Vĩ mô

Đồng USD tăng mạnh: NHNN đối phó ra sao trước áp lực tỷ giá?

Trường Thanh 23/12/2024 - 19:34

Với vai trò "người gác cổng" của thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang triển khai hàng loạt biện pháp để chống lại áp lực ngày một gia tăng từ đồng bạc xanh.

Sức mạnh của đồng USD: Lý do đằng sau đợt tăng giá mạnh

Chỉ số US Dollar Index (DXY), thước đo sức mạnh của đồng USD so với rổ các đồng tiền chủ chốt, đã vọt lên mức 107,62 điểm vào ngày 20/12/2024, đánh dấu một trong những mức cao nhất năm nay.

Động lực chính đến từ các thông báo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về chính sách tiền tệ. Trong cuộc họp ngày 18/12/2024, Fed giảm lãi suất cơ bản thêm 25 điểm cơ bản, đưa mức lãi suất xuống 4,25%-4,5%. Đồng thời Fed cũng phát tín hiệu rõ ràng rằng tốc độ giảm lãi suất trong năm 2025 sẽ chậm hơn so với kỳ vọng. Chỉ còn hai lần giảm lãi suất được dự báo, đưa mức lãi suất cuối năm 2025 xuống 3,75%-4,0%, thay vì mức 3,4% trong dự báo tháng 9.

Đồng USD tăng mạnh: NHNN đối phó ra sao trước áp lực tỷ giá?
Diễn biến Chỉ số US Dollar Index (DXY) năm 2024. Nguồn: Trading Economics, cập nhật đến ngày 20/12/2024.

Những dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ cũng đã củng cố đà tăng của đồng USD. GDP quý III/2024 của Mỹ tăng 3,1% (q/q), vượt xa mức dự báo 2,8% của thị trường, phản ánh sự bền vững của đà phục hồi kinh tế. Chỉ số PCE lõi, thước đo lạm phát ưa chuộng của Fed, tăng 2,8% (y/y) trong tháng 11, giữ vững mức tăng của tháng trước và vẫn cao hơn mục tiêu 2,0%. Những dữ liệu này cho thấy lạm phát tại Mỹ đang giảm chậm, củng cố triển vọng Fed giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài.

Đồng USD tăng mạnh: NHNN đối phó ra sao trước áp lực tỷ giá?

Diễn biến Chỉ số PCE lõi Mỹ và Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ. Nguồn: MSB Research, VIRA.

Sự tăng giá của đồng USD không chỉ tác động đến thị trường tiền tệ quốc tế mà còn lan rộng đến các nền kinh tế mới nổi. Đồng Euro (EUR), Yen Nhật (JPY) và Nhân dân tệ (CNY) đều suy yếu đáng kể. Đối với Việt Nam, áp lực từ đồng bạc xanh đã trực tiếp ảnh hưởng đến tỷ giá USD/VND, khi tỷ giá liên ngân hàng tăng mạnh lên mức 25.455 VND/USD vào cuối tuần qua.

Tỷ giá USD/VND: Bức tranh đầy áp lực trên thị trường trong nước

Theo MSB Research, trong tuần vừa qua, tỷ giá trung tâm do NHNN niêm yết liên tục được điều chỉnh tăng, chạm mức 24.324 VND/USD vào ngày 20/12/2024, đây là mức đỉnh lịch sử từ khi cơ chế tỷ giá trung tâm được thiết lập năm 2016. Tuy nhiên, tỷ giá liên ngân hàng lại tăng mạnh hơn, chốt phiên ngày 20/12 ở mức 25.455 VND/USD, tăng mạnh 52 đồng so với tuần trước đó. Đáng chú ý, mức tỷ giá này đã vượt qua mức 25.450 VND/USD - ngưỡng NHNN cam kết bán USD can thiệp.

Theo thông tin từ thị trường liên ngân hàng, điều này đã thúc đẩy NHNN phải bán ra khoảng 2 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối chỉ trong ba phiên từ ngày 18/12 đến 20/12, nhằm cung cấp thanh khoản và giảm áp lực lên tỷ giá. Như vậy, tính từ đầu năm đến ngày 20/12, NHNN đã bán ra tổng cộng khoảng 8,5 tỷ USD với hình thức giao ngay (spot) ở mức giá 25.450 VND/USD để ổn định tỷ giá hối đoái.

Đồng USD tăng mạnh: NHNN đối phó ra sao trước áp lực tỷ giá?
Diễn biến tỷ giá Trung tâm và tỷ giá Liên ngân hàng USD/VND năm 2024. Nguồn: Hội Nghiên cứu thị trường liên ngân hàng (VIRA).

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc bán ngoại hối không phải là giải pháp lâu dài, đặc biệt khi quy mô dự trữ ngoại hối của Việt Nam còn hạn chế. Theo ước tính từ Công ty Cổ phần Chứng khoán Mirae Asset, dự trữ ngoại hối Việt Nam đạt 88,9 tỷ USD, tương đương khoảng 12-14 tuần nhập khẩu, trong khi IMF khuyến nghị con số an toàn phải đạt từ 18-20 tuần. Nếu áp lực tỷ giá kéo dài, dư địa can thiệp của NHNN sẽ dần thu hẹp, đặt ra thách thức lớn trong việc duy trì ổn định tỷ giá.

Ngoài ra, tình trạng swap âm trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục gây áp lực mạnh mẽ lên tỷ giá giao ngay USD/VND. Theo MSB Research, lãi suất USD qua đêm trên thị trường liên ngân hàng ngày 20/12 giảm nhẹ xuống 4,43%, trong khi lãi suất VND qua đêm chỉ đạt 4,09%. Sự chênh lệch này dẫn đến chi phí hoán đổi VND sang USD gia tăng, phản ánh tình trạng swap âm. Điều này khiến các tổ chức tín dụng và nhà đầu tư có xu hướng ưu tiên nắm giữ USD thay vì VND, nhằm tận dụng mức lợi suất hấp dẫn hơn từ đồng USD.

Đồng USD tăng mạnh: NHNN đối phó ra sao trước áp lực tỷ giá?
Diễn biến lãi suất liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam phiên ngày 20/12/2024. Nguồn: MSB Research, VIRA.

Công cụ thị trường mở và triển vọng điều chỉnh lãi suất liên ngân hàng

Để đối phó với áp lực từ tỷ giá, NHNN đã triển khai mạnh mẽ các nghiệp vụ trên thị trường mở trong tuần qua. NHNN đã hút ròng 71.448 tỷ đồng thông qua phát hành tín phiếu và cầm cố, với tổng lượng tín phiếu lưu hành đạt 85.453 tỷ đồng. Lãi suất tín phiếu duy trì ở mức 4,0% cho các kỳ hạn 7, 14 và 28 ngày, giúp kiểm soát thanh khoản VND trong hệ thống ngân hàng.

Đồng USD tăng mạnh: NHNN đối phó ra sao trước áp lực tỷ giá?
Tổng hợp giao dịch cầm cố và mua bán tín phiếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ ngày 16/12 đến 20/12/2024. Nguồn: MSB Research, VIRA.

Trong bối cảnh hiện tại, việc phát hành tín phiếu NHNN đóng vai trò thiết yếu để thu hẹp tình trạng dư thừa thanh khoản VND trong hệ thống ngân hàng. Thông qua việc hút ròng VND, NHNN có thể giảm lượng tiền khả dụng trên thị trường, qua đó đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng lên cao hơn và làm giảm áp lực chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND trên thị trường liên ngân hàng.

Ngoài các công cụ tài chính, nguồn cung ngoại tệ từ kiều hối và xuất khẩu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm căng thẳng tỷ giá. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam đạt xuất siêu 23,4 tỷ USD tính đến giữa tháng 12/2024. Dự kiến, nguồn kiều hối tăng mạnh vào cuối năm sẽ góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tạo thêm dư địa cho NHNN trong việc can thiệp thị trường.

Theo các kịch bản dự báo, tỷ giá USD/VND có thể tiếp tục tăng 2%-3% trong năm 2025, tùy thuộc vào chính sách tiền tệ của Fed và biến động kinh tế toàn cầu. Nếu Fed giữ lãi suất cao như hiện nay, đồng USD sẽ duy trì sức mạnh, khiến tỷ giá trong nước khó tránh khỏi áp lực tăng thêm.

Tuy nhiên, các yếu tố tích cực như dòng vốn FDI, xuất siêu và kiều hối có thể giúp NHNN giảm bớt áp lực. Điều quan trọng là NHNN cần duy trì sự linh hoạt trong điều hành, đồng thời tăng cường phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

>> Là nền kinh tế mở nhất trong khu vực, kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng gì khi Fed khiến đồng USD liên tục mạnh lên?

Là nền kinh tế mở nhất trong khu vực, kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng gì khi Fed khiến đồng USD liên tục mạnh lên?

VinaCapital: Rủi ro từ 'Trump 2.0' đối với Việt Nam đang bị thổi phồng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dong-usd-tang-manh-nhnn-doi-pho-ra-sao-truoc-ap-luc-ty-gia-267520.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đồng USD tăng mạnh: NHNN đối phó ra sao trước áp lực tỷ giá?
    POWERED BY ONECMS & INTECH