Đừng quá kỳ vọng vào doanh nghiệp buôn gạo khi Ấn Độ "tiết cung"

21-09-2022 17:05|Chi Linh

Theo các chuyên gia, việc Ấn Độ ban hành cấm xuất khẩu gạo đã khiến nguồn cung bị hạn hẹp và tăng giá bán. Điều này sẽ tạo cơ hội cho xuất khẩu gạo của Việt Nam song đột biến khó xảy ra.

Việt Nam có vị thế tốt để đón đầu xu hướng tăng giá của gạo

Ngày 8/9/2022, Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với các loại gạo xuất khẩu. Ấn Độ chiếm 40% tỷ trọng trong ngành thương mại gạo toàn cầu và việc quốc gia này hạn chế xuất khẩu sẽ giáng một cú đánh mạnh hơn vào những quốc gia đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt và nạn đói ngày càng trầm trọng.

Trong báo cáo cập nhật ngành gạo vừa công bố, CTCP Chứng khoán VNDirect cho biết, nguồn cung bị hạn chế và các chính sách xuất khẩu mới của Ấn Độ sẽ tạo nên áp lực tăng giá gạo trên thế giới. Điều này sẽ tạo cơ hội cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Theo VNDirect, do Ấn Độ hiện xuất khẩu gạo sang hơn 150 nước và đóng góp khoảng 36,7% vào tổng thương mại gạo toàn cầu nên việc sụt giảm đơn hàng xuất khẩu của Ấn Độ có thể gây áp lực và khiến giá gạo thế giới tăng. Bởi vào năm 2007, Ấn Độ từng cấm xuất khẩu gạo và khiến giá gạo toàn cầu tăng lên mức cao kỷ lục khoảng 1,000 USD/tấn.

Nguồn: BSC

Trong khoảng 10 ngày từ khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu và tăng thuế xuất khẩu gạo, giá gạo có mức tăng nhẹ từ 5-15 USD/tấn. Theo Reuters, gạo 5% tại Ấn Độ, được điều chỉnh tăng 5 -10 USD lên mức 392 USD/tấn trong tuần này. Gạo Thái Lan tăng khoảng 15 USD lên mức 435 USD/tấn. Gạo Việt Nam cũng tăng từ 10-15 USD đạt mốc 410 USD/tấn.

CTCK BIDV (BSC) cũng cho rằng, Việt Nam có thể được hưởng lợi từ cả hai yếu tố là sản lượng xuất khẩu và giá bán tăng, nhưng đột biến là khó xảy ra. Loại gạo cạnh tranh lớn với Việt Nam và Thái Lan tại châu Á, EU và Mỹ là gạo đồ và gạo basmati thì không bị áp thuế.

Đối với thóc, gạo lứt và các loại trắng gạo khác (trừ gạo đồ, gạo Basmati) đã bị áp thuế xuất khẩu 20%. Trong đó, tỷ trọng đóng góp xuất khẩu cao nhất là gạo trắng.

“Việc Ấn Độ áp thuế xuất khẩu với gạo sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các quốc gia nhập khẩu chính như các quốc gia lân cận, châu Phi, các quốc gia có thu nhập thấp và tác động tích cực đến các nhà xuất khẩu gạo lớn khác như Việt Nam và Thái Lan”, BSC nhận định.

Trong khi sản lượng gạo Ấn Độ và Trung Quốc niên vụ 2022-2023 dự báo giảm do thời tiết khô hạn thì sản lượng gạo của Việt Nam và Thái Lan tăng giúp hai quốc gia xuất khẩu gạo lớn này có thể tận dụng cơ hội và gia tăng thị phần.

Giá gạo Việt Nam và Thái Lan. Đơn vị: USD/tấn

Gạo Việt còn nhiều cạnh tranh, chưa thể bứt phá

Thời tiết khắc nghiệt gần đây tại các nước xuất khẩu gạo hàng đầu châu Á - nơi chiếm khoảng 90% sản lượng gạo thế giới có khả năng làm giảm năng suất và sản lượng trong năm nay.

Trung Quốc là nước tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới đã phải hứng chịu hạn hán nghiêm trọng tại 7 tỉnh, khiến sản lượng gạo của nước này có thể giảm và dự kiến phải tăng nhập khẩu gạo lên mức kỷ lục khoảng 6 triệu tấn niên vụ 2022 - 2023.

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), tồn kho toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm khi dự báo tỷ lệ tồn kho/tiêu thụ giai đoạn 2022 - 2023 (tỷ lệ hàng tồn kho trên tiêu thụ) chỉ ở mức 34,4% (so với mức trung bình 36,6% giai đoạn 2018-2022).

Bên cạnh đó, nhiều nước đang có chính sách bảo vệ an ninh lương thực trước những tranh chấp địa chính trị. Cụ thể, có thể kể đến các lệnh cấm xuất khẩu lương thực như lúa mì và đường từ Ấn Độ, dầu cọ từ Indonesia.

Mặt khác, các nước nhập khẩu thực phẩm như Philippines đang cố gắng tăng lượng tồn kho dự trữ. USDA cũng dự báo lượng nhập khẩu của thị trường này có thể tăng thêm 200 ngàn tấn gạo so với ước tính trước đó, đưa dự báo nhập khẩu năm nay của Philippines lên 3,4 triệu tấn.

Vì vậy, VNDirect dự đoán gạo có thể chịu áp lực tăng giá trong thời gian tới.

Cung - cầu gạo thế giới từ niên vụ 2018-2019 đến niên vụ 2022-2023. Đơn vị: nghìn tấn

BSC cũng cho rằng, loại gạo mà Ấn Độ áp thuế xuất phần lớn sang châu Phi, các quốc gia lân cận nhưng đây không phải là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Loại gạo cạnh tranh lớn với Việt Nam và Thái Lan tại châu Á, Eu và Mỹ, Ả Rập là gạo đồ và gạo basmati thì không bị áp thuế. Bên cạnh đó, giá cước vận chuyển từ Việt Nam đến châu Phi cũng khá cao và việc giá VND bị mất giá ít hơn các đồng tiền của đối thủ cũng phần nào ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh của gạo Việt Nam.

BSC đưa ra giả định, trường hợp, nếu nhiều nước khác cũng áp đặt lệnh cấm xuất khẩu để đảm bảo an ninh lương thực nội địa như trong cuộc khủng hoảng lương thực 2007 - 2008 sẽ gây bất ổn lên thị trường lương thực toàn cầu, nhất là khi sản lượng thu hoạch gạo toàn cầu trong niên vụ 2022 - 2023 dự báo giảm.

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan với 7,8% giao dịch thương mại toàn cầu và là nước xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc với 24,5% thị phần.

Giá gạo Ấn Độ đang có vị thế cạnh tranh yếu hơn do chịu mức thuế cao hơn, từ đó thúc đẩy người mua chuyển hướng sang gạo của Thái Lan và Việt Nam. Năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam và Thái Lan chiếm 20,6% tổng giao dịch thương mại toàn cầu. Vì vậy, quyết định hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể là cơ hội để Việt Nam và Thái Lan đẩy mạnh xuất khẩu.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, giá trị và sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam lần lượt đạt 2,3 tỷ USD (tăng gần 10% so với cùng kỳ) và 4,8 triệu tấn (tăng 20,7%) trong đó thị trường Philippines đạt 2,3 triệu tấn - tăng 49% so với cùng kỳ. Thị trường Trung Quốc đứng thứ hai với sản lượng nhập khẩu 520 ngàn tấn dù giảm 29%.

Giá gạo "hồi phục", doanh nghiệp xuất khẩu bứt tốc cuối năm

Giá gạo Việt đắt nhất thế giới, doanh nghiệp vẫn chi 1,24 tỷ USD nhập khẩu

Xuất khẩu gạo vượt mốc 8 triệu tấn

Bài thuộc chủ đề Nông nghiệp
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dung-qua-ky-vong-vao-doanh-nghiep-buon-gao-khi-an-do-tiet-cung-149865.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đừng quá kỳ vọng vào doanh nghiệp buôn gạo khi Ấn Độ "tiết cung"
    POWERED BY ONECMS & INTECH