Đón sóng mùa báo cáo tài chính quý 3, CTCK điểm tên 6 cổ phiếu có khả năng bật tăng
Theo CTCK, VN-Index đang giao dịch ở vùng định giá hấp dẫn với P/E là 13x, và còn cuốn hút hơn nữa sau khi kết quả kinh doanh quý 3/2023 được công bố.
Theo báo cáo mới nhất của Agriseco Research (AGR), đầu tháng 10, thị trường tuy đã giảm mạnh, chưa có dấu hiệu tạo đáy rõ ràng nhưng đà bán đã có dấu hiệu yếu dần. Hiện tại, VN-Index đang giao dịch ở vùng định giá hấp dẫn với P/E là 13x, thấp hơn so với mức trung bình trong 5 năm gần đây. Mức định giá trên có thể còn hấp dẫn hơn nữa sau khi KQKD Quý 3 các doanh nghiệp được công bố.
Agriseco Research cho rằng nhà đầu tư có thể tích lũy đối với những cổ phiếu đầu ngành, có mức định giá phù hợp và KQKD tăng trưởng tích cực trong Quý 3 và năm 2023. Agriseco Research khuyến nghị 6 cổ phiếu tiềm năng đầu tư tháng 10 gồm: CTR, DBC, HAH, DCM, DHA, PVS.
CTR- Tổng CTCP Công trình Viettel
Kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng vượt kế hoạch: Với đà tăng trưởng trên 20% trong 8T2023, Agriseco Research kỳ vọng KQKD của CTR sẽ vượt kế hoạch đề ra và lợi nhuận tăng trưởng 15-18% trong bối cảnh câu chuyện chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ và CTR khả năng được hưởng lợi khi Việt Nam bắt đầu triển khai phát triển mạng 5G cuối năm nay.
Mảng TowerCo giúp cải thiện biên lợi nhuận: Doanh thu năm 2023 dự báo tăng trưởng 20- 30% yoy nhờ số lượng trạm thuê tăng và tỷ lệ dùng chung tăng từ 1.03 lên 1.04. Hiện, CTR đã trở thành công ty TowerCo lớn nhất cả nước, vượt OCK Towerco với việc sở hữu 5.385 trạm.
Tiến độ các hợp đồng ký mới tại các lĩnh vực Xây dựng tốt: CTR đã ký 1.886 tỷ đồng hợp đồng từ xây dựng mảng B2C và B2B, vượt mức kế hoạch đề ra. Dự kiến mảng xây dựng doanh thu tăng trên 25% yoy trong năm 2023 nhờ các hợp đồng ký mới dự án xây dựng dân dụng tại Myanmar, các dự án nghỉ dưỡng, xây dựng các trường học, đồi trạm biên phòng (36 tỉnh), nhà xưởng DRC (Đà Nẵng).
Định giá hấp dẫn: CTR là một cổ phiếu phù hợp đầu tư trong trung và dài hạn nhờ CTR có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm hơn 20% CAGR trong hơn 10 năm qua về LNST; duy trì chính sách chi trả cổ tức tiền mặt 10% và cổ phiếu 15 - 20% đều đặn hàng năm. Định giá cổ phiếu đang ở mức khá hấp dẫn khi P/Ef 2023 15,2x, thấp hơn trung bình 3 năm gần nhất.
DBC - CTCP Tập đoàn Dabaco
Sản lượng tiêu thụ thịt heo có dấu hiệu tăng trở lại: Trong 9T2023, tổng đàn heo trong nước được cải thiện nhẹ nhờ dịch bệnh được kiểm soát và giá heo có xu hướng phục hồi. Cuối năm, gần dịp lễ Tết cũng là thời gian cao điểm tiêu thụ thịt heo và qua đó có thể khiến giá heo tiếp tục cải thiện. Đồng thời, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt và được dự báo sẽ tiếp tục giảm cho đến đầu năm 2024, do các nhà nhập khẩu đã tích cực tích trữ tồn kho ngũ cốc từ đầu năm 2023, trước lo ngại hiện tượng El Nino. Nhờ đó DBC sẽ tiết giảm được chi phí đầu vào và cải thiện biên lợi nhuận.
Bên cạnh đó, DBC cũng đang mạnh mẽ mở rộng công suất với dự án trang trại lợn ở Thanh Hóa sẽ nuôi thêm 5.000 lợn bố mẹ và 1.200 lợn ông bà, nâng công suất sản xuất thịt heo lên 78.000 tấn/ năm (tăng 30% yoy).
Vacxin dịch tả lợn Châu Phi đang hoàn tất các bước kiểm nghiệm để đưa vào sử dụng: Kết quả kiểm nghiệm cho thấy vacxin đạt tiêu chuẩn về vô trùng, an toàn và hiệu lực bảo hộ từ 80 - 100% trên đàn lợn thí nghiệm. Hiện nay vacxin DACOVAC-ASF2 đang được khảo nghiệm để đăng ký lưu hành theo quy định. Phía doanh nghiệp cho biết, dự kiến đầu tháng 11 sẽ hoàn thành các bước kiểm tra thực địa và sớm đưa vào triển khai trên quy mô lớn.
DCM - CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau
Nhu cầu nội địa dự báo cải thiện nửa cuối năm 2023: Sản lượng Urê được dự báo cải thiện hơn chủ yếu nhờ nhu cầu vụ Thu Đông và Đông Xuân trong nước tăng trong bối cảnh giá gạo duy trì ở mức cao, thúc đẩy nhu cầu sử dụng phân bón.
Kỳ vọng giá phân bón kỳ vọng đã tạo đáy và hồi phục: Giá Urê Thế giới được kỳ vọng hồi phục nửa cuối năm nhờ Nhu cầu phân bón thế giới tăng cao do tính chất mùa cao điểm cuối năm và việc chấm dứt thoả thuận ngũ cốc Biển Đen khiến giá nông sản tăng mạnh hỗ trợ nhu cầu sử dụng phân bón; Nguồn cung khan hiếm vào nửa cuối năm do các thị trường xuất khẩu chính hạn chế xuất khẩu như: Trung Quốc tạm dừng xuất khẩu ure để đảm bảo an ninh lương thực trong nước từ tháng 09/2023, Nga tiếp tục áp đặt hạn ngạch mới ở mức 16,3 triệu tấn cho xuất khẩu phân bón.
Giá Urê trong nước biến động tương quan với giá Urê Thế giới, do đó kỳ vọng giá Urê trong nước sẽ phục hồi theo xu hướng giá phân bón thế giới trong trong những tháng cuối năm 2023.
Nhà máy Urê hết khấu hao kể từ quý 4/2023 giúp lợi nhuận của DCM được cải thiện từ năm 2024: Năm 2022, chi phí khấu hao nhà máy hàng năm khoảng 1.000 tỷ đồng (khoảng 23% LNST doanh nghiệp). Chi phí khấu hao sẽ giảm đáng kể từ Q4/2023 giúp hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện lợi nhuận kể từ năm 2024.
DHA - CTCP Hóa An
Hưởng lợi nhờ sản lượng tiêu thụ đá xây dựng các dự án đầu tư công trọng điểm tại khu vực miền Nam: Kỳ vọng các mỏ đá của DHA sẽ là nguồn cung cấp đá xây dựng cho dự án sân bay Long Thành. DHA sở hữu 3 mỏ đá ( Tân Cang 3, Thạch Phú 2 và Núi Gió) có vị trí thuận lợi với trữ lượng lớn và thời gian khai thác còn lại nhiều, đặc biệt là mỏ Tân Cang 3 với trữ lượng khai thác còn lại khoảng 9,6 triệu m3, cách sân bay Long Thành chỉ 25km và có chất lượng đá tốt. Đồng thời Mỏ Tân Cang 3 cũng được hưởng lợi trong các cụm mỏ tại do thiếu hụt nguồn cung tại 2 cụm mỏ lớn đóng cửa là Tân Đông Hiệp và Núi Nhỏ tại Đồng Nai và Bình Dương.
Biên lãi gộp duy trì ổn định: Dự báo giá đá xây dựng sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung thiếu hụt giúp DHA có thể tiếp tục duy trì biên lãi gộp ở mức 30%.
Lợi suất cổ tức cao: DHA có lịch sử chi trả cổ tức đều đặn bằng tiền dao động từ 30 – 50% trong vòng 3 năm trở lại đây nhờ KQKD tăng trưởng ổn định.
HAH - CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An
Kỳ vọng KQKD nửa cuối năm cải thiện nhờ: (1) Áp lực lạm phát toàn cầu hạ nhiệt và nhu cầu giao thương phục hồi trở lại tại các thị trường lớn khi mùa lễ hội cuối năm đến gần. Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đang có tín hiệu phục hồi trong các tháng gần đây (thể hiện qua kim ngạch xuất nhập khẩu cải thiện tháng thứ 4 liên tiếp); (2) giá cước vận tải container phục hồi và giá dịch vụ xếp dỡ tại cảng tăng khi hoạt động giao thương khởi sắc hơn nhờ nhu cầu tại các thị trường lớn phục hồi trong dịp cuối năm. Cục Hàng hải Việt Nam mới ban hành Dự thảo thay thế Thông tư 54/2018/TT-BGTVT trong đó đề xuất tăng 10% giá dịch vụ xếp dỡ container từ ngày 1/1/2024 tại một số khu vực, bao gồm Hải Phòng, Hồ Chí Minh và Cái Mép Thị Vải. Bên cạnh đó, tàu trên 160.000 DWT có thể áp mức tăng thêm 10% phí dịch vụ xếp dỡ, qua đó có thể tăng phí bốc xếp lên 20% so với hiện tại nếu dự thảo được thông qua.
PVS - Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam
Kỳ vọng dự án Lô - B Ô Môn có FID (Quyết định đầu tư cuối cùng) vào cuối năm 2023: Với việc trúng thầu gói EPCI 1 giá trị hơn 1 tỷ USD, PVS được kỳ vọng có thể sớm bắt đầu triển khai từ đầu năm 2024 khi dự án Lô B - Ô Môn có FID. Chúng tôi kỳ vọng PVS sẽ có khối lượng công việc lớn trong giai đoạn 2024-2027 và đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn.
Mảng điện gió ngoài khơi còn nhiều dư địa tăng trưởng: PGE group và Orsted đã ký thỏa thuận với liên doanh PTSC M&C (công ty con của PVS) để thiết kế, sản xuất và vận hành 4 trạm biến áp ngoài khơi (375 MW mỗi trạm) cho dự án điện gió Baltica 2 tại Ba Lan. Ngoài ra, mảng điện gió trong nước cũng còn nhiều tiềm năng khi công suất điện gió quy hoạch được tập trung đẩy mạnh. Với vị thế là đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), PVS có nhiều lợi thế để trúng các gói thầu về dầu khí và điện gió ngoài khơi trong tương lai.
Mảng cho thuê kho chứa nổi FSO/FPSO đem lại dòng tiền ổn định cho doanh nghiệp: Các tàu FSO Orkid, FPSO Ruby II, FSO Biển Đông 01, FSO Golden Star và FSO MV12 sẽ hoạt động ổn định đến 2027. Ngoài ra, PVS cũng đang đàm phán để kéo dài hợp đồng với FPSO Lam Sơn từ năm 2025.