Đức Long Gia Lai (DLG) báo lãi kỷ lục nhờ thương vụ thoái vốn, cổ phiếu bật tăng kịch trần
Tính đến cuối quý III/2024, Đức Long Gia Lai (DLG) còn ghi nhận số lỗ lũy kế lên đến 2.564 tỷ đồng.
CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HoSE: DLG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 với doanh thu thuần đạt 220 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ. Chiếm phần lớn là nguồn thu dịch vụ từ trạm BOT (133 tỷ đồng) và bán linh kiện điện từ (63 tỷ đồng). Giá vốn hàng bán giảm 37% về mốc 135 tỷ đồng đưa biên lãi gộp cải thiện từ 30,7% lên 38,5%.
Doanh thu tài chính tăng mạnh gấp 3 lần lên 180 tỷ đồng, trong đó gần 130 tỷ đồng đến từ thoái vốn công ty con. Đáng chú ý, ngày 31/7, DLG ký hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp của Công ty TNHH Mass Noble Investments Limited cho CTCP Tập đoàn Alpha Seven (HNX: DL1) với giá trị 255 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử của Mỹ mà Đức Long Gia Lai “thâu tóm” từ tháng 5/2015 thông qua hình thức hoán đổi cổ phần. Do đó, công ty còn khoảng 125 tỷ đồng được ghi nhận trong các kỳ sắp tới.
Chi phí tài chính, chi phí bán hàng giảm mạnh trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 262% lên 125,8 tỷ đồng. Kết quả, doanh nghiệp báo lãi sau thuế đạt 64,5 tỷ đồng, gấp 5 lần so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận sau thuế cao nhất lịch sử hoạt động của Đức Long Gia Lai.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty mang về 815 tỷ đồng doanh thu thuần và 125,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 2% và 151% so với cùng kỳ.
Trong năm 2024, công ty đặt mục tiêu đạt 1.400 tỷ đồng doanh thu thuần và 120 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với kết quả hiện tại, Đức Long Gia Lai đã hoàn thành 58% kế hoạch doanh thu và vượt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.
Cổ phiếu DLG tăng kịch trần sau khi báo lãi kỷ lục trong quý III/2024 |
Tính đến ngày 30/9/2024, quy mô công ty đạt 4.859 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 4% so với con số đầu năm. Trong đó, tiền, tiền gửi và các khoản tương đương ghi nhận gần 167 tỷ đồng; hàng tồn kho 133,8 tỷ đồng.
Khoản phải thu ngắn hạn tăng 28% lên 890 tỷ đồng. Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi giảm nhẹ về 613 tỷ đồng, tức doanh nghiệp chỉ có thể thu về hơn 31%.
Về phía nguồn vốn, nợ phải trả ghi nhận hơn 4.216 tỷ đồng, trong đó tổng nợ vay chiếm 2.615 tỷ đồng, gấp 4 lần vốn chủ sở hữu. Khoản lỗ lũy kế đến cuối quý III/2024 còn 2.564 tỷ đồng.
Sau khi công bố kết quả kinh doanh khả quan, thị giá DLG mở cửa phiên ngày 29/10 tăng hết biên độ lên 2.030 đồng/cp. Chỉ trong 30 phút giao dịch đầu phiên đã có hơn 2,4 triệu đơn vị được đặt lệnh với dư mua trần 732.000 cổ phiếu.
Hiện tại, cổ phiếu DLG đang nằm trong diện cảnh báo và bị kiểm soát. Bên cạnh đó, vào ngày 7/10 vừa qua, HoSE phát đi thông báo cảnh báo về khả năng DLG sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc nếu báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 tiếp tục có ý kiến ngoại trừ.
>> Đức Long Gia Lai (DLG) báo tin vui sau nỗ lực tái cấu trúc
Đức Long Gia Lai (DLG) lên tiếng về dự án gần 900ha bị Thanh tra chính phủ yêu cầu thu hồi
Thanh tra Chính phủ chỉ đích danh Đức Long Gia Lai (DLG) trong loạt sai phạm về đất đai