Trong hoàn cảnh tình hình tài chính liên tục suy yếu, Quốc Cường Gia Lai (QCG) lo ngại sẽ bị ngân hàng dồn ép cả về điều kiện và lãi suất bởi những cơ sở quy định mới.
Liên tục suy yếu
Báo cáo tài chính Quý II/2021 của Quốc Cường Gia Lai cho thấy, sau đà phục hồi kết quả kinh doanh năm 2020, doanh nghiệp bất động sản phố núi này lại rơi vào giai đoạn suy giảm hoạt động khi doanh số bất động sản lao dốc.
Cụ thể, tính riêng Quý II, công ty gia đình ông Nguyễn Quốc Cường chỉ ghi nhận gần 204 tỷ đồng doanh thu thuần, thấp hơn 78% so với cùng kỳ năm trước. Thay đổi này tương đương mức giảm ròng hơn 740 tỷ đồng trong giai đoạn tháng 4-6 vừa qua.
Nguyên nhân chủ yếu khiến doanh thu thuần công ty lao dốc do lượng căn hộ bàn giao trong quý hạn chế khiến số thu từ kinh doanh bất động sản giảm tới 80%, chỉ mang về 182 tỷ đồng quý này, trong khi cùng kỳ mang về 934 tỷ.
Đà suy giảm của doanh thu cũng kéo theo lợi nhuận gộp của Quốc Cường Gia Lai trong quý gần nhất giảm một nửa so với cùng kỳ, đạt 44 tỷ đồng.
Do không còn nguồn thu lớn từ chuyển nhượng vốn góp, doanh thu hoạt động tài chính quý gần nhất của công ty đã giảm 96%, đạt chưa tới 1 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính (chủ yếu là lãi vay) vẫn ở mức trên 10 tỷ.
Đáng chú ý, do hoạt động kinh doanh chính là bất động sản suy giảm trong quý, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của Quốc Cường Gia Lai đều giảm mạnh trong Quý II.
Tuy nhiên, doanh nghiệp bất động sản phố núi này vẫn phải đối mặt với quý suy giảm lợi nhuận thứ 3 liên tiếp với chỉ 8,6 tỷ đồng sau thuế, thấp hơn 17% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất trong 6 quý gần nhất của Quốc Cường Gia Lai.
Tính chung nửa đầu năm nay, hoạt động của nhà phát triển bất động sản này cũng ghi nhận xu hướng tương tự Quý II, khi doanh thu thuần giảm 46% và lợi nhuận ròng giảm 32% so với cùng kỳ, đạt lần lượt 550 tỷ và 28 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận bán niên thấp nhất mà Quốc Cường Gia Lai ghi nhận được kể từ năm 2015 đến nay.
Tính đến cuối tháng 6, doanh nghiệp bất động sản phố núi này có tổng tài sản hơn 9.900 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm trong đó 72% tổng tài sản của công ty này là hàng tồn kho, bao gồm bất động sản dở dang đang xây dựng.
Một điểm đáng chú ý khác là khoản mục người mua trả tiền trước của Quốc Cường Gia Lai đến cuối tháng 6 đạt 749 tỷ đồng, tăng gần 350 tỷ so với đầu năm. Đây chính là phần tiền người mua nhà tại các dự án của công ty đã đặt cọc để chờ nhận nhà. Tuy nhiên, đến thời điểm lập báo cáo tài chính, công ty chưa hoàn thiện và bàn giao nhà cho người mua.
Hiện, công ty cũng đang có 4.300 tỷ đồng nợ phải trả ngắn hạn khác, trong đó có trên 2.880 tỷ đồng là tiền nhận của Sunny cho dự án Phước Kiển và gần 805 tỷ tiền mượn của các bên liên quan như Công ty CP Bất động sản Hiệp Phúc, Công ty TNHH Xây dựng và kinh doanh Nhà Phạm Gia, và cả các cá nhân như ông Lại Thế Hà, bà Lại Thị Hoàng Yến, bà Nguyễn Ngọc Huyền My và bà Nguyễn Thị Như Loan.
Theo báo cáo quản trị của Quốc Cường Gia Lai, gia đình bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc vẫn là nhóm cổ đông lớn nhất với trên 55% vốn sở hữu. Trong đó, cá nhân bà Loan sở hữu 101,9 triệu cổ phiếu QCG, tương đương 37% cổ phần đang lưu hành.
Ông Nguyễn Quốc Cường (con trai) hiện chỉ sở hữu 537.500 cổ phiếu QCG, trong khi con gái và 2 em ruột của bà Loan đang nắm tổng cộng 49,14 triệu đơn vị.
Ước tính, lượng cổ phiếu QCG gia đình bà Loan nắm giữ hiện có giá thị trường vào khoảng 1.040 tỷ đồng.
Sống bằng tiền mượn của chủ tịch, tổng giám đốc
Thông báo doanh thu thuần Quý III/2021 của Quốc Cường Gia Lai cho thấy sự sụt giảm mạnh đến 57% so với cùng kỳ 2020 chỉ còn 223 tỷ đồng trong đó doanh thu từ mảng bất động sản giảm đến 64% chỉ còn 174 tỷ đồng trong khi lĩnh vực kinh doanh thủy điện vẫn duy trì được doanh số như cùng kỳ.
Doanh thu giảm nhưng biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp bất động sản phố núi lại cải thiện đáng kể. Biên lãi gộp quý vừa qua của Quốc Cường Gia Lai đạt 21,5%, tăng mạnh so với mức 16,9% so với Quý III năm trước.
Doanh số sụt giảm mạnh, công ty cũng thắt chặt chi phí vận hành. Chi phí bán hàng trong 3 tháng qua của Quốc Cường Gia Lai chỉ còn 9 tỷ đồng, giảm hơn 80% so với cùng kỳ.
Lũy kế từ đầu năm, Quốc Cường Gia Lai đạt doanh thu 774 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với cùng kỳ 9 tháng 2020. Lợi nhuận ròng sau 3 quý của công ty đạt 38 tỷ đồng, giảm gần 40%.
Đến nay, Quốc Cường Gia Lai vẫn chưa tổ chức đại hội thường niên với lý do tình hình dịch COVID-19 tại TP. HCM diễn biến phức tạp. Do đó, doanh nghiệp cũng chưa thông qua kế hoạch doanh thu, lợi nhuận chính thức cho năm nay.
Đến cuối tháng 9, tổng tài sản của Quốc Cường Gia Lai đạt gần 9.900 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với hồi đầu năm nay. Trong đó, riêng hàng tồn kho của công ty chiếm tới hơn 7.000 tỷ đồng.
Nợ phải trả của doanh nghiệp chiếm hơn 5.600 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ các khoản vay ngân hàng ngắn hạn, dài hạn đến cuối tháng 9 chỉ hơn 470 tỷ đồng. Trong khi đó, Quốc Cường Gia Lai mượn tiền từ các cá nhân, tổ chức liên quan hơn 840 tỷ đồng.
Trong đó, hai pháp nhân Công ty Cổ phần Bất động sản Hiệp Phúc, Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phạm Gia là các chủ nợ lớn nhất, lần lượt cho Quốc Cường Gia Lai mượn 423 tỷ đồng và 153 tỷ đồng. Hai công ty này là các doanh nghiệp liên kết của Quốc Cường Gia Lai.
Song song đó, Quốc Cường Gia Lai mượn 4 cá nhân gồm Tổng giám đốc Nguyễn Thị Như Loan cùng con gái Nguyễn Ngọc Huyền My, Chủ tịch HĐQT Lại Thế Hà và con gái Lại Thị Hoàng Yến tổng cộng 265 tỷ đồng. Trong đó, bà Loan là người đang cho công ty mượn nhiều nhất với số tiền lên tới 117 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu QCG hiện được giao dịch ở vùng giá 8.600 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa của doanh nghiệp tương ứng đạt gần 2.300 tỷ đồng. Dù kết quả kinh doanh Quý III kém khả quan, cổ phiếu QCG vẫn tăng 20% trong một tháng gần nhất, cao hơn mức 8% của VN-Index.
Tuy nhiên, doanh nghiệp phố núi lại chịu khoản phí bồi thường, phạt 7 tỷ đồng trong quý vừa rồi. Ngoài ra, công ty còn hạch toán thêm 6 tỷ đồng tiền chi phí khác nhưng không thuyết minh cụ thể.
Sau cùng, Quốc Cường Gia Lai báo lãi sau thuế 10 tỷ đồng trong Quý III, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.
Lo ngại bị ngân hàng dồn ép
Mới đây, Quốc Cường Gia Lai (QCG) đã công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên sẽ diễn ra vào ngày 31/12 tới.
Theo đó, Quốc Cường Gia Lai đánh giá tiềm năng ngành bất động sản Việt Nam năm 2021 vẫn còn rất lớn, đặc biệt tại quận huyện đang trở thành xu hướng cho nhà đầu tư và nhiều người dân có nhu cầu an cư.
Hiện, công ty này đang có những quỹ đất tại các quận huyện thuộc TP. HCM như: Nhà Bè, Bình Chánh, Thủ Đức… Theo đó, định hướng sẽ tập trung triển khai ở những khu vực này và khu vực tỉnh thành lân cận đã có hệ thống hạ tầng kết nối thuận lợi với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng ngắn ngày phù hợp với nhu cầu của người dân trong tình hình dịch bệnh hiện nay.
Mặc dù vậy, Quốc Cường Gia Lai cho rằng, hiện nay vẫn có nhiều thách thức. Cụ thể là dịch bệnh COVID-19 kéo dài từ cuối năm 2019, đến nay vẫn đang diễn biến phức tạp với các biến chủng mới, gây áp lực lớn đến sự tăng trưởng của nền kinh tế cũng như đời sống của người dân. Chưa kể, tâm lý tiêu dùng tại Việt Nam còn chưa ổn định, người dân sẽ tiếp tục tâm lý e ngại, chủ yếu chi tiêu ở mức cần thiết, vào các nhu cầu thiết yếu.
Mặt khác, quy hoạch quản lý đô thị còn bất cập, phát triển kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống pháp lý bất động sản còn chưa đồng bộ về các Luật, nhất là các vấn đề liên quan đến đất công.
Đáng chú ý, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, tăng hệ số rủi ro đối với cho vay bất động sản, kiểm soát cho vay tiêu dùng bất động sản, kiểm soát room tín dụng… đã và sẽ tiếp tục làm cho việc tiếp cận nguồn vốn khó khăn hơn. Bên cạnh đó, Ngân hàng thương mại sẽ có nhiều cơ sở để dồn ép các doanh nghiệp bất động sản cả về điều kiện và lãi suất.
Cùng với phí nguyên vật liệu, nhân công, lãi suất có xu hướng tăng, quỹ đất sạch ngày càng thu hẹp… khiến cho việc tiếp cận đất đai cho các dự án kinh doanh bất động sản ngày càng khó khăn.
Với những định đoán và lo ngại nói trên, Quốc Cường Gia Lai đặt mục tiêu năm 2021 giảm mạnh với doanh thu 1.000 tỷ đồng – giảm 46% và lãi trước thuế 100 tỷ đồng, giảm 22% so với kết quả trong năm 2020. Kết thúc 9 tháng đầu năm, QCG đạt 774 tỷ đồng doanh thu và 53 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, thực hiện hơn 77% và 53% chỉ tiêu.
Đến nay, dự án Premium Central (quận 8), Lavida Plus (quận 7) của QCG đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng và đang bàn giao cho khách hàng; Dự án KDC cư Đa Phước – QL 50, đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục điều chỉnh phê duyệt 1/500; Dự án cụm B khu dân cư 13E, khu biệt thự đang nộp hồ sơ xin phê duyệt mẫu nhà; Dự án lô B Khu dân cư 6B xây dựng TMDV, văn phòng kết hợp lưu trú đang xin tính tiền sử dụng đất.
QCG cũng chủ trương duy trì nguồn thu ổn định của các thủy điện, vườn cao su, mảng cho thuê trung tâm thương mại và tiếp tục triển khai kế hoạch tiếp cận đầu tư sang các khu quận 9, quận 2, quận 7, Nhà Bè, TP.Thủ Đức và các tỉnh như Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu.
Khai khống vốn, doanh nghiệp dính lùm xùm với cựu CEO Quốc Cường Gia Lai nhận án phạt
Quốc Cường Gia Lai: 'Bom tấn' lợi nhuận sắp nổ với hàng tồn kho khủng 6.419 tỷ đồng?