HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) vừa thông báo việc triển khai phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho 2 nhà đầu tư tổ chức và 1 nhà đầu tư cá nhân.
Theo phương án được cổ đông vừa thông qua tại ĐHCĐ thường niên 2022 ngày 8/4, HAG sẽ thực hiện chào bán riêng lẻ 161,9 triệu cổ phiếu với giá 10.500 đồng/cổ phiếu để huy động 1.700 tỷ đồng.
Theo danh sách nhà đầu tư tham gia mua cổ phần HAG công bố, 2 tổ chức là Công ty TNHH Glory Land và CTCP Quản lý Việt Cát và 1 cá nhân là ông Nguyễn Đức Quân Tùng.
Trước đó, tại phiên họp ĐHCĐ thường niên 2022, HAG tiết lộ danh tính bên mua cổ phần riêng lẻ là CTCK VPBank (VPBS) và Quản lý Việt Cát. Như vậy, trong danh sách HĐQT HAG vừa thông qua thì VPBS đã rút khỏi thương vụ này.
Trong đợt phát hành này, Glory Land sẽ mua hơn 95,2 triệu cổ phiếu HAG (tương ứng tỷ lệ 8,74% sau phát hành). Với giá phát hành 10.500 đồng/cổ phiếu, Glory Land sẽ rót 1.000 tỷ đồng.
Phía Quỹ Việt Cát dự kiến chi 500 tỷ đồng để mua 47,6 triệu cổ phiếu HAG trong khi cá nhân ông Nguyễn Đức Quân Tùng sẽ mua hơn 19 triệu cổ phiếu HAG - tương ứng số tiên bỏ ra khoảng 200 tỷ đồng.
Số cổ phiếu phát hành riêng lẻ sẽ bị hạn chế tối thiểu một năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trừ trường hợp chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc thực hiện theo bản án quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của trọng tài hoặc thừa kế theo quy định.
"Thân thế" các đối tác rót vốn...
Theo tìm hiểu, Glory Land thành lập vào tháng 1/2014 với ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản. Công ty có trụ sở tại số 3.01, TM-DV18, lầu 3, khối tháp V5-V6, khu chung cư kết hợp thương mại văn phòng lô V (Sunrise City, khu South Towers), 23 Nguyễn Hữu Thọ, phường Tân Hưng, quận 7, TP. HCM.
Căn cứ cập nhật mới nhất tại ngày 18/12/2020, Glory Land có vốn điều lệ 398 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật kiêm Giám đốc công ty là bà Bùi Thị Minh Hương (1961).
Thời điểm tháng 7/2016, ông Bùi Thành Nhơn (1958), Chủ tịch của NovaGroup và thành viên HĐQT của Tập đoàn Novaland (HOSE: NVL), từng là Chủ tịch HĐQT của Glory Land. Ông Nhơn cũng từng là Chủ tịch HĐQT của Novaland cho tới ngày 19/1/2022.
Đáng lưu ý, tại thời điểm thành lập, cổ đông sáng lập của Glory Land gồm bà Cao Thị Ngọc Sương - vợ ông Nhơn (89,9%), bà Nguyễn Thị Cẩm Nhung (10%) và bà Mai Vy (0,1%). Bà Sương cũng từng là người đại diện pháp luật của Glory Land. Có thời điểm bà Sương nắm gần tới 99,8% vốn tại Glory Land.
Sau đó, 99,8% cổ phần được chuyển sang cho CTCP Đầu tư No Va, đại diện là ông Bùi Thành Nhơn và tới ngày 25/9/2018, cơ cấu cổ đông đã thay đổi song Glory Land không công bố chi tiết trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Tại ĐHCĐ đầu tháng 4 vừa qua, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT của HAGL đã giải đáp câu hỏi câu hỏi của cổ đông về tin đồn Anova, đơn vị thành viên của NovaGroup hợp tác với HAGL. Bầu Đức tiết lộ Anova có từng lên Gia Lai khảo sát hai lần và sau khi đi sâu vào thấy HAGL bất lợi nên đã từ chối.
HAGL làm gì với số tiền huy động sau phát hành?
Được biết, tổng số tiền dự thu từ đợt chào bán là gần 1.700 tỷ đồng. Theo nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2022, HAGL sẽ cho Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai vay 500 tỷ đồng để hoạt động kinh doanh bao gồm nhưng không giới hạn các hoạt động mua bán vật tư nông nghiệp, trái cây, thức ăn chăn nuôi,...
700 tỷ đồng cho hai công ty con là CTCP Chăn nuôi Gia Lai và CTCP Gia súc Lơ Pang vay để đầu tư các dự án trồng cây ăn trái tại huyện Mang Yang, huyện Chư Sê, huyện Đăk Pơ, huyện Đăk Đoa, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai.
500 tỷ đồng còn lại dùng để trả nợ gốc đối với khoản trái phiếu do tập đoàn phát hành ngày 30/12/2016 mã trái phiếu HAGLBOND16.26.
Tại ĐHCĐ, bầu Đức cũng thẳng thắn chia sẻ hiện HAGL cần tiền để mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh nhằm đạt mục tiêu 1 triệu con heo và 7.000 ha chuối.
"HAGL vừa trả qua thất bại và đang hồi phục nên đối tác nào hỗ trợ cũng đều đáng quý vì HAGL đang trên đường lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư. Ssố tiền 1.700 tỷ đồng đối với HAGL là số tiền lớn và HAGL rất trân trọng các nhà đầu tư đã tin tưởng và đến năm 2023 cổ đông sẽ cùng hưởng lợi từ việc phát hành này", ông Đoàn Nguyên Đức cho biết.
Hành trình tái cơ cấu nợ
Năm 2022, HAG đặt mục tiêu doanh thu 4.820 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 1.120 tỷ đồng, tăng lần lượt là 130% và 775% so với thực hiện năm ngoái. Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra, đây sẽ là mức lợi nhuận cao nhất của HAGL kể từ năm 2015 tới nay.
Trước đó trong năm 2021, HAG ghi nhận 2.097 tỷ đồng doanh thu thuần - giảm gần 34% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 128 tỷ đồng trong khi năm 2020 ghi nhận mức lỗ hơn 2.383 tỷ đồng.
Trong lần chia sẻ mới đây, bầu Đức tâm sự: "Tôi là người rất có ý thức về nợ nần và sẽ trả hết nợ. Có thể nói không ai cảm nhận về nợ được như tôi, bởi tôi từng mắc nợ rất nhiều. Thành công lớn nhất của HAGL có thể nói là giảm dư nợ từ 36.000 tỷ xuống còn khoảng 10.000 tỷ đồng".
Do đó, năm 2022, theo dự tính HAGL sẽ bán nốt số cổ phần HNG còn lại và có thể thu về tối thiểu là 2.200 tỷ đồng (tính theo giá cổ phiếu HNG ở thời điểm hiện tại). Phía HNG cũng bàn bạc sẽ trả 2.200 tỷ đồng nợ HAGL trong năm 2022.
Như vậy, tổng tiền 4.400 tỷ đồng sẽ được HAGL dùng để giảm trả nợ.
Ông Đức cũng bày tỏ nếu có đối tác phù hợp, tập đoàn có thể phát hành thêm để có thể tất toán luôn 10.000 tỷ nợ hiện nay.
HAGL: 'Trái ngọt' cuối năm 2024 giúp cổ phiếu HAG bứt tốc
Hoàng Anh Gia Lai (HAG): Người nhà lãnh đạo muốn thoái toàn bộ cổ phần