Dòng tiền ngắn hạn có thể giúp cổ phiếu ngân hàng hồi phục?

14-03-2022 15:15|Anh Tú

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán liên tục rung lắc và điều chỉnh trong thời gian gần đây, việc nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn như ngân hàng, bất động sản chịu áp lực bán mạnh tiếp tục củng cố luận điểm thị trường có thể rơi về vùng giá 1.420 - 1.440 trong tuần giao dịch từ 14 - 18/3/2022.

Nhiều áp lực từ vĩ mô

Việc Nga bị ngắt khỏi hệ thống SWIFT có thể khiến các giao dịch thanh toán, chuyển tiền quốc tế từ Việt Nam sang Nga bị ảnh hưởng.

Dù quyết định ngắt Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT ban đầu mới chỉ áp đặt đối với bảy ngân hàng của Nga và chưa tác động nhiều lên hoạt động của các ngân hàng Việt Nam nhưng phản ánh từ một số doanh nghiệp cho biết nhiều ngân hàng Việt sợ bị rơi vào “danh sách đen” của các nước do vi phạm chính sách cấm vận nên trả lại tất cả chứng từ, dù đơn hàng đó xuất sang EU.

Còn theo giới chuyên gia, nếu tình hình tiếp tục leo thang, có thể xảy ra tình huống toàn bộ các ngân hàng của Nga bị ngắt khỏi hệ thống SWIFT và như thế sẽ tác động thực sự đến hoạt động ngân hàng của Việt Nam.

Trong khi đó, các ngân hàng quốc tế phương Tây còn phải đối mặt rủi ro nợ xấu hay mất vốn khi có mối quan hệ làm ăn với nước Nga, từ các hoạt động đầu tư cho đến tài trợ vốn cho các doanh nghiệp Nga cũng như giới tỉ phú của nước này.

Tính từ phiên giao dịch ngày 11/2 đến 7/3/2022, chỉ số giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giảm đến 7,5% qua đó trở thành một trong những ngành có diễn biến kém nhất và tác động tiêu cực lên thị trường chung. Ngoại trừ VPBank, hầu hết cổ phiếu các ngân hàng khác đều không tránh khỏi xu hướng điều chỉnh lần này. Có thể kể đến cổ phiếu CTG của VietinBank giảm gần 13%, BID của BIDV giảm hơn 12%, VCB của Vietcombank giảm gần 7%, cổ phiếu của MBBank giảm hơn 10%, Techcombank giảm 8%, ACB giảm 7%,…

Ngoài câu chuyện quan hệ thanh toán, chuyển tiền với các ngân hàng Nga bị ảnh hưởng xấu, các ngân hàng trong nước cũng đang đối mặt với nguy cơ tăng trưởng lợi nhuận có thể bị thu hẹp trong thời gian tới, trước thách thức nợ xấu gia tăng làm tăng chi phí trích lập dự phòng, biên độ lãi thu hẹp cho đến nguồn thu nhập ngoài lãi có thể bị ảnh hưởng.

Thống kê cho thấy lợi nhuận của 27 ngân hàng niêm yết đạt 146.000 tỷ đồng trong năm 2021 - tăng 33% so với năm 2020, chủ yếu nhờ tăng ở nguồn thu nhập lãi vay và phí dịch vụ. Bước sang năm 2022, một số ngân hàng tiếp tục đặt ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ, nhưng với tình hình hiện nay thì ngành này có thể sẽ đối mặt với không ít khó khăn trong việc tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ như những năm qua.

Cần lưu ý mặt bằng lãi suất tiền gửi trên thị trường dân cư lẫn thị trường liên ngân hàng từ đầu năm đến nay đã có những bước tăng trở lại đáng chú ý, bất chấp xu hướng dòng tiền gửi thường có xu hướng quay lại hệ thống ngân hàng sau Tết giúp thanh khoản của hệ thống dồi dào hơn. Có vẻ như kênh tiền gửi ngân hàng đã đến hạn, không còn đủ sức hấp dẫn khách hàng trong bối cảnh lãi suất quá thấp so với các kênh đầu tư khác đang làm mưa làm gió.

Đặc biệt, xung đột Nga – Ukraine những ngày qua đã đẩy giá cả nhiều loại hàng hóa tăng vọt trên thị trường quốc tế, nguy cơ Việt Nam phải nhập khẩu lạm phát và gây áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong nước đang ngày càng hiện rõ hơn. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số CPI tháng 2 đã tăng mạnh 1% so với tháng trước, mức tăng cao nhất trong vòng một năm qua, do ảnh hưởng chủ yếu của giá năng lượng và lương thực, thực phẩm.

Lạm phát tăng cao sẽ khiến mặt bằng lãi suất tiền gửi buộc phải đi lên để giữ chân khách hàng. Và cần biết rằng hoạt động ngân hàng có thể gặp nhiều khó khăn hơn khi lãi suất gia tăng trở lại trong nền kinh tế.

Thứ nhất là sẽ làm tăng chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng, trong khi lãi suất cho vay đầu ra luôn chịu áp lực phải giảm thêm hoặc ít nhất là giữ ổn định để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, khiến biên độ lãi của các ngân hàng đứng trước thách thức bị thu hẹp.

Thứ hai là lãi suất tăng cao cũng tiềm ẩn nguy cơ gia tăng nợ xấu, mà bài học giai đoạn 2010 - 2015 vẫn còn hiển hiện, khi doanh nghiệp không gánh nổi chi phí tài chính tăng cao, nhất là trong bối cảnh hai năm vừa qua đã bị thiệt hại nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Ngoài ra, rủi ro nợ tái cơ cấu chuyển thành nợ xấu cũng gây áp lực lên các ngân hàng khi chính sách tái cơ cấu nợ sẽ đến hạn vào ngày 30/6 tới.

Cuối cùng, lạm phát nếu tăng vọt ngoài tầm kiểm soát cũng có thể khiến nhà điều hành phải thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn, theo đó không chỉ tăng lãi suất mà còn kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng và lượng cung tiền ra nền kinh tế, những yếu tố ảnh hưởng không tốt lên hoạt động của các ngân hàng.

Trong một diễn biến khác, tăng trưởng tín dụng so với đầu năm sau khi đạt mức 2,74% vào cuối tháng 1, thì đến cuối tháng 2 chỉ còn tăng 2,52%, đồng nghĩa với riêng tháng 2 đã sụt giảm trở lại 0,22%.

Dòng tiền sẽ trở lại?

Đưa ra quan điểm về việc áp lực bán có tiếp diễn trong tuần tới/thời gian tới hay không, ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco cho rằng: "Nhóm ngân hàng tuần vừa rồi chịu áp lực điều chỉnh trên phạm vi toàn cầu trước những lo ngại xung đột giữa Nga và Ukraina cũng như áp lực lạm phát gia tăng. Tôi đánh giá nhóm này vẫn có thể bị điều chỉnh trong một vài phiên tới trước khi hồi phục nhờ các thông tin tích cực nửa cuối tháng 3 như kết quả kinh doanh quý I cùng các kế hoạch 2022: tăng vốn, mua bán sáp nhập,… đang dần hé lộ trước mùa ĐHCĐ tháng 4/2022.

Trong khi đó tôi dự báo nhóm chứng khoán tiếp tục ảm đạm khi thanh khoản thị trường không như kỳ vọng cũng như hoạt động tự doanh có thể không hiệu quả trong quý I/2022.

Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Huy - Giám đốc môi giới CTCK TP. HCM (HSC) nhấn mạnh: "ôi vẫn luôn duy trì quan điểm khó có sóng ngành đối với nhóm ngân hàng. Tuy nhiê,n hiện tại đồ thị nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đã về vùng thấp nhất trong 6 tháng qua. Đồ thị VNFinlead cũng về gần MA100. Nhiều ngân hàng được các tổ chức đánh giá đã về vùng định giá rất hấp dẫn và có thể quan tâm.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích CTCK Yuanta nhận định: Trong hai tuần gần đây, dòng tiền chủ yếu tập trung vào nhóm hàng hóa cơ bản như dầu khí hay thép.

Trong bối cảnh dòng tiền trên thị trường khá yếu và chưa thực sự sẵn sàng nhập cuộc trở lại, chỉ một vài nhóm cổ phiếu được lựa chọn thay vì phân bổ đồng đều. Do đó hiện tại, khi dòng tiền có xu hướng rút khỏi nhóm cổ phiếu hàng hóa thì khả năng cao dòng tiền sẽ trở lại với hai nhóm cổ phiếu mang tính chất thay thế lẫn nhau như ngân hàng hay bất động sản.

Đưa ra quan điểm về xu hướng dòng tiền trong ngắn hạn, ông Bùi Văn Huy cho rằng, việc chọn nhóm ngành ở hiện tại nên tuân thủ các nguyên tắc như sau: Có thể phòng ngừa rủi ro/không chịu tác động quá lớn của lạm phát; các nhóm ngành phù hợp với chu kỳ hiện tại của nền kinh tế Việt Nam, phù hợp ngay cả với tín hiệu trong giai đoạn đầu tăng lãi suất; phù hợp với chính sách tiền tệ, tài khó giai đoạn hiện tại.

Từ những nguyên tắc trên, vị chuyên gia khuyến nghị các nhóm ngành có thể đầu tư gồm: Ngân hàng (phân hóa - lưu ý vấn đề nợ xấu), chứng khoán (đã về hỗ trợ dài hạn), bất động sản, hàng tiêu dùng thiết yếu, năng lượng, vật liệu cơ bản (các cổ phiếu hàng hóa hưởng lợi từ việc giá hàng hóa neo cao), nhóm cổ phiếu tiện ích – mang tính phòng thủ.

Nhà đầu tư đang rút tiền chứng khoán đi gửi tiết kiệm ngân hàng

"Khui" lỗ chứng khoán...

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dong-tien-ngan-han-co-the-giup-co-phieu-ngan-hang-hoi-phuc-123344.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Dòng tiền ngắn hạn có thể giúp cổ phiếu ngân hàng hồi phục?
    POWERED BY ONECMS & INTECH