập cá nhân lên 5 năm cho chuyên gia, nhà khoa học làm việc trong doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo – lực lượng then chốt tạo ra giá trị công nghệ.
Ông lấy dẫn chứng về Thái Lan – nơi miễn thuế cá nhân tới 10 năm cho nhân lực trong khu vực công nghệ chiến lược. Đại biểu So nhấn mạnh, không có chính sách đủ cạnh tranh, sẽ khó thu hút nhân tài và tạo đột phá công nghệ.
>>Làm sao để người dân yên tâm lấy tiền ra đầu tư kinh doanh?
![]() |
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ 13 - Ảnh: VGP |
Ngoài ra, về hỗ trợ đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ, đại biểu So đề xuất bổ sung điều khoản hỗ trợ chi phí đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp nhỏ, vừa và khởi nghiệp.
Ông So cho biết, trong nền kinh tế tri thức, tài sản vô hình như sáng chế, thuật toán là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay không đủ nguồn lực để bảo hộ tài sản trí tuệ, dễ rơi vào rủi ro mất thương hiệu, bị chiếm tên miền.
Ông lấy dẫn chứng về Singapore và Hàn Quốc. Cụ thể, Singapore hỗ trợ tới 70% chi phí đăng ký sở hữu trí tuệ quốc tế, Hàn Quốc hỗ trợ hơn 11.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Ông So nhấn mạnh, việc bảo vệ tài sản trí tuệ không chỉ là phòng ngừa rủi ro mà còn là chiến lược nâng cao năng lực cốt lõi của doanh nghiệp.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Như So cũng đề nghị bổ sung nội dung về việc thiết lập thể chế đại diện và cơ chế tham vấn chính sách có hiệu lực, hiệu quả với cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp - đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân cần được công nhận là đối tác chính thức trong quá trình xây dựng và hoạch định các chính sách kinh tế có liên quan.
>>Trước khi ‘về chung một nhà’, hai tỉnh này đã làm gì để phát triển kinh tế tư nhân?