Đường hầm hơn 50km xuyên biển dài nhất thế giới: Đầu tư xây dựng 21 tỷ USD trong 6 năm, là đỉnh cao của kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng gây chấn động

12-02-2024 00:10|Quỳnh Như

Đường hầm góp phần hiện thực hóa giấc mơ nhiều thế kỷ nối liền Pháp và "xứ sở sương mù" bằng con đường chạy ngầm dưới biển.

Đường hầm eo biển Manche hay đường hầm eo biển Anh là đường hầm dưới biển dài nhất thế giới với chiều dài 50,5km (bao gồm 3,3km dưới đất bên phía Pháp; 9,3km ngầm bên phía Anh và 37,9km ngầm dưới biển) đi qua eo biển Manche, nối Folkestone, Kent ở Anh với Coquelles gần Calais ở phía bắc Pháp. Đường hầm gồm hai hầm đường sắt và một đường hầm dịch vụ, được hoàn thành vào năm 1994 sau 6 năm nỗ lực xây dựng với tổng chi phí là 21 tỷ USD.

Thách thức trên công trường thế kỷ

Trước kia, eo biển Manche với chiều rộng 34km, đã chia cắt hai quốc gia Anh và Pháp từ nhiều thế kỷ trước. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của thế giới, nhu cầu giao lưu kinh tế toàn châu Âu trở nên cấp thiết, eo biển Manche vô tình đã trở thành điểm cản trở giao lưu nghiêm trọng.

Tổng thống Pháp và Thủ tướng Anh thời điểm ký Hiệp ước Canterbury hiện thực hóa Đường hầm eo biển Manche. Ảnh: AFP

Tổng thống Pháp và Thủ tướng Anh thời điểm ký Hiệp ước Canterbury hiện thực hóa Đường hầm eo biển Manche. Ảnh: AFP

Ý tưởng giúp Anh chấm dứt những tháng ngày là một hòn đảo cô độc giữa đại dương thông qua việc đào một đường hầm tới Pháp đã xuất hiện từ thế kỷ thứ XVIII. Nhưng phải đến khi Anh và Pháp ký hiệp ước Canterbury ngày 12/2/1986, về khởi công xây dựng đường hầm qua eo biển Manche và đến ngày 29/7/1987, Nữ hoàng Anh Elizabeth II và Tổng thống Pháp Francois Mitterrand chính thức ký hiệp ước Anh - Pháp cho phép xây dựng đường hầm qua eo biển Manche, thì người ta mới có thể tạm yên tâm về “giấc mơ nhiều thế kỷ” sẽ không “mãi chỉ là giấc mơ”.

Năm 1988, việc thi công đường hầm chính thức được bắt đầu. Vì đường hầm chạy trong lòng đất dưới đáy biển Manche nên cần xác định tầng địa chất phù hợp để đào đường hầm. Các nhà địa chất đã chọn tầng đá phấn xanh không ngấm nước và dễ khoan, dễ đào. Tầng đá này đoạn sâu nhất nằm dưới 100m so với mực nước biển và được ngăn cách với nước biển bằng một tầng đá phấn trắng, còn bên dưới là tầng đất sét vàng.

Đường hầm nối eo biển Manche (Channel) giữa Anh và Pháp. Nguồn: CNN

Đường hầm nối eo biển Manche (Channel) giữa Anh và Pháp. Nguồn: CNN

Các máy móc phục vụ công trình đều được đặt theo thiết kế riêng. Biểu tượng của công trường thế kỷ này là 11 máy khoan đường hầm được chế tạo tại Mỹ và Nhật, 6 máy cho công trường bên Anh và 5 máy cho công trường bên Pháp. Mỗi máy khoan dài 200m, nặng tới hơn 1.000 tấn, có giá tới 50 triệu Euro/máy. Tại mỗi ca làm việc, mỗi máy khoan do 35 kỹ sư, công nhân phụ trách. Một triệu tấm bê tông ốp đường hầm có chất lượng đặc biệt, chắc bền hơn cả bê tông dùng trong các nhà máy điện hạt nhân, mỗi tấm bê tông nặng hơn cả một chiếc xe tải.

Về phía Pháp, công trường được hình thành trên một khu vực rộng 800ha, nằm giữa Sangatte và Coquelles, cách TP Lille 120km. Do nền đất phía Pháp thiếu ổn định, có nhiều vết nứt gãy nên các kỹ sư phải chọn phương án "chậm mà chắc". Sau 1 năm, khi đội Anh đào được 4km đường hầm thì nhóm nhân công Pháp mới đào được 1km. Địa chất phức tạp đã khiến Pháp phải nhờ đến sự trợ giúp của chuyên gia Nhật và Mỹ. Vì thế, nhiều người coi đây là "công trường của cả hành tinh".

Một thách thức lớn là làm thế nào để khoan đường hầm đúng hướng, đảm bảo hợp nhất được hai tuyến đường hầm đào từ hai đầu eo biển Manche, trong khi không thể sử dụng GPS dưới lòng đại dương. Chỉ một sai sót nhỏ có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Trong quá trình khoan đường hầm, đội thi công của Pháp đã đo đạc chuẩn xác hơn, còn đội Anh bị chệch hướng tới 4m. Vào những ngày cao điểm, có tới 15.000 kỹ sư, công nhân làm việc trên hai công trường.

Công trình vĩ đại có một không hai trên hành tinh

Cú bắt tay lịch sử giữa kỹ sư Philippe Cozette và kỹ sư Graham Fagg trong ngày thông hầm. Ảnh: AFP

Cú bắt tay lịch sử giữa kỹ sư Philippe Cozette và kỹ sư Graham Fagg trong ngày thông hầm. Ảnh: AFP

Ngày 12/12/1990, 2 năm sau khi khởi công công trình, đường hầm kỹ thuật dưới biển Manche được thông nối trong tiếng reo hò và cả những giọt nước mắt sung sướng của các kỹ sư, công nhân Pháp và Anh. Cú bắt tay lịch sử giữa kỹ sư Philippe Cozette - đại diện cho ekip Pháp và kỹ sư Graham Fagg - đại diện cho ekip Anh diễn ra vào đúng 12 giờ, 12 phút, 12 giây. Lễ thông đường hầm đã được phát trực tiếp trên nhiều kênh truyền hình.

Hai đoạn đường hầm chỉ lệch nhau 6cm tính theo chiều dọc và 35cm theo chiều ngang. Hai nước Anh - Pháp đã lập kỳ tích lịch sử! Đoạn đường hầm kỹ thuật do Pháp đào dài 15,6km, còn người Anh đào được 22,3km. 6 tháng sau, hai đường hầm đường sắt cũng được thông nối.

Bên trong đường hầm qua eo biển Manche

Bên trong đường hầm qua eo biển Manche

Ngày 6/5/1994, Nữ hoàng Anh Elizabeth II và Tổng thống Pháp François Mitterrand đã chính thức cắt băng khánh thành công trình đường hầm vĩ đại có một không hai trên hành tinh.

Đường hầm qua eo biển Manche đã làm toại nguyện giấc mơ hàng thế kỷ của người châu Âu về việc nối liền vương quốc Anh với phần còn lại của châu lục này. Không chỉ là một đường hầm, nó còn là sự kết hợp tuyệt vời của hệ thống kết cấu vững chắc và máy móc rất đồ sộ dưới lòng đại dương, biến tham vọng ngoài sức tưởng tượng của loài người thành sự thật.

Con tàu chạy qua đường hầm eo biển Manche

Con tàu chạy qua đường hầm eo biển Manche

Chạy xuyên qua hai nhánh chính của đường hầm (thành đường hầm dày 1,5m) là những con tàu điện hai tầng lớn nhất trên thế giới, có chiều ngang thân tàu tới 4,2m với tốc độ lên tới 300km/h.

Theo đánh giá của các chuyên gia xây dựng trên thế giới, công trình đường hầm qua eo biển Manche được coi là đỉnh cao của kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng, đưa con người xuyên qua lòng biển hay những dãy núi hùng vĩ một cách dễ dàng. Công trình này không chỉ nổi tiếng bởi các yếu tố kinh phí đầu tư, quy mô xây dựng mà còn được đánh giá cao bởi những giá trị to lớn nó mang lại cho hai cường quốc Anh - Pháp nói riêng, cũng như châu Âu và thế giới nói chung.

Cho đến nay, đường hầm qua eo biển Manche vẫn là một công trình đường hầm vĩ đại có một không hai trên thế giới và được coi là một trong những kỳ quan của thế giới hiện đại.

>> Chi 100 triệu USD làm ‘đường hầm tới địa ngục’ để xây phòng thí nghiệm đặc biệt đầu tiên trên thế giới, thổi bùng lo sợ thảm họa kinh hoàng có thể xảy ra

Độc đáo rừng cây đan kín tạo thành đường hầm bí ẩn, được đánh giá là một trong những con đường đẹp nhất của đất nước

Khám phá hệ thống đường hầm xuyên sa mạc dài 280km lớn nhất thế giới, kỹ sư phải ‘sững người’ khi gặp hiện tượng lạ giữa vùng đất khô cằn

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/duong-ham-hon-50km-xuyen-bien-dai-nhat-the-gioi-dau-tu-xay-dung-21-ty-usd-trong-6-nam-la-dinh-cao-cua-ky-thuat-va-nghe-thuat-xay-dung-gay-chan-dong-d115010.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Đường hầm hơn 50km xuyên biển dài nhất thế giới: Đầu tư xây dựng 21 tỷ USD trong 6 năm, là đỉnh cao của kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng gây chấn động
POWERED BY ONECMS & INTECH