Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Dự kiến giai đoạn đầu, tàu khách chạy tối đa 320km/h
Theo Bộ Giao thông vận tải, từ kinh nghiệm quốc tế, đối với các tuyến đường sắt mới, tốc độ khai thác thực tế thường đạt khoảng 90% so với tốc độ thiết kế.
Theo thông tin từ VTC News, Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản giải trình, tiếp thu ý kiến của Hội đồng Thẩm định Nhà nước về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Trong báo cáo này, Bộ Giao thông vận tải cho biết tuyến đường sắt có thiết kế tốc độ cho tàu khách đạt 350km/h và tàu hàng 160km/h. Theo kinh nghiệm quốc tế, đối với các tuyến đường sắt mới, tốc độ khai thác thực tế thường đạt khoảng 90% tốc độ thiết kế. Do đó, trong giai đoạn đầu, tốc độ khai thác tối đa của tàu khách dự kiến là 320km/h, tàu hàng là 120km/h.
Trong quá trình khai thác, Bộ sẽ tiến hành đánh giá, thử nghiệm và từng bước nâng tốc độ khai thác. Để đảm bảo vận hành an toàn ở các tốc độ này, tư vấn sử dụng bán kính đường cong 6.500m và tính toán siêu cao theo tiêu chuẩn châu Âu DIN EN 13803:2017 (TCVN 13342:2012) cho thấy yêu cầu kỹ thuật của tuyến đường đáp ứng các điều kiện để khai thác an toàn.
>> Tập đoàn Hàn Quốc muốn làm khu công nghệ cao ‘thung lũng Pangyo’ tại tỉnh giàu nhất miền Tây
Bộ cũng nhấn mạnh "Tiếp thu ý kiến của hội đồng thẩm định, trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ sẽ chỉ đạo tư vấn tiếp tục tính toán cụ thể để bảo đảm an toàn trong vận hành khai thác".
Giai đoạn đầu, tốc độ khai thác của tàu chở khách là 320km/h, chở hàng là 120km/h. Ảnh minh họa |
Bộ Giao thông vận tải cho biết thêm, trong quá trình nghiên cứu tiền khả thi, dự án đã tham khảo hệ thống tiêu chuẩn châu Âu, áp dụng mô hình dự báo nhu cầu vận tải 4 bước - một mô hình hiện đại và phổ biến trên thế giới. Mô hình này dựa trên cơ sở số liệu điều tra điểm đi, điểm đến của hành khách; các chủng loại hàng hóa; lợi thế, chi phí vận tải của từng phương thức; cập nhật quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh để dự báo tổng nhu cầu vận tải và phân bổ cho các phương thức trên hành lang.
Theo kết quả dự báo, nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường sắt trên hành lang Bắc - Nam đến năm 2050 sẽ đạt khoảng 18,2 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu vận tải hành khách ước tính khoảng 119,4 triệu khách/năm.
Về hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được nghiên cứu theo nguyên tắc "thẳng nhất có thể", các đường cong đều được kiểm toán bảo đảm yêu cầu về an toàn, êm thuận cho hành khách. Trong bước nghiên cứu khả thi dự án, Bộ sẽ chỉ đạo tư vấn rà soát hướng tuyến tối ưu nhất. Tuyến đường cũng được thiết kế để đảm bảo kết nối với các hành lang Đông - Tây, các tuyến đường sắt nối Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Về vị trí ga, Bộ Giao thông vận tải cho biết toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam bố trí 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa.
Tiếp thu ý kiến Hội đồng thẩm định Nhà nước, trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ xem xét các vị trí ga tiềm năng như: Nghi Sơn, Chân Mây, La Gi, Cam Lâm. Các ga này được bổ sung khi địa phương hình thành và phát triển các đô thị có quy mô dân số và có nhu cầu vận tải đủ lớn; khoảng cách giữa các ga bảo đảm yêu cầu kỹ thuật khai thác. Lúc đó, sẽ giao cho địa phương chủ trì kêu gọi đầu tư các khu ga theo phương thức PPP.
Về quy mô nhà ga, trong báo cáo tiền khả thi xác định mỗi vị trí ga hành khách đều quy hoạch không gian phát triển từ 250-300ha gồm 3 khu chức năng: khu trực tiếp phục vụ đón, tiễn khách, bãi đỗ xe có diện tích 6-8ha tương đồng với quy mô nhà ga 4 đường của các tuyến đường sắt tại Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản...; khu vực dịch vụ, thương mại có diện tích từ 10-15ha; khu vực đô thị dịch vụ có diện tích 250-300ha.
Theo Bộ Giao thông vận tải trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất vị trí, quy mô cụ thể các nhà ga phù hợp đảm bảo đáp ứng đủ các yêu cầu: nhà ga trung tâm, quảng trường ga và các công trình kết nối đa phương thức.
Theo phương án được tư vấn nghiên cứu đề xuất, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đầu tư với tốc độ thiết kế 350km/h, tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 67 tỷ USD. Tuyến đường sắt tốc độ cao được xây dựng mới, khổ đường 1.435mm, đường đôi, có 23 ga, 5 khu depot bảo dưỡng, sửa chữa tàu. Chiều dài toàn tuyến khoảng 1.542km, sẽ đi qua 20 tỉnh, thành cả nước.
Một doanh nghiệp đề xuất làm đường sắt nhẹ kéo dài từ TP. HCM đến Tây Ninh
Cầu duy nhất ở Việt Nam có đường sắt chung đường bộ sắp được tu sửa sau hơn 40 năm hoạt động