Khi thợ đào kim cương làm khô một hồ nước mặn nhân tạo gần bờ biển, họ đã phát hiện các hiện vật cổ.
Năm 1533, một con tàu chở đầy vàng mất tích trong hành trình tới Ấn Độ. Gần 500 năm sau, bí ẩn về sự mất tích này đã được giải đáp khi một xác tàu cổ được phát hiện, chứa lượng vàng lớn và nằm sâu trong sa mạc Namibia.
The Bom Jesus, con tàu biến mất năm 1533 cùng một lượng lớn ngọc ngà châu báu quý giá và toàn bộ thủy thủ đoàn. Sự mất tích của The Bom Jesus từ đó trở thành một trong những bí ẩn hàng hải lớn nhất trong lịch sử thế giới.
Đến tháng 4/2008, các thợ săn kim cương của Công ty Namdeb Diamond tình cờ phát hiện dấu vết của gỗ và kim loại dưới lớp cát dày của sa mạc Namibia. Ngay sau đó, họ liên hệ với Tiến sĩ Dieter Noli – một nhà khoa học Nam Phi.
Tiến sĩ Noli giải thích rằng sa mạc Namibia trước đây là bờ biển thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các cơn bão lớn. Do đó, việc phát hiện một con tàu chìm dưới sa mạc Namibia không phải là điều quá khó tin.
Quá trình phát hiện xác tàu Bom Jesus diễn ra một cách chậm rãi, không phải ngay lập tức mà ban đầu họ chỉ tìm thấy mảnh vỡ và các vật dụng kỳ lạ bằng gỗ hoặc kim loại dọc theo bờ biển trong khu vực khai mỏ. Cuối cùng, họ mới phát hiện ra xác tàu chìm nằm sâu dưới cát.
Sau 6 ngày tìm kiếm và khám phá bên trong xác tàu, họ tìm thấy chiếc hòm chứa đầy vàng, đây được coi là một trong những phát hiện quan trọng nhất. Hiện nay, khu vực nơi xác tàu được tìm thấy đã được bảo tồn theo Quy ước Bảo vệ Di sản Văn hóa dưới nước của UNESCO.
Theo một nhóm nghiên cứu quốc tế, "con tàu ma" nằm sâu dưới đáy biển và đã bị hư hại nặng nề. Các nhà khoa học đã dành rất nhiều thời gian và nỗ lực để khai quật con tàu cùng với một số hàng hóa, vàng bạc từ vùng biển thuộc địa phận Tây Phi, cũng như phân tích chúng để hiểu thêm về hoạt động và số phận của con tàu.
Chỉ sau 45 phút khai quật đầu tiên, đã có tới 11kg tiền xu vàng được tìm thấy. Những đồng xu này được sản xuất vào khoảng từ năm 1525 đến 1538 và được bảo quản một cách hoàn hảo.
Trong quá trình tiếp tục khai quật, các nhà khảo cổ còn phát hiện ra nhiều món đồ khác như bát đồng, hàng tấn đồng thỏi, ngà voi, la bàn, kiếm, công cụ thiên văn, xu bạc và những ống trụ bằng kim loại dài, nghi là súng hỏa mai đã có 500 năm tuổi.
Tổng cộng, đã có 5.438 hiện vật cổ được tìm thấy ở khu vực xác tàu Bom Jesus đắm, trong đó có 2.000 đồng tiền vàng. “Kho báu” này được ước tính trị giá 9 triệu bảng Anh (gần 300 tỷ đồng).
Theo Daily Mail, điều đáng chú ý nhất trên tàu là hơn 100 chiếc ngà voi cực dài, được coi là chìa khóa giải mã cho sự giàu có không tưởng của Bom Jesus. Con tàu này được cho là một phương tiện buôn ngà voi và các hàng hóa quý giá khác đi qua nhiều lục địa, kết nối châu Âu, châu Phi và châu Á.
Tiến sĩ Aida de Flamimgh, thuộc Đại học Illinois ở Ubarna-Champaign (Mỹ) và là thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết kết quả nghiên cứu gene cổ sinh dựa trên DNA đã xác định được rằng những chiếc ngà 500 tuổi thuộc loài voi rừng châu Phi Loxodonta cycloti. Tuy nhiên, kết quả phân tích tỷ lệ các đồng vị carbon và nitơ cho thấy chúng đang sống trong môi trường thảo nguyên ven biển châu Phi khi bị săn trộm.
Sự khám phá này đã thay đổi hoàn toàn lịch sử động vật học ở khu vực này. Trước đây, các bằng chứng cho thấy loài voi này thường ẩn nấp sâu trong rừng nhiệt đới và chỉ di chuyển ra khu vực thảo nguyên để sinh tồn từ đầu thế kỷ 20. Nhưng kết quả nghiên cứu đưa ra một kịch bản bất ngờ: Châu Phi đã có voi thảo nguyên từ nhiều thế kỷ trước, nhưng chúng đã bị tàn sát bởi sự tham lam của con người. Các con voi di cư đến thảo nguyên vào thế kỷ 20 chỉ là thế hệ sau, trở về để thử sinh tồn một lần nữa.