Đức Long Gia Lai (DLG) - từ doanh nghiệp ăn nên làm ra đến thua lỗ nghìn tỷ, do đâu?
Đức Long Gia Lai (DLG) phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi hơn 1.100 tỷ đồng, hệ lụy từ đâu?
CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai tiền thân là Xí nghiệp tư doanh Đức Long Gia Lai thành lập từ năm 1995. Ngành nghề kinh doanh ban đầu là chế biến gỗ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Vốn điều lệ ban đầu 3,6 tỷ đồng. Xí nghiệp tọa lạc trên lô đất 9.700m2 và một dây chuyền chế biến gỗ thủ công bán tự động.
Tháng 6/2007 thành lập CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai. Những năm sau đó công ty liên tiếp thành lập các công ty thành viên, mở chi nhánh, bắt đầu bước sang hoạt động kinh doanh đa ngành.
Dấu ấn đưa công ty con lên sàn trước khi chính thức niêm yết
Bước ngoặt lớn nhất, tháng 3/2010 công ty đưa một trong những công ty thành viên – CTCP Đầu tư phát triển dịch vụ công trình công cộng Đức Long Gia Lai lên niêm yết tại HNX với mã chứng khoán DL1. Công ty sau này đổi tên thành CTCP Alpha Seven như ngày nay.
Chỉ mấy tháng sau đó Tập đoàn Đức Long Gia Lai mới chính thức đưa cổ phiếu DLG lên niêm yết trên HoSE.
Đức Long Gia Lai là một trong số ít các doanh nghiệp “ngược đời” khi đưa cổ phiếu của 2 công ty trong cùng 1 hệ sinh thái niêm yết trên những sàn giao dịch chứng khoán khác nhau, và công ty con liên niêm yết trước công ty mẹ.
Năm 2014 khi công ty ngày càng phát triển mạnh mẽ, Đức Long Gia Lai đã thực hiện tái cấu trúc, xây dựng các trục trọng tâm phát triển bao gồm nông nghiệp, năng lượng, cơ sở hạ tầng.
Cũng trong năm 2014 Đức Long Gia Lai bước chân vào lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử khi qua M&A thâu tóm thành công Công ty sản xuất linh kiện điện từ Mass. Thông qua Mass, Đức Long Gia Lai cũng đẩy mạnh hoạt động bán hàng ra nước ngoài.
Năm 2016 Đức Long Gia Lai đặt chân vào lĩnh vực bất động sản. Từ thời điểm này, Đức Long Gia Lai đặt trọng tâm phát triển vào 5 mảng kinh doanh gồm nông nghiệp, năng lượng, cơ sở hạ tầng, linh kiện điện tử và bất động sản.
Dấu ấn tăng trưởng
Quá trình hình thành và phát triển của Đức Long Gia Lai, không phủ nhận sự tăng trưởng mạnh của doanh nghiệp. Về vốn, công ty bắt đầu tăng vốn mạnh từ 2010 sau khi đưa cổ phiếu lên sàn, từ 291 tỷ đồng trước đó lên gần 1.500 tỷ đồng vào năm 2014. Giai đoạn 2014-2018 cũng là thời điểm Đức Long Gia Lai tăng vốn nhanh nhất, lên xấp xỉ 3.000 tỷ đồng rồi dừng lại từ đó đến nay.
Đến nay Đức Long Gia Lai kiện toàn lại tổ chức với 4 công ty con hợp nhất trong hệ thống gồm CTCP BOT và BT Đức Long Đắk Nông; CTCP BOT và BT Đức Long Gia Lai; Công ty TNHH Mass Noble Investment và CTCP Đầu tư và phát triển điện năng Đức Long Gia Lai. Ngoài ra hệ thống còn có 1 công ty liên kết là CTCP Tư vấn xây dựng giao thông Gia Lai.
Nếu tính dấu ấn tăng trưởng tại Đức Long Gia Lai, thời gian dừng lại ở 2018 khi công ty tăng vốn điều lệ lên mức cao nhất gần 3.000 tỷ đồng. Cùng với đó tài sản cũng gia tăng. Năm 2010 khi công ty đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HoSE, tổng tài sản đang dưới 1.000 tỷ đồng, thì đã nhanh chóng gấp 4 lần vào năm 2014, lên trên 4.100 tỷ đồng. Năm 2016 tổng tài sản vượt 7.000 tỷ đồng và đến 2018 tổng tài sản vượt 8.700 tỷ đồng.
Nợ phải trả cũng tăng dần theo, đến 2018 nợ phải trả vượt 5.200 tỷ đồng. Nợ phải trả lúc này chiếm 60% tổng tài sản công ty.
Kết quả kinh doanh của Đức Long gia Lai khá bấp bênh khi năm 2012, 2013 gần như chỉ thoát lỗ với số lãi mấy tỷ đồng. Năm 2015 trở thành năm lãi kỳ lục 81 tỷ đồng dù doanh thu giảm sút.
Xuống dốc không phanh
Sau những năm tháng tăng trưởng, năm 2019 Đức Long Gia Lai bất ngờ chứng kiến chu kỳ sụt giảm. Bắt đầu từ doanh thu với mức giảm nhẹ từ hơn 2.900 tỷ đồng năm 2018 xuống quanh mức 2.000 tỷ đồng vào năm 2020 và còn 1.346 tỷ đồng vào năm 2022. Mới đây BCTC 6 tháng đầu năm 2023 ghi nhận doanh thu 512 tỷ đồng.
Cùng với đó, Đức Long Gia Lai chứng kiến 2 năm lỗ đậm trong đó năm 2020 lỗ 929 tỷ đồng và năm 2022 lỗ 1.197 tỷ đồng.
Cùng với kinh doanh bết bát, tổng tài sản cũng xuống dốc. Kết thúc năm 2018 tổng tài sản vượt 8.700 tỷ đồng và giảm dần về mức 5.700 tỷ đồng kết thúc 6 tháng đầu năm 2023.
Tài sản giảm nhưng nợ phải trả không giảm tương ứng. Các năm 2018-2020 nợ phải tr duy trì trên 5.700 tỷ đồng, trong đó năm 2020 lên cao nhất trên 2.700 tỷ đồng. Những năm sau đó nợ phải trả có giảm nhẹ theo tổng tài sản. Đến hết quý 2/2023 nợ phải trả còn 4.568 tỷ đồng chiếm đến 80% tổng tài sản.
Vì đâu nên nỗi? - vì những khoản cho vay cá nhân hàng nghìn tỷ
Khoản lỗ lớn của Đức Long Gia Lai là từ 2020, tuy vậy câu chuyện có lẽ bắt đầu từ năm 2019 dù chỉ với khoản lỗ nhẹ 7 tỷ đồng.
Nhắc tới 2019 bởi BCTC kiểm toán năm này ghi nhận sự kiện kiểm toán đã đưa ý kiến ngoại trừ. Cơ sở của ý kiến kiểm toán ngoại trừ là từ khoản xác định thu nhập chịu thuế TNDN của Tập đoàn chưa loại trừ khoản hơn 129 tỷ đồng chi phí đi vay vượt mức quy định. Điều này khiến cho chi phí thuế TNDN tăng, lợi nhuận sau thuế giảm tương ứng.
Ngoài ra kiểm toán còn nhấn mạnh việc Tập đoàn đã cho 1 số cá nhân vay số tiền hơn 2.398 tỷ đồng (tương ứng 27,85% tổng giá trị tài sản). Các khoản cho vay này không có tài sản đảm bảo.
Nguồn: BCTC năm 2021 Đức Long Gia Lai |
Kiểm toán cũng nhấn mạnh rằng, Tập đoàn chưa thanh toán cho hầu hết các khoản vay đến hạn trả, bao gồm nợ trái phiếu, nợ ngân hàng và các tổ chức khác. Điều này dẫn tới sự tồn tại yếu tố trọng yếu không chắc chắn có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
BCTC ghi nhận tổng nợ phải trả đến hết 2019 là 5.184 tỷ đồng, chiếm 60% tổng tài sản, trong đó nợ tài chính ngắn hạn 1.334 tỷ đồng và nợ tài chính dài hạn 2.386 tỷ đồng. Trong số đó, vay dài hạn đến hạn trả trong vòng 1 năm lên đến 513 tỷ đồng và trái phiếu đến hạn trả 378 tỷ đồng.
Hàng loạt những cái tên xuất hiện trong danh sách phải thu về cho vay hơn 2.300 tỷ đồng, trong đó phát sinh các khoản cho vay hàng chục đến hàng trăm tỷ như Lê Hoàng Ngọc (117 tỷ đồng); Nguyễn Ngọc Đạt (76,6 tỷ đồng); các đối tượng khác (128,5 tỷ đồng); chưa kể các khoản phải thu khác…
Đến 2020 Đức Long Gia Lai trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi từ 127 tỷ đồng đầu năm lên 431 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh năm 2020 ghi lỗ 929 tỷ đồng chủ yếu do doanh thu giảm, do gánh nặng chi phí tài chính (823 tỷ đồng - chủ yếu từ lỗ các khoản đầu tư tài chính và trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh) và gánh nặng chi phí quản lý doanh nghiệp do tăng trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi.
Tiếp đà 2020, năm 2022 Đức Long Gia Lai lỗ sau thuế 1.197 tỷ đồng, khoản lỗ khủng lần thứ 2 khiến công ty ghi nhận lỗ lũy kế 2.069 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu còn hơn 1.100 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu gần 3.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân lỗ nặng chủ yếu đến từ chi phí quản lý doanh nghiệp 1.289 tỷ đồng (tăng 1.089 tỷ đồng so với cùng kỳ) – do công ty phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi.
Kiểm toán viên ghi nhận cơ sở ý kiến kiểm toán ngoại trừ, trong đó cho rằng Đức Long Gia Lai có những khoản cho cá nhân vay, với số tiền hơn 422 tỷ đồng. Công ty đã trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, tuy vậy không đánh giá khả năng thu hồi thực tế.
Bên cạnh đó, công ty mang tiền cho các cá nhân, đối tượng khác vay, không thu hồi được vốn, phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi; ngoài ra còn bị “treo” phải thu về lãi cho vay đối với các cá nhân số tiền 423 tỷ đồng. Trong khi bản thân công ty đi gánh nợ vay tài chính tại các ngân hàng.
Dấu ấn kế toán Đỗ Thành Nhân tại Đức Long Gia Lai
Khá trùng hợp khi năm 2019 – năm Đức Long Gia Lai bắt đầu rơi vào vòng xoáy cho vay cá nhân…thì ông Đỗ Thành Nhân được bổ nhiệm vào vị trí Trưởng phòng tài chính kế toán, kiêm phụ trách kế toán của công ty (từ 3/9/2019). Và danh sách lãnh đạo Đỗ Thành Nhân vẫn ghi nhận tại Đức Long Gia Lai đến nay.
Đức Long Gia Lai bị yêu cầu mở thủ tục phá sản
Mới đây Tập đoàn Đức Long Gia Lai công bố thông tin bất thường về việc Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Theo đó, ngày 24/7/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Đức Long Gia Lai theo đơn yêu cầu của CTCP Lilama 45.3, trụ sở tại tỉnh Quảng Ngãi. Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã gửi thông báo tới Đức Long Gia Lai và yêu cầu trong 30 ngày phải gửi cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu mở thủ tục phá sản và các tài liệu kèm theo.
Những thông tin này một lần nữa khiến nhà đầu tư muốn nhìn lại hành trình Đức Long Gia Lai và những dấu ấn. Cổ phiếu DLG một thời là cổ phiếu yêu thích của nhà đầu tư.
Thậm chí hiện tại DLG về dưới 3.000 đồng/cổ phiếu, rơi vào diện bị cảnh báo do kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ, đồng thời dính khiếu kiện với Lilama 45 thì thanh khoản cổ phiếu này vẫn rất cao, bình quân hơn 3 triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.
Những khoản cho vay hàng nghìn tỷ đồng khó thu hồi của Đức Long Gia Lai đổ về đâu? Dấu ấn Chủ tịch Bùi Pháp tại Đức Long Gia Lai như thế nào? rất nhiều câu hỏi nhà đầu tư đặt ra chờ câu trả lời tiếp theo.