Vĩ mô

Dự báo kinh tế dự kiến phục hồi chậm trong quý 1/2024

Khúc Văn 10/02/2024 - 21:55

Trước những diễn biến trái chiều của nền kinh tế, một số tổ chức đã đưa ra dự báo cho rằng nền kinh tế quý 1.

Hoạt động mua nguyên vật liệu hầu như không có sự thay đổi

Theo báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong tháng 1/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 18,3% so với cùng kỳ và giảm 4,4% so với tháng trước.

Mức tăng cao của hoạt động sản xuất công nghiệp là do mức nền thấp của cùng kỳ do tháng 1/2023 chịu ảnh hưởng của kỳ nghỉ tết.

Nếu xét cùng giai đoạn khi kỳ nghỉ tết của hai năm liền kề rơi vào hai tháng khác nhau, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng đầu năm 2024 vẫn tăng trưởng thấp hơn năm 2018 và năm 2021. Tuy nhiên, dữ liệu về khảo sát của PMI cho thấy ngành sản xuất của Việt Nam có sự cải thiện trong tháng 1/2024.

>>PMI tháng 1/2024 vượt ngưỡng 50 điểm: Tín hiệu vui của ngành sản xuất Việt Nam

Dự báo kinh tế dự kiến phục hồi chậm trong quý 1/2024
Trong tháng 1/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 18,3% so với cùng kỳ và giảm 4,4% so với tháng trước.

Cụ thể, PMI của Việt Nam tăng lên mức 50,3 điểm, ghi nhận tháng mở rộng đầu tiên kể từ tháng 8/2023, và cao hơn mức 48,9 điểm của tháng 12/2023. Bên cạnh sự tích cực đến từ việc nhu cầu trong nước và xuất khẩu cải thiện nhẹ, các chỉ số thành phần khác của khảo sát PMI vẫn chưa cho thấy sự phục hồi bền vững.

Hoạt động mua nguyên vật liệu hầu như không thay đổi và lượng hàng tồn kho trước sản xuất giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2023; chi phí đầu vào và vận chuyển tăng do gián đoạn chuỗi cung ứng nhưng giá bán đầu ra lại giảm; niềm tin về triển vọng sản lượng trong một năm tới giảm về mức thấp nhất của 7 tháng và thấp hơn mức trung bình lịch sử của chỉ số.

Trong một diễn biến có liên quan, theo Tổng cục Hải quan, tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 1/2024 có cải thiện nhẹ, đạt 29,8 tỷ USD và tăng trưởng 5,4% so với cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu tăng trưởng 4,1% và nhập khẩu tăng 6,8%.

Tuy nhiên, theo ước tính của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu và nhập khẩutrong tháng đầu năm dự kiến tăng rất cao, lần lượt 42,2% và 33,5% so với cùng kỳ.

VDSC cho rằng một phần do hiệu ứng mùa vụ, tuy nhiên, xét theo tháng thì hoạt động thương mại vẫn đang cho thấy sự cải thiện tích cực. Cụ thể, xuất khẩu và nhập khẩu trong tháng 1/2024 ước tăng lần lượt 6,7% và 4,2% so với tháng trước.

Ngoài ra, kim ngạch xuất nhập khẩu tháng đầu năm tăng cao hơn tháng cuối của năm trước là hiện tượng không phổ biến, đồng thời, mức tăng trưởng của tháng 1.2024 là mức cải thiện theo tháng tốt nhất kể từ năm 2019 đến nay.

“Mặc dù dữ liệu của hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 1/2024 cho thấy diễn biến trái chiều, chúng tôi vẫn giữ quan điểm về sự phục hồi của lĩnh vực này trong năm 2024. Diễn biến của tháng đầu năm hàm ý rằng tốc độ tăng trưởng trong quý đầu năm có thể sẽ diễn ra chậm”, VDSC nêu.

>>Cần hơn 870 tỷ đồng để phát triển lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam

Kết quả tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng hoá và dịch vụ thiếu tính thuyết phục

Báo cáo cũng nêu, tháng 1/2024 là tháng mua sắm chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán, tuy nhiên, số liệu của thị trường chứng khoán cho thấy nhu cầu tiêu dùng không khả quan.

Doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong tháng 1/2024 đạt 524 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ. Đáng lưu ý là số liệu doanh thu bán lẻ của tháng trước (12/2023) và cùng kỳ (1/2023) đều được điều chỉnh giảm mạnh so với số ước tính trước đó.

Do đó, kết quả tăng trưởng trong doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong tháng 1/2024 thiếu tính thuyết phục.

Dự báo kinh tế dự kiến phục hồi chậm trong quý 1/2024
Số liệu của thị trường chứng khoán cho thấy nhu cầu tiêu dùng không khả quan

Dù vậy, đơn vị này cho rằng xét dựa trên dữ liệu thống kê, mức tăng trưởng của lĩnh vực tiêu dùng trong tháng đầu năm là khá yếu.

Cụ thể, tăng trưởng tiêu dùng thực phẩm chỉ đạt 6,2% so với cùng kỳ, thấp hơn cải giai đoạn bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tương tự, doanh số tiêu dùng hàng dệt may chỉ tăng 1,5% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, mặc dù lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1/2024 đã tiệm cận quy mô tại cùng thời điểm năm 2019 (trước dịch COVID-19) và lượt khách du lịch từ Trung Quốc tăng gấp 15 lần so với cùng kỳ, nhưng doanh số bán lẻ các lĩnh vực tiêu dùng liên quan đến du lịch vẫn thấp hơn 14-15% so với tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực này.

“Diễn biến tháng đầu năm chưa thể nói lên bức tranh của cả năm, tuy nhiên, với cảm quan tiêu dùng còn yếu, nhất là trong bối cảnh chi tiêu phục vụ dịp tết cổ truyền dân tộc, chúng tôi cho rằng Chính phủ có thể sẽ gia hạn thời hạn đối với chính sách giảm thuế GTGT 2% đến hết năm 2024 nhằm cải thiện tăng trưởng kinh tế”, VDSC nêu.

Đơn vị này cũng cho biết một điểm đáng lưu ý là lạm phát trong tháng 1/2024 tăng cao nhất kể từ tháng 9/2023. Tuy nhiên, dữ liệu lạm phát cũng đang thể hiện sức cầu yếu của thị trường trong nước.

Cụ thể, chỉ số lạm phát chung tăng 0,31% so với tháng trước và 3,37% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và biến động giá dầu thì lạm phát chung trong tháng 1.2024 ước chỉ tăng 2,3% so với cùng kỳ.

Trong tháng 1/2024, Bộ Công Thương tiếp tục kiến nghị điều chỉnh tăng giá điện trong năm 2024, diễn biến này khớp với kỳ vọng của VDSC.

“Hiện tại, thời điểm điều chỉnh giá điện và mức độ tăng giá chưa được công bố, tuy nhiên, chúng tôi ước tính mức tăng giá điện có thể vào khoảng 5 - 8%, đồng thời mức tăng này đã được phản ánh vào dự báo lạm phát cả năm ở mức 3,3%”, VDSC nêu.

>>'Lì xì' đầu năm: Xuất khẩu tăng 42%, vượt 33 tỷ USD nhờ 2 nhóm hàng chính

Cần hơn 870 tỷ đồng để phát triển lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam

Năm Giáp Thìn: Toàn cầu trở lại quỹ đạo, kinh tế Việt Nam sẽ bứt phá

Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Thụy Sỹ: Mở ra nhiều triển vọng hợp tác thương mại, đầu tư

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/du-bao-kinh-te-du-kien-phuc-hoi-cham-trong-quy-12024-222630.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Dự báo kinh tế dự kiến phục hồi chậm trong quý 1/2024
POWERED BY ONECMS & INTECH