Dòng vốn ồ ạt rút khỏi Mỹ rồi đổ mạnh vào Nhật Bản và châu Âu: Chuyện gì đang xảy ra?
Các thị trường chứng khoán tại Mỹ và toàn cầu đã trải qua nhiều biến động trong những tuần gần đây, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục thay đổi chính sách thuế quan: áp dụng thuế mới, tạm dừng một số loại thuế, và đặc biệt là tăng mạnh thuế với hàng hóa Trung Quốc lên mức chưa từng có.
Theo một báo cáo của Bank of America (BofA) công bố ngày 1/5, các nhà đầu tư đang rút vốn khỏi thị trường Mỹ và phân bổ lại sang các khu vực và tài sản khác.
Cụ thể, chỉ trong tuần kết thúc ngày 30/4, thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến dòng vốn rút ra lên tới 8,9 tỷ USD. Kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, cứ mỗi 100 USD được rót vào cổ phiếu Mỹ thì đã có 5 USD bị rút ra chỉ trong 3 tuần gần nhất.
Ngược lại, dòng vốn lại đổ mạnh vào các thị trường khác. Cổ phiếu châu Âu thu hút 3,4 tỷ USD trong cùng tuần, trong khi thị trường chứng khoán Nhật Bản ghi nhận dòng vốn vào lên tới 4,4 tỷ USD – cao nhất kể từ tháng 4/2024.

Tâm lý ưa rủi ro của giới đầu tư cũng thể hiện rõ qua việc dòng tiền mạnh mẽ chảy vào tài sản rủi ro: tiền mã hóa và trái phiếu lợi suất cao lần lượt thu hút 2,3 tỷ USD và 3,9 tỷ USD trong cùng kỳ. Trong khi đó, các tài sản an toàn như vàng và trái phiếu kho bạc Mỹ lại bị rút ròng tổng cộng 6 tỷ USD.
Ngoài ra, BofA cho biết các khách hàng cá nhân giàu có của ngân hàng – với tổng tài sản lên đến 3.700 tỷ USD – đã bắt đầu lo ngại nhiều hơn về nguy cơ giảm phát tại Mỹ, thay vì lạm phát như trước.
Dữ liệu cho thấy nhóm nhà đầu tư này đang gia tăng mua vào cổ phiếu thuộc lĩnh vực tiện ích và các quỹ ETF có mức biến động thấp, cổ tức cao – thường được xem là tài sản phòng vệ trong môi trường giảm phát. Đồng thời, họ đang bán ra các công cụ phòng hộ lạm phát như trái phiếu bảo vệ lạm phát (TIPS), nợ doanh nghiệp và các quỹ ETF trong lĩnh vực tài chính.
Theo CNBC