"Đói" đơn hàng, ông lớn ngành dệt may báo lãi đi lùi trong quý 2
Thị trường dệt may khó khăn, đơn hàng thiếu hụt... đã ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Mới đây, Tổng công ty May 10 (MCK: M10) đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 với doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm.
Theo đó, trong quý 2/2023, May 10 thu về 1.018 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 17% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán cũng giảm 17% xuống, còn hơn 915 tỷ đồng do đó lợi nhuận gộp cũng giảm theo, còn 102,6 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của công ty tăng mạnh 49% so với cùng kỳ, đạt gần 25 tỷ đồng. Sau trừ các khoản, May 10 báo lãi ròng giảm 19% xuống còn hơn 22 tỷ đồng.
Doanh nghiệp lý giải, doanh thu trong kỳ giảm do tình hình thị trường khó khăn, đơn hàng thiếu hụt, nhỏ lẻ, thời gian giao hàng ngắn, các đơn hàng truyền thống giảm về cả số lượng và giá trị. Công ty phải tìm kiếm các chủng loại sản phẩm không phải sở trường để thay thế trong khi yêu cầu về chất lượng sản phẩm và thời hạn giao hàng khắt khe làm giảm hiệu quả; giá gia công giảm từ 20 - 50%.
Ngoài ra, tình trạng đơn hàng bị huỷ, tạm dừng sản xuất làm kế hoạch sản xuất bị động, tăng áp lực và chi phí các khâu. Lương tối thiểu tăng 6% nên chi phí bảo hiểm xã hội, chi phí lương tăng. Điều đó đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của công ty trong quý 2.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, May 10 ghi nhận 1.900 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 9% so với cùng kỳ, lãi sau thuế cũng giảm 10% xuống còn 45,5 tỷ đồng.
Công ty May 10 đặt mục tiêu năm 2023 với doanh thu 4.200 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 110 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa năm, công ty đã hoàn thành 41% kế hoạch.
Tính đến cuối kỳ, tổng tài sản của May 10 là gần 2.300 tỷ đồng bao gồm 1.774 tỷ đồng tài sản ngắn hạn. Trong đó, đầu ư tài chính nhắn hạn là 254 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng là 477,8 tỷ (chiếm 20,7% tổng tài sản).
Về cơ cấu nợ, tính đến cuối kỳ, nợ phải trả của công ty là 1.842 tỷ đồng trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là. 541 tỷ đồng.
‘Báo động đỏ’ về sức khỏe doanh nghiệp tư nhân: Liên tục thiếu đơn hàng, sẵn sàng cắt giảm lao động
'Nỗi khổ' doanh nghiệp cho người lao động nghỉ Tết Nguyên đán đến 45 ngày