Đột nhập tòa nhà chứa hàng lô iPhone 'bị đánh cắp': Máy bị khóa vẫn lãi đậm, bán 100-200 chiếc là chuyện bình thường
Tại đây, những chiếc iPhone, kể cả đã bị khóa vẫn có thể đem lại lợi nhuận. Nếu không thể bán nguyên chiếc, chúng sẽ được tháo rời và bán từng bộ phận: Màn hình, mạch chủ, chip và thậm chí cả khung nhựa – mọi thành phần đều có giá.
Nằm giữa khu thương mại điện tử Huaqiangbei sôi động của Thâm Quyến, Trung Quốc, tòa nhà Feiyang Times trông không mấy nổi bật với gam màu xám nâu và vài cột trụ dán đầy khẩu hiệu tuyên truyền.
Tuy nhiên, bên trong tòa nhà này là một trong những điểm tập kết quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng điện thoại iPhone cũ – bao gồm cả những thiết bị bị đánh cắp từ các thành phố lớn phương Tây như London hay New York.

Trên tầng 3 và 4, hàng chục quầy kính chen chúc nhau, buôn bán đủ loại iPhone từ các đời cũ cho đến mới ra mắt. Phần lớn điện thoại ở đây là hàng cũ được người dùng tại châu Âu hoặc Mỹ đổi trả khi nâng cấp máy mới. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin và chia sẻ trên các diễn đàn công nghệ, nơi này cũng được cho là điểm tập kết của nhiều điện thoại bị trộm – đến mức cư dân mạng gọi nó là “tòa nhà iPhone bị đánh cắp” của Trung Quốc.
Sam Amrani, một doanh nhân công nghệ sống tại London, đã trải nghiệm trực tiếp quy trình này khi chiếc iPhone 15 Pro của anh bị hai người đàn ông đi xe đạp điện cướp mất ngay giữa ban ngày tại Kensington.
Với kinh nghiệm trong lĩnh vực phân tích dữ liệu vị trí, Amrani đã lần theo dấu vết chiếc điện thoại của mình qua nhiều địa điểm tại London. Chỉ sau một tuần, anh bất ngờ phát hiện thiết bị phát tín hiệu từ khu Cửu Long (Kowloon), Hồng Kông (Trung Quốc), và sau đó “dừng chân” tại khu chợ điện tử Huaqiangbei ở Thâm Quyến.
“Cả quá trình diễn ra rất nhanh, rất bài bản”, Amrani chia sẻ. Sau khi kể lại sự việc trên LinkedIn, anh nhận được hàng loạt phản hồi tương tự từ những người dùng từng mất điện thoại.
"Thủ phủ" iPhone cũ
Theo cảnh sát London, trộm điện thoại tại thành phố này là một “ngành công nghiệp” trị giá hơn 50 triệu bảng mỗi năm. Chỉ trong một tuần, cảnh sát khu vực này đã thu giữ 1.000 thiết bị bị đánh cắp và bắt giữ 230 đối tượng trong chiến dịch trấn áp đang được đẩy mạnh. Giới chức tại Paris và New York cũng ghi nhận tình trạng cướp giật điện thoại gia tăng rõ rệt.
Điện thoại bị lấy trộm thường được đưa sang Hồng Kông – nơi không đánh thuế nhập khẩu và có thủ tục hải quan đơn giản – trước khi đến được các chợ công nghệ như Huaqiangbei.
Tại đây, những chiếc iPhone, kể cả đã bị khóa vẫn có thể đem lại lợi nhuận. Nếu không thể bán nguyên chiếc, chúng sẽ được tháo rời và bán từng bộ phận: Màn hình, mạch chủ, chip và thậm chí cả khung nhựa – mọi thành phần đều có giá.
“Nếu điện thoại bị khóa, không thể bán nguyên chiếc, thì bán linh kiện. Ở đây, cái gì cũng có người mua”, một người bán tại tầng 2 của Feiyang chia sẻ.

Bilal Khan, một thương lái đến từ Pakistan, cho biết anh đang mua khoảng 300 chiếc iPhone, đặc biệt là các mẫu iPhone khóa mạng từ Mỹ, do loại này chịu thuế nhập khẩu thấp hơn tại thị trường quê nhà. Theo anh, người tiêu dùng ở Pakistan chủ yếu sử dụng các thiết bị này cho việc chụp ảnh, kết nối WiFi và chơi game, thay vì dùng để gọi điện hay sử dụng dữ liệu di động.
Munir, một thương nhân khác đến từ Libya, cho biết anh đang tìm mua từ 100 đến 200 chiếc iPhone 13 Pro Max để bán lại với lợi nhuận khoảng 70 USD mỗi chiếc tại thị trường trong nước.
Trong khi đó, các tiểu thương ở tầng 2 của trung tâm Feiyang – nơi chuyên bán linh kiện iPhone – cho biết họ thường mua lại các bộ phận từ những người bán ở tầng trên, nhất là khi các thiết bị không thể được mở khóa để bán nguyên chiếc.
Những chiếc điện thoại “có ID” và thị trường ngách
Khi phóng viên Financial Times đến thăm các nhà buôn tại khu Kwun Tong (Hồng Kông), nhiều thương nhân từ khắp nơi trên thế giới – bao gồm Trung Quốc, Philippines và Thổ Nhĩ Kỳ – đang xem xét các lô điện thoại được rao bán.
Hàng chục nhà bán buôn thiết bị điện tử chen chúc trong những văn phòng nhỏ, trải thảm đơn giản, nằm dọc quanh các thang máy trung tâm của tòa nhà công nghiệp cao 31 tầng.

Bên trong, người mua lục tìm các hộp carton chứa đầy iPhone được bọc bong bóng, vừa kiểm tra nguồn gốc, tình trạng sửa chữa và số lượng sẵn có, vừa trao đổi với nhân viên trước khi tham gia các phiên đấu giá được tổ chức hàng ngày qua WhatsApp và các ứng dụng khác.
Tại một văn phòng, các thùng iPhone được đánh dấu là “Has ID” (có ID) và “No ID” (không ID) – cách gọi mà các thương nhân xác nhận là để phân biệt giữa điện thoại đã bị khóa từ xa qua ứng dụng Find My và những máy chưa bị khóa.
Kevin Li – một người bán điện thoại từ Thâm Quyến đến Kwun Tong, yêu cầu được gọi bằng tên tiếng Anh – cho biết, lợi nhuận từ việc bán các máy “Has ID” phụ thuộc vào việc mua chúng với giá thật rẻ, thường thấp hơn khoảng 70% so với các thiết bị đã mở khóa. Những chiếc điện thoại đó sau đó có thể được tháo rời để bán từng bộ phận tại Thâm Quyến, mang lại một khoản lãi nhỏ.
“Những chiếc có ID nhiều khả năng là điện thoại bị đánh cắp hoặc giật ở Mỹ. Chúng được bán sang Hồng Kông rồi tiếp tục đưa đến các nước khác, bao gồm cả Trung Đông”, Kevin Li cho biết. Với các lô hàng nhỏ, thương nhân thường mang theo trong hành lý xách tay khi qua biên giới, nhưng những lô lớn hơn thì cần đến các “công ty logistics chuyên biệt”, anh nói thêm.
Theo các quảng cáo trên mạng xã hội Trung Quốc, những cách khác để tránh thuế nhập khẩu điện tử vào Trung Quốc bao gồm giấu hàng trong xe cá nhân qua cửa khẩu hoặc “hợp tác với người vận chuyển trái phép”.
Li khẳng định rằng người bán không thể vượt qua mã khóa của những chiếc điện thoại bị khóa bằng mật khẩu. Tuy nhiên, trên các mạng xã hội phương Tây, nhiều người dùng từng bị mất điện thoại cho biết họ đã nhận được tin nhắn từ những người ở Thâm Quyến - có người van nài, có người đe dọa - yêu cầu họ xóa thiết bị từ xa và gỡ nó khỏi tài khoản Find My.
“Những thiết bị có ID thì không nhiều nơi muốn mua. Nhưng ở Thâm Quyến thì khác…nơi này có nhu cầu thật sự – và đó là cả một thị trường khổng lồ”, Li nói khi kết thúc điếu thuốc.
Tham khảo FT