Tỷ phú Elon Musk bất ngờ đáp chuyến bay đến Bắc Kinh để thảo luận về việc triển khai và thu thập dữ liệu phần mềm Tự lái hoàn toàn (FSD) trên thị trường tỷ dân.
Hãng tin Reuters cho biết, chiếc máy bay phản lực tư nhân Gulfstream Aerospace, thuộc sở hữu của công ty Falcon Landing (công ty con của SpaceX và Tesla), đã hạ cánh xuống thủ đô Bắc Kinh hôm 28/4 (theo giờ địa phương). Những người có mặt trong chuyến bay không công khai thông tin về chuyến thăm đặc biệt này.
Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Qin Gang gặp CEO Tesla, ông Elon Musk tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 30/5/2023 |
Cuộc ghé thăm bất ngờ này diễn ra chỉ một tuần sau khi kế hoạch thăm thị trường Ấn Độ được thông tin rầm rộ đã bị hủy do nhiều vấn đề cấp bách xảy ra với hãng Tesla. Ông trùm ngành ô tô điện thế giới cho biết dự định cắt giảm 10% nhân lực trên toàn cầu, do tình hình tăng trưởng doanh số bán xe điện gây áp lực lên việc tiết kiệm chi phí vận hành công ty.
Theo các nguồn tin cho biết, tỷ phú Elon Musk đến Bắc Kinh bất ngờ để tìm gặp các nhà quản lý cấp cao trong chính quyền Trung Quốc để đàm phán về việc triển khai phần mềm tự lái xe hoàn toàn (FSD) - phiên bản hiện đại nhất của hệ thống Autopilot ở thị trường Trung Quốc.
Ông chủ Tesla mong muốn giới chức Bắc Kinh chấp thuận chuyển các dữ liệu thu thập trong nước ra nước ngoài để hoàn chỉnh các thuật toán cho công nghệ lái xe tự động.
“Chúng tôi mong muốn có được sự chấp thuận của các cơ quan quản lý, để hoàn thiện hệ thống [FSD] ra mọi thị trường, bắt đầu từ thị trường Trung Quốc”, Musk nói trong buổi giải trình về báo cáo thu nhập của Tesla vào ngày 23/4.
Đây có lẽ sẽ là cuộc đàm phán nhiều khó khăn và áp lực với vị tỷ phú vì trước đây, các phương tiện của hãng Tesla đã bị cấm vào các khu quân sự ở Trung Quốc và một số địa điểm khác thuộc quyền điều hành của chính phủ, có thể là do lo ngại về an ninh mạng đối với các camera được lắp trên xe.
Hệ thống tự lái của Tesla đang gặp rắc rối ở quê nhà do liên quan đến nhiều vụ va chạm giao thông |
Vừa qua, các nhà chức trách Mỹ đã tiến hành tái điều tra tiến độ của việc thu hồi - sửa chữa hệ thống Autopilot, vốn bị cáo buộc liên quan đến ít nhất 13 tai nạn chết người do lỗi hệ thống tự lái hoàn toàn của xe.
Hệ thống hỗ trợ người lái tiên tiến, hay ADAS, đang ngày càng trở nên phổ biến ở thị trường xe điện Trung Quốc, nơi Tesla đang mất dần thị phần vào tay các hãng xe nội địa như BYD, XPeng. Các ông lớn trong ngành của Trung Quốc như Xpeng, Xiaomi và các đối tác sản xuất của Huawei đang sử dụng công nghệ tinh vi làm thế mạnh độc quyền trên xe của họ, trong khi việc các đối thủ giảm giá trên toàn ngành đã tạo thêm áp lực buộc hãng xe Mỹ phải nhanh chóng tìm ra giải pháp hạ giá thành mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
>> Nhà đồng sáng lập Facebook cáo buộc Tesla lừa dối công chúng, ví hãng xe như tập đoàn Enron