Đột phá y học: Thiết bị phát hiện ung thư giá thành chỉ 70.000 đồng, mở ra hi vọng xuất kết quả chỉ trong vòng 60 phút
Một phát minh y học mới đã được phát hiện, đó là một thiết bị phát hiện ung thư với giá thành cực kỳ thấp, chỉ khoảng 70.000 đồng.
Tại Đại học Texas ở El Paso (UTEP), một bước đột phá trong y học đang được các nhà khoa học phát triển - một thiết bị phát hiện ung thư với giá thành cực kỳ thấp, chỉ khoảng 3 USD (tương đương 70.000 đồng). Thiết bị này, mang tên PiPP (paper-in-polymer-pond), có khả năng cung cấp kết quả chỉ trong vòng một giờ và hứa hẹn trở thành công cụ phát hiện ung thư nhanh chóng và dễ tiếp cận. Mặc dù công nghệ này còn cần thêm thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, nhưng triển vọng của nó rất lớn, đặc biệt là đối với các quốc gia và khu vực thiếu nguồn lực y tế.
Nghiên cứu về PiPP đã được công bố trên tạp chí Lab on a Chip vào cuối tháng 10, giới thiệu một công cụ mới với độ nhạy cao, có thể truy dấu ung thư qua xét nghiệm máu. PiPP có cấu tạo đơn giản, gồm một miếng giấy lọc đặt trên khung nhựa, giúp phát hiện hai dấu ấn sinh học chính là kháng nguyên carcinoembryonic (CEA) liên quan đến ung thư đại trực tràng và kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) – dấu hiệu cảnh báo ung thư tuyến tiền liệt. Cả hai kháng nguyên này thường xuất hiện trong máu từ giai đoạn đầu của bệnh, nhưng rất khó phát hiện qua các phương pháp truyền thống. PiPP có độ nhạy gấp 10 lần các bộ dụng cụ xét nghiệm hiện có, giúp xác định chính xác nồng độ thấp của các dấu ấn này.
Theo giáo sư XiuJun Li, chuyên ngành hóa học và hóa sinh tại UTEP, PiPP là một loại biochip có giá thành cực kỳ phải chăng và độ nhạy cao. “Thiết bị biochip có giá thành thấp – chỉ vài USD – và độ nhạy cao. Điều này sẽ giúp nhiều người được chẩn đoán bệnh chính xác, dễ dàng hơn, dù họ ở điều kiện kinh tế ra sao,” giáo sư Li chia sẻ. PiPP có tính linh động cao, không yêu cầu các thiết bị chuyên dụng và cho ra kết quả nhanh chóng, chỉ trong vòng một giờ, ngắn hơn nhiều so với 16 giờ của các phương pháp xét nghiệm hiện tại. Đặc biệt, người dùng có thể dễ dàng đọc kết quả qua điện thoại thông minh.
Tại nhiều quốc gia đang phát triển, việc thiếu thốn các phương tiện và dịch vụ sàng lọc ung thư là một trong những lý do chính khiến tỷ lệ tử vong cao. Các chuyên gia cho biết, hạn chế này đã cản trở khả năng phát hiện sớm và điều trị bệnh, khiến việc chẩn đoán ở giai đoạn muộn trở nên phổ biến hơn. PiPP ra đời nhằm lấp đầy khoảng trống này. Thiết bị có thể tái sử dụng và thân thiện với người dùng, cho phép sàng lọc ung thư tại chỗ mà không đòi hỏi chi phí lớn hay thiết bị hiện đại. Theo tiến sĩ Robert Kirken, Trưởng khoa Khoa học tại UTEP, PiPP được thiết kế để tối ưu hóa khả năng sàng lọc ung thư ngay cả tại những khu vực hạn chế về nguồn lực y tế.
Mặc dù hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích, PiPP vẫn cần thêm thời gian và các bước thử nghiệm lâm sàng để đánh giá độ an toàn và hiệu quả. Sau khi hoàn tất, các nhà khoa học sẽ nộp đơn lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để xin cấp phép. Nếu được chấp thuận, thiết bị này sẽ được cung cấp cho các bệnh viện và phòng khám, trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực trong chẩn đoán ung thư đại tràng và tuyến tiền liệt – hai căn bệnh đang ngày càng gia tăng tại nhiều quốc gia.
Ung thư đại tràng đã có dấu hiệu gia tăng đáng kể ở những người dưới 50 tuổi kể từ những năm 1990, với tỷ lệ tử vong cao khi được chẩn đoán ở giai đoạn muộn. PiPP hứa hẹn mang đến cơ hội phát hiện sớm, từ đó cải thiện tiên lượng và giảm tỷ lệ tử vong. Tương tự, ung thư tuyến tiền liệt cũng là một phần của "đại dịch ung thư" đang lan rộng trên toàn cầu. Tại Mỹ, 10% số ca mắc ung thư tuyến tiền liệt mới rơi vào nhóm nam giới dưới 55 tuổi, và dự kiến số ca tử vong toàn cầu do căn bệnh này sẽ tăng 136% từ năm 2022 đến năm 2050. Trong bối cảnh này, thiết bị như PiPP có thể tạo ra bước ngoặt lớn, giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn đầu và tăng khả năng sống sót cho người bệnh.
*Theo NY Post
>> Chuyên gia chỉ dấu hiệu sớm nhận biết căn bệnh ung thư khiến 700.000 người tử vong mỗi năm