'Độc lạ chứng khoán': Cổ phiếu của 60% doanh nghiệp 'trắng' doanh thu quý III/2024 đồng loạt tăng trần
Nhiều cổ phiếu bất ngờ tăng kịch biên độ trên sàn UPCoM bất chấp việc doanh nghiệp vừa công bố kết quả kinh doanh không mấy khả quan và thị trường chung gặp áp lực điều chỉnh.
Theo cập nhật từ FiinTrade, tính đến ngày 18/10, đã có 199 doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả kinh doanh quý III/2024. Mức doanh thu cao nhất trong kỳ tạm thời thuộc về LPB (5.069 tỷ đồng), PGD (2.906 tỷ đồng), HND (2.365 tỷ đồng), TNG (2.358 tỷ đồng), PSD (1.540 tỷ đồng)...
Bên cạnh những con số doanh thu "khủng", có 5 doanh nghiệp không phát sinh doanh thu trong quý III/2024, bao gồm: PAP, LSG, PVR, KSQ và GGG.
Đáng chú ý, dù đón nhận kết quả không mấy khả quan, cổ phiếu của 3/5 doanh nghiệp này vẫn đồng loạt tăng trần trong phiên 18/10 (chiếm 60%). Trong khi đó, bối cảnh thị trường chung chịu áp lực điều chỉnh với VN-Index giảm 1,6 điểm, HNX-Index giảm 0,91 điểm, và UP-Index giữ mức tham chiếu.
CTCP Dầu khí Đầu tư khai thác Cảng Phước An (UPCoM: PAP)
Diễn biến cổ phiếu PAP phiên 18/10 |
CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An đã không phát sinh doanh thu từ năm 2017 đến nay. Trong quý III/2024, khoản lãi tài chính 11 tỷ đồng giúp công ty đạt lãi sau thuế 10 tỷ đồng, sau khi trừ đi chi phí quản lý doanh nghiệp. Đáng chú ý, khoản lãi này không đến từ tiền gửi mà từ chênh lệch tỷ giá.
Tại thời điểm 30/9, tổng tài sản của công ty đạt 6.692 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng dở dang chiếm 5.593 tỷ đồng (tương đương 84%). Các tài sản này chủ yếu được hình thành từ nợ phải trả, với giá trị lên tới 4.212 tỷ đồng, gấp 1,7 lần vốn chủ sở hữu.
Hiện tại, PAP đang đầu tư xây dựng Cảng Phước An nằm bên bờ sông Thị Vải, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Đây là cảng biển lớn nhất tỉnh và dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2024. Cảng có diện tích 183ha, tổng chiều dài bến 3.050m, gồm 6 bến container và 4 bến tổng hợp, có khả năng đón tàu tải trọng lên đến 60.000 DWT.
Trong phiên giao dịch ngày 18/10, cổ phiếu PAP tăng trần (+14,56%) lên mức 23.600 đồng/cp, với thanh khoản đạt 3.000 đơn vị. Vốn hóa thị trường của công ty đạt 5.475 tỷ đồng. PAP hiện có 232 triệu cổ phiếu đang lưu hành, trong đó nhóm cổ đông lớn (chiếm trên 5% cổ phần) nắm giữ tổng cộng 67,6% cổ phần.
CTCP Ô tô Giải Phóng (UPCoM: GGG)
Diễn biến cổ phiếu GGG trong phiên 18/10 |
Cùng chung cảnh ngộ "trắng" doanh thu với PAP, nhưng Ô tô Giải Phóng còn phải chịu khoản lỗ sau thuế 3,9 tỷ đồng trong quý III/2024. Lũy kế 9 tháng đầu năm, hãng xe nội địa này ghi nhận doanh thu 5,3 tỷ đồng và lỗ tới 14,2 tỷ đồng. Trước đó, Ô tô Giải Phóng đã liên tiếp thua lỗ trong 13 năm, khiến khoản lỗ lũy kế hiện tại lên đến 340,5 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/9, vốn góp ban đầu 293,9 tỷ đồng của doanh nghiệp đã bị mất hoàn toàn, khiến vốn chủ sở hữu âm 45,8 tỷ đồng.
Ô tô Giải Phóng sở hữu nhãn hiệu ô tô cùng tên và nhà máy lắp ráp rộng 7ha tại Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang. Sản phẩm chính của công ty bao gồm xe tải nhẹ, xe chuyên dùng, và xe du lịch, với dòng xe tải nhẹ giá cạnh tranh là sản phẩm trọng điểm. Các đối thủ cạnh tranh trực tiếp của hãng bao gồm Trường Hải, Vinaxuki, Cửu Long TMT và Suzuki. Tuy nhiên, mặc dù có hơn 40 đại lý trên toàn quốc, Ô tô Giải Phóng không bán được chiếc xe nào trong quý vừa qua.
Đáng chú ý, cổ phiếu GGG của công ty đã xuất hiện giao dịch đột biến với thanh khoản đạt 271.700 đơn vị, mức cao nhất trong gần 3 tháng, và thị giá tăng trần (+13,16%) lên 4.300 đồng/cp. Vốn hóa thị trường của doanh nghiệp hiện đạt 126 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư PVR Hà Nội (UPCoM: PVR)
Diễn biến cổ phiếu PVR trong phiên 18/10 |
CTCP Đầu tư PVR Hà Nội đã không phát sinh doanh thu kể từ quý III/2021. Thời kỳ đỉnh cao vào năm 2017, doanh nghiệp mang về doanh thu 48 tỷ đồng. Hiện tại, các hoạt động kinh doanh khác gần như "án binh bất động", chỉ phát sinh chi phí lãi vay 383 triệu đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 150 triệu đồng, dẫn đến khoản lỗ sau thuế 537 triệu đồng trong kỳ.
Đáng chú ý, tổng tài sản của PVR lên đến 976 tỷ đồng, trong đó chủ yếu nằm ở hàng tồn kho là dự án Khu đô thị Văn Phú trị giá 693 tỷ đồng và khoản đầu tư góp vốn vào các đơn vị khác với giá trị 231 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty chỉ còn 104 triệu đồng tiền mặt.
Về nguồn vốn, nợ phải trả của công ty là 517 tỷ đồng, chủ yếu từ tiền cọc của khách hàng (257 tỷ đồng), trong khi nợ vay khá thấp, chỉ hơn 14 tỷ đồng. Phần còn lại là vốn chủ sở hữu 559 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư PVR Hà Nội, tiền thân là CTCP Dầu khí Tản Viên, được thành lập năm 2006 và là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh doanh được pháp luật cho phép. Cơ cấu cổ đông hiện tại có nhiều thay đổi, với bà Trần Thị Thắm sở hữu 23,51% cổ phần, là cổ đông lớn nhất, tiếp theo là CTCP Quản lý quỹ PVI (8,19%) và CTCP Tập đoàn Đại Dương (6%).
Mặc dù cổ phiếu PVR tăng 12,5% trong phiên giao dịch ngày 18/10, nhưng thị giá vẫn ở mức rất thấp, chỉ 900 đồng/cp, với thanh khoản đạt 16.000 đơn vị. Dù sở hữu quy mô tài sản lên đến hàng nghìn tỷ đồng, vốn hóa thị trường của công ty chỉ đạt 47 tỷ đồng.
Những trận đánh ở FPT Long Châu
CTD: Công ty tự hào mang theo DNA của Coteccons tiến ra thế giới, thu ngoại tệ về cho đất nước