Đường học vấn gian truân của ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Bỏ học ngành Y nhiều người mơ ước, bị khinh thường là "điên hạng nặng"

05-07-2023 08:21|Quỳnh Lâm

Trước khi trở thành "vua cà phê" với khối tài sản khổng lồ, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã có một chặng đường học vấn đầy gian nan.

Trở thành "vua cà phê", ông Đặng Lê Nguyên Vũ hiện sở hữu gia tài kếch xù, bao gồm Tập đoàn Trung Nguyên, nhiều khu bất động sản giá trị, tiền mặt ở ngân hàng, cổ phần ở các công ty… Tổng giá trị tài sản của ông có thể vượt ngưỡng hàng nghìn tỷ đồng.

Nếu chỉ nhìn vào những thành quả hiện tại, ít ai ngờ rằng, ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng là người đi lên từ đôi bàn tay trắng. Ông đã trải qua một quá khứ cơ cực, phải bươn chải vượt qua rất nhiều khó khăn để đi đến ngày hôm nay.

Từ bỏ ước mơ Y khoa để khởi nghiệp

Đặng Lê Nguyên Vũ sinh ngày 10/2/1971 tại huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 1979, gia đình ông chuyển đến sinh sống ở huyện miền núi M’drak, tỉnh Đắk Lắk.

Từ nhỏ, chứng kiến cảnh mình mẹ phải lo lắng mọi việc trong nhà, gia đình sống trong cảnh nghèo khó, ông Vũ phụ giúp mẹ và kiếm tiền cho cuộc sống gia đình, ông đi làm thuê từ rất sớm, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như bẻ ngô, chăn lợn hay giúp mẹ đóng gạch.

Năm 1992, ông nhập học Khoa Y, Đại học Tây Nguyên với ước mơ trở thành một bác sĩ. Vì nghèo, ông vừa phải đi học vừa đi làm thêm để trang trải. Đến năm thứ 3 đại học, ông bỗng nhận ra mình không thực sự phù hợp và yêu thích ngành này. Ông Vũ luôn trăn trở về cuộc sống và công việc của người thầy thuốc. Bởi, muốn có cuộc sống khấm khá hơn, phần nhiều những người học y đã “quên lời thề Hippocrate”.

Ông Vũ chính thức bỏ học và vào TP.HCM để tìm kiếm con đường làm giàu với số tiền trong túi là 100.000 đồng. Tuy nhiên người chú ở TP.HCM đã bắt ông quay lại Đắk Lắk với câu nói: Học cho xong đi đã.

Đặng Lê Nguyên Vũ đồng ý trở lại trường vài ngày sau đó nhưng vẫn luôn nung nấu ý tưởng kinh doanh.

Từng bước xây dựng đế chế Trung Nguyên

Khi trình bày suy nghĩ với bạn bè, ai cũng gọi ông là kẻ “điên hạng nặng”. Ở trường đại học chỉ vài ba người là chịu nói chuyện với ông. Tuy nhiên, Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn tìm được ba người cộng sự học cùng lớp và cùng với họ bắt tay xây dựng đế chế cà phê Trung Nguyên lẫy lừng như bây giờ.

dang-le-nguyen-vu-thoi-tre.jpg
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ thời trẻ và hiện tại.

Trên chiếc xe đạp cà tàng, đến từng đại lý thu mua cà phê để bắt đầu sự nghiệp, những ý tưởng lớn dần theo những vòng quay bánh xe. Nung nấu trong đầu chàng trai Tây Nguyên này là câu hỏi: Tại sao cà phê rất có giá nhưng những người trồng cà phê lại rất nghèo? Tại sao cà phê mình chỉ để xuất hạt thô mà không chế biến để xuất khẩu?...

Cách nghĩ khác tiếp theo làm thay đổi sự nghiệp của anh chàng kinh doanh cà phê rang xay, đó là chỉ có chế biến mới tạo nên giá trị. Tư duy này hiện giờ là phổ biến nhưng cách đây hơn 20 năm - khi hãng cà phê Trung Nguyên mới ra đời thì bị cho là khùng.

Trái ngược với những lời bàn tán, không lâu sau, thương hiệu cà phê Trung Nguyên vượt ra khỏi ranh giới Đắk Lắk. Năm 1998, cuộc đổ bộ rầm rộ với sức công phá mạnh đã giúp cà phê Trung Nguyên phủ khắp các ngõ ngách của Sài Gòn, tới từng dân nghiền cà phê. Đặng Lê Nguyên Vũ đã tạo ra cách thức để khách hàng tự mình trở thành người sành điệu về cà phê, tự tạo hình ảnh cá nhân qua sự lựa chọn khác nhau trong từng hương vị của cà phê.

Thậm chí, người ta đã gọi tất cả các loại cà phê ngon, có gu là cà phê Trung Nguyên như một chỉ dẫn cho thị trường cà phê Việt Nam.

Năm 2003, sản phẩm G7 ra đời chính thức đánh dấu bước phát triển mới của Trung Nguyên trong việc chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Thương hiệu của ông Vũ lần đầu tiên vượt qua Vinacafe và Nestlé về thị phần.

Thành công nối tiếp thành công, Trung Nguyên cho xây dựng hàng loạt nhà máy cà phê. Danh mục sản phẩm cà phê của Trung Nguyên cũng ngày càng phong phú, từ cà phê chồn, cà phê rang xay, cà phê hạt nguyên chất đến cà phê tươi, cà phê hòa tan…

Không chỉ xây dựng nhà máy chế biến, Đặng Lê Nguyên Vũ còn cho lập Làng cà phê Trung Nguyên rộng 20.000m2, Bảo tàng cà phê tại Buôn Mê Thuột nhằm biến nơi đây thành thủ phủ cà phê toàn cầu.

Với ước mong vươn ra chiếm lĩnh thị trường thế giới, năm 2008, Trung Nguyên đã thành lập văn phòng tại Singapore nhằm mục tiêu phát triển thị trường này thành một cứ điểm để mở rộng ra khối Asean và toàn cầu. Tính đến nay, cà phê Trung Nguyên đã có mặt tại hơn 60 quốc gia.

Ông Vũ còn tuyên bố sẽ đưa cà phê Trung Nguyên vào Mỹ và đánh bại Starbucks ngay tại thị trường của nó. Đồng thời ông cũng không giấu diếm tham vọng trở thành người lãnh đạo ngành cà phê thế giới.

Tháng 2/2012, Đặng Lê Nguyên Vũ lần đầu tiên được vinh danh là “Vua cà phê Việt” một cách chính thức trên tạp chí uy tín National Geographic Traveller. Tháng 8/2012, Tạp chí Forbes nhắc lại danh hiệu này với lời ca ngợi “zero to hero” (nhân vật từ vô danh thành anh hùng).

Liên tục phát triển mạnh mẽ công ty đã giúp ông Vũ có được khối tài sản khổng lồ. Theo báo cáo của Tập đoàn Trung Nguyên qua các năm, doanh thu của công ty trong giai đoạn 2015-2017 đạt quanh mức 3.800 tỷ đồng.

Tài sản của ông chủ Trung Nguyên cũng lần đầu được tiếp lộ trong vụ ly hôn với bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Theo đó, ông Đặng Lê Nguyên Vũ được tòa án tuyên giao sở hữu toàn bộ số cổ phần của ông Vũ và bà Thảo với tổng giá trị theo định giá được đồng thuận là 5.655 tỷ đồng. Ông Vũ được nhận một số bất động sản và toàn bộ cổ phần của 2 vợ chồng tại các công ty thuộc hệ thống Trung Nguyên và thanh toán cho bà Thảo thêm 1.318 tỷ đồng.

Lên hang ở ẩn, ông Đặng Lê Nguyên Vũ điều hành Trung Nguyên bằng cách nào?

10 năm trước ông Đặng Lê Nguyên Vũ nói Starbucks bán thứ nước có mùi cà phê không đủ sức ảnh hưởng tới Trung Nguyên, hiện tại ra sao?

Khu du lịch sinh thái được ví như 'Dubai phiên bản Việt' của Đặng Lê Nguyên Vũ: Dành gần 20ha cho những 'chú ngựa triệu đô'

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/duong-hoc-van-gian-truan-cua-ong-dang-le-nguyen-vu-bo-hoc-nganh-y-nhieu-nguoi-mo-uoc-bi-khinh-thuong-la-dien-hang-nang-190718.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đường học vấn gian truân của ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Bỏ học ngành Y nhiều người mơ ước, bị khinh thường là "điên hạng nặng"
    POWERED BY ONECMS & INTECH