Dòng vốn ngoại cạn kiệt, khủng hoảng BĐS ở nền kinh tế số 1 châu Âu ngày càng trầm trọng

25-05-2024 06:08|Quỳnh Vân

Do áp lực chi phí và giá ngành xây dựng vẫn ở mức cao, các chuyên gia không kỳ vọng nhu cầu về bất động sản tại Đức sẽ tăng mạnh trong năm nay.

Báo cáo từ công ty tư vấn bất động sản BNP Paribas Real Estate tiết lộ, người mua nước ngoài chiếm 35% giao dịch mua bất động sản thương mại tại Đức trong quý I/2024 - thấp nhất kể từ năm 2013 trong khi năm ngoái tỷ lệ lên tới 37%.

Tình hình ảm đạm vì suy thoái

Sự sụt giảm đầu tư được cho là bị thúc đẩy bởi một số yếu tố như lạm phát cao và lo ngại về suy thoái kinh tế ở Đức.

Mặc dù nền kinh tế hoạt động tốt hơn mong đợi trong 3 tháng đầu năm với GDP tăng 0,2%, nhiều chuyên gia tin rằng các vấn đề liên quan đến cơ cấu sẽ tiếp tục cản trở sản lượng của quốc gia này.

Theo Euronews, kinh tế Đức đã suy giảm 0,3% trong quý cuối và cả năm 2023, khiến nước này trở thành nền kinh tế lớn hoạt động kém nhất trên quy mô toàn cầu vào năm ngoái.

Các chuyên gia giải thích, sự suy thoái này một phần là do cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu khi ngành công nghiệp của Đức phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu của Nga.

Dòng vốn ngoại cạn kiệt, khủng hoảng BĐS ở nền kinh tế số 1 châu Âu ngày càng trầm trọng
Lãi suất cao và sự bất ổn kinh tế đang khiến các nhà đầu tư nước ngoài rời xa bất động sản Đức. Ảnh: Euronews

Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều vấn đề nan giải khác cản trở đà tăng trưởng của Đức trong tương lai. Dân số già, thiếu đầu tư công, quy định nghiêm ngặt và năng suất thấp đều góp phần vào đà suy thoái của Đức.

Các vấn đề này vốn xuất hiện trong nhiều năm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhưng một số yếu tố tích cực đã thu hút các nhà đầu tư đến với thị trường bất động sản Đức.

Tỷ lệ thất nghiệp thấp, nền kinh tế ổn định và lãi suất thấp giúp nâng cao đáng kể vị thế của nước này.

Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (CEPR) cho hay, bắt đầu từ khoảng năm 2005, Đức đã trải qua một giai đoạn “kỳ diệu” trên thị trường lao động.

Trong giai đoạn này, số lượng lao động có việc làm tăng hơn 15%, từ 39,3 triệu người năm 2005 lên 45,3 triệu người vào năm 2019.

Quá chậm chạp

Nhiều người cho rằng Đức quá chậm chạp trong việc thích ứng với công nghệ mới. So với những nước châu Âu khác, Đức tương đối bình yên sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, mặc dù năng suất đã bắt đầu giảm xuống.

Một số chuyên gia nhận định, ở một mức độ nào đó, những rắc rối hiện tại là do Đức không tận dụng được hết những tiến bộ công nghệ, kết hợp với xu hướng chuyển sang các lĩnh vực năng suất thấp.

Tình trạng bất ổn kinh tế của Đức càng khiến các nhà đầu tư lo ngại. Thêm vào đó, cấu trúc của thị trường bất động sản của quốc gia này cũng có thể cản trở hoạt động đầu tư.

Không giống như Pháp và Anh, Đức ít tập trung nguồn lực tại một thành phố hay khu vực mà trải rộng sức mạnh kinh tế cho nhiều nơi như Berlin, Munich, Hamburg, Frankfurt và Cologne.

Điều này có nghĩa là quốc gia này đang thiếu một trung tâm nổi bật, nơi thường là địa điểm các nhà đầu tư muốn gửi vốn của họ.

Do áp lực chi phí vẫn tồn tại và giá ngành xây dựng hiện ở mức cao, các chuyên gia không kỳ vọng nhu cầu về nhà ở tại Đức sẽ tăng mạnh trong năm nay.

Theo báo cáo Viện IFO công bố đầu tháng này chỉ ra, trong tháng 4, hơn một nửa số công ty (55,2%) trong lĩnh vực xây dựng nhà ở của Đức báo cáo thiếu đơn đặt hàng.

Trong khi đó, khoảng 17,6% công ty xây dựng tòa nhà báo cáo việc hủy bỏ dự án, giảm từ mức 19,6% trong tháng 3 năm nay.

>> Siêu cường châu Âu áp dụng giá điện âm vì dư thừa quá nhiều năng lượng mặt trời

Khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc 'thổi bay' hàng triệu việc làm mỗi ngày

Chưa từng có trong lịch sử: Trung Quốc bơm 42 tỷ USD giải cứu bất động sản nhưng không ăn thua?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dong-von-ngoai-can-kiet-khung-hoang-bds-o-nen-kinh-te-so-1-chau-au-ngay-cang-tram-trong-236000.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Dòng vốn ngoại cạn kiệt, khủng hoảng BĐS ở nền kinh tế số 1 châu Âu ngày càng trầm trọng
POWERED BY ONECMS & INTECH