Dồn lực cho 'quả đấm thép' 85.000 tỷ đồng, nợ vay Hòa Phát (HPG) chạm mức cao kỷ lục
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Hòa Phát (HPG) đạt 9.210 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2024 với doanh thu hợp nhất đạt 34.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.022 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và 51% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, so với quý II/2024, doanh thu giảm 14% do sự sụt giảm về sản lượng và giá bán các mặt hàng thép xây dựng và thép cuộn cán nóng (HRC).
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Hòa Phát ghi nhận doanh thu 105.329 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ, và lợi nhuận sau thuế đạt 9.210 tỷ đồng, tăng 140%, lần lượt hoàn thành 75% và 92% kế hoạch năm.
Mảng thép là động lực chính, chiếm 92% doanh thu và 84% lợi nhuận của tập đoàn, tiếp theo là mảng nông nghiệp với tỷ trọng lần lượt 6% và 9%, và bất động sản đóng góp 2% doanh thu và 6% lợi nhuận.
Nguồn: Tổng hợp |
Đáng chú ý, tổng nợ phải trả của Hòa Phát đạt 99,6 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 14.600 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó nợ vay chiếm 78.697 tỷ đồng, tăng gần 6.000 tỷ so với cuối quý II và cao hơn 13.000 tỷ so với đầu năm, chủ yếu là tăng nợ dài hạn. Đây là mức dư nợ vay cao kỷ lục của Hòa Phát từ trước đến nay, và trong kỳ công ty đã chi 525 tỷ đồng để trả lãi vay, tương đương gần 6 tỷ đồng mỗi ngày.
Việc tăng nợ vay chủ yếu nhằm phục vụ cho dự án trọng điểm Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, với diện tích 700ha và tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng. Đến ngày 30/9, chi phí xây dựng dở dang của Hòa Phát đạt 55.596 tỷ đồng, trong đó riêng Dung Quất 2 chiếm 52.493 tỷ đồng, tăng khoảng 10.000 tỷ đồng so với quý II.
Nguồn: Hòa Phát |
Về tiến độ triển khai, Hòa Phát Dung Quất 2 đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và các hạng mục xây dựng cơ bản trong năm 2023. Dự án đã hoàn thành lắp đặt dây chuyền chính của phân kỳ 1 và đạt 50% tiến độ của phân kỳ 2. Lò cao đầu tiên dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý IV/2024, và các dây chuyền đúc và cán thép dự kiến sẽ vận hành trong tháng 12, đưa phân kỳ 1 vào hoạt động chính thức. Phân kỳ 2 được lên kế hoạch hoàn thành vào quý IV/2025.
Khi Dung Quất 2 đi vào hoạt động, tổng công suất thép thô của Hòa Phát sẽ đạt 14 triệu tấn, đưa Hòa Phát trở thành nhà sản xuất thép HRC lớn nhất Việt Nam.
>>Diễn biến mới nhất cuộc điều tra chống bán phá giá thép nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ
Tập đoàn Hoà Phát tài trợ 10 tỷ đồng cho bà con Lào Cai tái thiết sau bão số 3
Hoà Phát của tỷ phú Trần Đình Long sản xuất ray đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Nhà máy đặt ở đâu?