Quốc tế

Động cơ đằng sau cuộc cải tổ quân đội Trung Quốc

Bắc Hiệp - Theo Nikkei Asia 25/04/2024 - 10:58

Việc tái tổ chức quân chủng Chi viện Chiến lược cho thấy ông Tập đang chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ tư.

Động cơ đằng sau cuộc cải tổ quân đội Trung Quốc

Chỉ mất 9 năm để Quân chủng Chi viện Chiến lược của Trung Quốc bị giải thể. Khi được thành lập trong cuộc cải tổ quân đội dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình năm 2015, lực lượng này từng được ca ngợi là "đơn vị tương lai".

Một bài bình luận trên Internet Trung Quốc nhận định đây là đơn vị chiến lược "tồn tại ngắn nhất" trong lịch sử quân đội nước này. Quân chủng này được chính thức thành lập vào ngày 31/12 năm 2015, đứng ngang hàng với Lục quân, Hải quân, Không quân và Lực lượng Tên lửa.

Sau khi thành lập vào năm 2015, quân chủng này được mô tả là một đơn vị cấp cao do một tướng lĩnh, cấp bậc cao nhất của quân đội, hoặc một trung tướng, cấp bậc cao thứ hai, đứng đầu.

Nhân tố duy nhất khiến quân chủng này từng rất quan trọng bởi nó được thành lập bởi một tay ông Tập, người hiện đang giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương, cơ quan đưa ra quyết sách quốc phòng hàng đầu Trung Quốc.

Việc trả lời cho câu hỏi vì sao đơn vị này bị giải thể chỉ sau 9 năm sẽ giúp chỉ ra những ưu tiên và động cơ chính trị của ông Tập trong tương lai.

Sau khi được thành lập, nhiệm vụ, chức năng và cơ cấu của Quân chủng Chi viện Chiến lược ban đầu chưa được tiết lộ. Trung Quốc chỉ đưa ra lời giải thích bán chính thức vào năm 2016 thông qua một bài báo đăng trên Thời báo Hoàn cầu, trong đó cho biết lực lượng lúc mới thành lập gồm ba đơn vị.

Đơn vị chiến tranh mạng sẽ có nhiệm vụ chống lại các vụ tấn công mạng, trong khi đơn vị chiến tranh không gian sẽ đối phó với các vệ tinh do thám và giám sát hệ thống vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu, trong khi đơn vị tác chiến điện tử sẽ phá vỡ hệ thống radar và thông tin liên lạc của đối thủ.

Theo cuộc cải tổ quân sự mới nhất, Quân chủng Chi viện Chiến lược đã bị giải thể và tổ chức lại thành ba đơn vị mới.

Lực lượng Hỗ trợ Thông tin sẽ thu thập và phân tích thông tin, còn Lực lượng Hàng không Vũ trụ sẽ phụ trách chiến tranh không gian. Đơn vị thứ ba là Lực lượng Không gian mạng.

Ba đơn vị mới sẽ do một trung tướng hoặc thiếu tướng lãnh đạo, điều này cho thấy những đơn vị mới không còn ngang hàng với các quân chủng truyền thống.

Quân chủng Chi viện Chiến lược được cho là đã ra đời sau khi quá trình chuẩn bị công phu được bắt đầu bí mật vào năm 2014, một năm sau khi ông Tập trở thành Chủ tịch nước và ba năm trước đại hội đảng toàn quốc năm 2017.

Cuộc cải tổ quân đội cách đây 10 năm khởi đầu bằng việc Từ Tài Hậu - cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, bị bắt giữ trong một cuộc điều tra tham nhũng. Ngay sau khi ông Từ qua đời vào năm 2015 vì bệnh ung thư, một Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương khác là Quách Bá Hùng cũng bị bắt giữ và kết án tù chung thân vì tội nhận hối lộ vào năm 2016.

Cuộc thanh trừng hai tướng lĩnh cấp cao và việc tái tổ chức lực lượng được thực hiện để đảm bảo lòng trung thành của quân đội với Tập Cận Bình. Nhưng những động cơ thầm kín cũng đóng một vai trò nào đó. Ông Tập coi việc thanh trừng và cải tổ là thành tựu tại Đại hội toàn quốc năm 2017, mở đường cho ông sửa đổi hiến pháp Trung Quốc vào năm 2018 và bãi bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ 5 năm đối với các Chủ tịch nước Trung Quốc.

Vào năm 2022, ông Tập đã đảm bảo được nhiệm kỳ 5 năm thứ ba của mình với tư cách là Tổng Bí thư, sau đó được bầu lại làm Chủ tịch nước Trung Quốc tại phiên họp thường niên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc vào tháng 3 năm 2023.

Ông Tập có thể mong muốn liệt kê việc tổ chức lại quân đội mới nhất như một thành tựu khác tại đại hội đảng trong ba năm tới, nhằm đảm bảo nhiệm kỳ thứ tư.

Do đó, nhà lãnh đạo 70 tuổi dường như đang cố gắng tạo ra tiếng vang tương tự như cách đây 10 năm trước, ra mắt Lực lượng Chi viện Chiến lược.

Sự chuẩn bị năm đó cũng đã bắt đầu ba năm trước đại hội đảng, giống như lần tái tổ chức mới nhất, cũng chỉ còn cách ba năm trước đại hội đảng tiếp theo diễn ra.

Trong giai đoạn sau năm 2014, động thái cải tổ của ông Tập Cận Bình bao gồm hai khía cạnh: tái tổ chức lực lượng và bắt giữ các tướng lĩnh cấp cao.

Tháng 10 năm ngoái, tướng Lý Thượng Phúc được thông báo sẽ không còn nắm giữ chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc. Nhiều chuyên gia nghi ngờ động thái này là hồi chuông thông báo về một đợt cải tổ mới.

Sau đợt tái tổ chức quân sự gần đây nhất vào cuối năm 2015, ông Lý đã tham dự các cuộc họp quan trọng với tư cách là phó Tư lệnh và Tham mưu trưởng Lực lượng Chi viện Chiến lược mới thành lập. Trước đây ông từng giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Trang bị.

Trên thực tế, ông Lý là người phụ trách quân chủng mới, điều sẽ khó thành hiện thực nếu ông không nhận được sự tin tưởng của lãnh đạo cấp cao.

Sau đó, con đường quân nghiệp của ông Lý tiếp tục thăng tiến hơn nữa qua nhiều cấp bậc để trở thành thành viên của Quân ủy Trung ương, ủy viên hội đồng nhà nước và Bộ trưởng Quốc phòng.

Nhiều người cho rằng ông Lý đã bị thanh trừng do các cáo buộc tham nhũng phát sinh từ vai trò trước đây của ông là Chủ nhiệm Tổng cục Trang bị. Ngoài ra, Quân chủng Tên lửa cũng được cho là có vấn đề tham nhũng. Không khó để tưởng tượng rằng Quân chủng Chi viện Chiến lược cũng rơi vào tình trạng tương tự khi chia sẻ nhân sự với Tổng cục Trang bị và Quân chủng Tên lửa.

Ông Lý đã tham gia vào tất cả các lực lượng trên, điều này cho thấy có khả năng Quân chủng Chi viện Chiến lược đã không hoạt động tốt như dự kiến ban đầu của ông Tập.

Ông Tập hôm thứ Sáu tuần trước đã tham dự lễ thành lập Lực lượng Hỗ trợ Thông tin. Ông ra lệnh cho đơn vị này phải kiên quyết tuân theo mệnh lệnh của đảng và “đảm bảo tuyệt đối trung thành, trong sạch và đáng tin cậy”.

Ba đơn vị mới được thành lập trong đợt tái tổ chức quân đội mới nhất đặt dưới sự chỉ đạo và chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương. Điều này có nghĩa là chính ông Tập chỉ huy các lực lượng này.

Trung Quốc tiến hành tái tổ chức quân đội

Vượt Trung Quốc, quốc gia châu Á bất ngờ là điểm nóng bất động sản, hàng loạt dự án cao cấp bán hết chỉ sau vài ngày

Cơn bĩ cực của giới công nghệ Trung Quốc: Lao động ngoài 30 tuổi đã 'về hưu', lành nghề lâu năm cũng hóa thất nghiệp chỉ trong gang tấc

CEO Tim Cook: 'Đối với Apple, không có chuỗi cung ứng nào trên thế giới quan trọng hơn Trung Quốc'

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/dong-co-dang-sau-cuoc-cai-to-quan-doi-trung-quoc-post145782.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Động cơ đằng sau cuộc cải tổ quân đội Trung Quốc
POWERED BY ONECMS & INTECH