Chỉ cách đây chưa đầy nửa năm, không khí khoe lãi chững khoán (một phiên hơn cả năm gửi tiết kiệm) vẫn tràn ngập khắp các diễn đàn, mạng xã hội,... Tuy nhiên, có vẻ như nhà đầu tư thời điểm hiện tại đang phải "trả giá"?
Thị trường chứng khoán kết phiên 20/6/2022 tiếp tục giảm mạnh khi VN-Index mất hơn 3% và rơi về mốc 1.180 điểm. Sắc đỏ bao trùm trên hầu hết các nhóm cổ phiếu, thậm chí toàn thị trường có đến hơn 220 mã giảm sàn.
Tính riêng trên HOSE số cổ phiếu nằm sàn đã lên đến 145 mã; rổ VN30 có đến 5 cái tên là GAS, HPG, POW, SSI, và STB giảm hết biên độ.
Trong bối cảnh thị trường biến động mạnh thời gian gần đây, việc cổ phiếu tăng nóng giai đoạn trước quay đầu giảm sàn nhiều phiên liên tiếp, đặc biệt trong nhóm chứng khoán, thép, bất động sản,... đã không còn xa lạ với nhà đầu tư.
Câu chuyện càng đáng buồn hơn khi chỉ cách đây chưa đầy nửa năm, không khí phấn khởi khoe lãi một phiên hơn cả năm gửi tiết kiệm vẫn tràn ngập khắp các diễn đàn, mạng xã hội,...
Cục diện thay đổi nhanh chóng khi áp lực lạm phát gây sức ép buộc Fed và các Ngân hàng Trung ương phải đẩy nhanh quá trình tăng lãi suất. Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chưa có động thái nâng lãi suất điều hành tuy nhiên rất nhiều Ngân hàng thương mại đã rục rịch tăng lãi suất tiền gửi các kỳ hạn. Điều này phần nào ảnh hưởng đến dòng tiền vào chứng khoán bởi tiết kiệm luôn là một trong những kênh đầu tư thay thế được nhắc đến nhiều nhất.
Trong khi dòng tiền có xu hướng rời đi, nguồn cung cổ phiếu lại tăng rất mạnh trong các năm qua. Theo thống kê của FiinPro, số lượng cổ phiếu mà doanh nghiệp niêm yết có kế hoạch chào bán giai đoạn 2021-2023 là hơn 20,5 tỷ đơn vị, riêng thực hiện trong năm 2021 là 19,87 tỷ đơn vị.
Ba nhóm doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn nhiều nhất là ngân hàng, chứng khoán và bất động sản. Điều này phần nào lý giải cho những biến động không mấy khả quan của thị trường thời gian gần đây.
Tuy nhiên, triển vọng dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực nhờ tình hình vĩ mô ổn định và tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết ở mức cao.
Nhìn vào diễn biến không mấy tích cực của thị trường, thay vì trading – "lướt sóng" cổ phiếu đầu cơ, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên tập trung vào lựa chọn những cổ phiếu có nội tại tốt và triển vọng sáng lạn để nắm giữ dài hạn, thận trọng hơn nhằm tránh những quyết định gây ra thua lỗ.
Trong bối cảnh vĩ mô khó lường như hiện tại, ông Nguyễn Anh Khoa Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco khuyến nghị nhà đầu tư nên cơ cấu lại danh mục theo hướng tăng tỷ trọng tiền mặt, giảm tỷ trọng cổ phiếu để luôn có vị thế chủ động trước các diễn biến bất thường của thị trường.
Ngoài ra, với sự phân hóa rõ nét của dòng tiền trong các phiên gần đây, ông cho rằng chiến lược phù hợp giai đoạn này sẽ là đánh nhanh rút gọn hơn là mua và nắm giữ. Đặc biệt, nhà đầu tư không nên sử dụng các công cụ đòn bẩy tài chính trong giai đoạn này.
Theo quan điểm của ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Môi giới Chứng khoán HSC, chứng khoán cũng là một kênh đầu tư trong số nhiều kênh đầu tư khác và không phải lúc nào cũng thuận lợi. Khi bối cảnh xấu đi, việc hạ tỷ trọng phân bổ vào chứng khoán và tăng tỷ trọng với các loại tài sản an toàn hơn là hoàn toàn hợp lý.
Ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nên xem xét lại tỷ trọng tài sản của mình vào kênh cổ phiếu đã hợp lý hay không đã.
Mốc 1.230 điểm cản bước VN-Index, khối ngoại mua ròng trở lại
Nhận định chứng khoán 22/11: Nhiều CTCK đồng thuận VN-Index lên 1.240 điểm