Dự báo bất ngờ cho thủy sản Việt trước 'hàng rào' thuế quan Mỹ
Biến động của nền thương mại toàn cầu trước những chính sách thuế quan mới của chính quyền Mỹ sẽ tạo nên tác động không nhỏ đối với ngành thủy sản Việt Nam. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Việt Nam được đánh giá nằm trong top 4 các nước có nguy cơ bị ảnh hưởng nhất trước những chính sách mới của Tổng thống Trump.
Cơ hội tại thị trường Trung Quốc, Canada
Hàng năm, Mỹ nhập khẩu thủy sản từ Trung Quốc với trị giá từ 1,6 - 2 tỷ USD, trong đó tập trung nhiều vào các sản phẩm cá phile tươi/đông lạnh với giá trị từ 1-1,4 tỷ USD (chiếm khoảng 70%).
Khi Mỹ áp thuế bổ sung 10% đối với nhập khẩu từ Trung Quốc có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp Trung Quốc hạn chế xuất khẩu sang Mỹ, có thể gây thiếu hụt nguồn cung.
Bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông VASEP - nhận định, điều này có thể khiến các doanh nghiệp Mỹ chuyển hướng sang Việt Nam tìm đối tác cung ứng thủy sản thay thế cho nguồn cung thiếu hụt từ Trung Quốc. Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc áp thuế có thể khiến giá cá rô phi của Trung Quốc tiếp tục tăng, tác động không nhỏ đến nhu cầu tiêu dùng thị trường Mỹ. Do vậy, dự báo sẽ có nhiều cơ hội hơn cho cá tra. Bà Hằng dự đoán rằng cá tra có thể sẽ thay thế phần lớn thị phần cá rô phi vào năm 2025.
Cũng theo bà Hằng, việc Mỹ áp thuế với Trung Quốc có thể dẫn đến hành động trả đũa tương tự từ Trung Quốc. Do vậy, thủy sản nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng. Mỹ xuất khẩu vào Trung Quốc cá hồi, cá tuyết, cá minh thái, tôm hùm, cua huỳnh đế… đa số phục vụ cho phân khúc tiêu thụ cao cấp như nhà hàng, khách sạn.
Hai năm gần đây, nhất là năm 2024, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu các mặt hàng thủy sản tươi/sống từ Việt Nam như cua, ngao, tôm hùm, ốc để phục vụ nhóm khách hàng cao cấp. Nhu cầu từ phân khúc này được dự báo là tiếp tục tăng, trong khi nguồn cung cấp từ Mỹ bị sụt giảm - bối cảnh này tiếp tục có lợi cho thủy sản Việt Nam, thúc đẩy xuất khẩu thủy sản tươi sống sang thị trường này mạnh mẽ hơn trong năm 2025.
![]() |
Những chính sách thuế quan mới của chính quyền Mỹ sẽ tạo nên tác động không nhỏ đối với ngành thủy sản Việt Nam. Ảnh minh họa. ITN. |
Mỹ chiếm 70% xuất khẩu thủy sản của Canada với giá trị 3,5 - 5 tỷ USD/năm. Các sản phẩm chính là tôm hùm, cá tuyết, cua tuyết… Mức thuế 25% Mỹ áp với hàng hóa Canada chắc chắn sẽ tác động giảm xuất khẩu thủy sản của nước này vào Mỹ. Một lượng lớn thủy sản sẽ chia sẻ vào các thị trường khác.
Việt Nam cũng là một đối tác nhập khẩu để tiêu thụ trong nước và gia công chế biến các sản phẩm thủy sản cho Canada như cá tuyết, cua tuyết, tôm hùm và một số loại cá biển.
Bà Hằng nhận định, sau khi bị áp thuế mới từ Mỹ, Canada có thể sẽ tăng thương mại thủy sản với Việt Nam. Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.
Xuất khẩu sang Mỹ có thể tăng mạnh?
Tháng 1 dương lịch vừa qua trùng thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán nhưng kết quả xuất khẩu thủy sản vẫn tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm 2024, đạt trên 774 triệu USD, rõ ràng là một khởi đầu lạc quan cho năm 2025.
“Thương mại thủy sản toàn cầu đang phụ thuộc vào những động thái và chính sách thuế quan từ thị trường Mỹ. Mới có 3 tuần sau khi Tổng thống Trump nhận chức, chưa thể đoán định được các chính sách thuế quan mới của Mỹ sẽ chốt chặt ở các mức như thế nào với các nước và liệu có áp đặt với Việt Nam hay không. Các chuyên gia nhận định cần 3- 6 tháng mới định hình rõ nét bức tranh thị trường trong bối cảnh mới”. - VASEP nhận định.
Trong thời gian chờ đợi này có thể các doanh nghiệp xuất khẩu và các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ tranh thủ thúc đẩy mạnh giao thương. Do vậy, trong một vài tháng tới, xuất khẩu sang Mỹ có thể tăng mạnh.
![]() |
Trong một vài tháng tới, xuất khẩu sang Mỹ có thể tăng mạnh. Ảnh minh họa: ITN. |
Trong bối cảnh thương mại quốc tế thay đổi liên tục, VASEP khuyến nghị các doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch dự phòng, tránh tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng; xây dựng các kênh cung ứng bền vững và linh hoạt, bao gồm nguồn nguyên liệu trong nước và nhập khẩu nguyên liệu khi cần thiết để tránh tình trạng thiếu hụt.
Các doanh nghiệp chủ động cập nhật và nắm bắt thông tin thị trường, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm - thị trường linh hoạt trong bối cảnh mới; luôn đảm bảo chất lượng thủy sản xuất khẩu, tính minh bạch, khả năng truy xuất nguồn gốc hiệu quả để giữ uy tín và tăng thị phần tại các thị trường tiềm năng trong năm nay.
Hướng tới xây dựng ngành thủy sản bền vững
Một mặt hàng thủy sản của Việt Nam được Mỹ tăng cường thu mua, đạt đỉnh trong 10 năm qua