Theo định hướng phát triển, thành phố này sẽ có tổng diện tích 447km2, nằm giữa hai đô thị lớn nhất miền Trung là Huế và Đà Nẵng.
Theo Quyết định 1745/QĐ-TTg, phê duyệt Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, đến năm 2025, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương có yếu tố đặc thù. Dự kiến hành chính đô thị cũng sẽ có thay đổi, thành phố Huế sẽ tách thành hai quận và thêm thành phố Chân Mây với tổng diện tích 447km2.
Thành phố Chân Mây gồm Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và phần mở rộng về phía Bắc thuộc huyện Phú Lộc hiện hữu. Đây là đô thị cửa ngõ phía Nam kết nối với thành phố Đà Nẵng và các tỉnh duyên hải Trung Bộ, một trong những trung tâm giao thương quốc tế của các nước thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây. Định hướng phát triển đô thị đến năm 2030, đô thị Chân Mây đạt tiêu chí đô thị loại III và trở thành thành phố trong giai đoạn 2030-2045.
Biển Chân Mây - Lăng Cô kéo dài hình vòng cung, cát trắng và sóng hiền hòa, cách Quốc lộ 1A chỉ gần 3km. Với vị trí địa lý thuận lợi biển đang được đông đảo du khách lựa chọn, nhất là mỗi dịp hè về, du khách đi du lịch đều không thể bỏ qua bãi biển tuyệt đẹp này mỗi khi ghé đến mảnh đất Cố Đô.
Vịnh Lăng Cô được Vua Khải Định của triều Nguyễn xem là chốn "bồng lai tiên cảnh". Lịch sử kể lại, trên vịnh Lăng Cô, Vua Khải Định đã cho xây dựng Hành Cung Tịnh Viêm để vua và các Hoàng hậu, Công chúa, Thái tử đến nghỉ mát, tĩnh dưỡng vào mùa hè nóng bức ở Huế. Năm 2009, vịnh Lăng Cô được bình chọn là thành viên thứ 30 trong danh sách "Vịnh đẹp nhất thế giới" của Worldbays.
Vịnh được mũi Chân Mây Đông che chắn tạo ra vùng nước kín gió, lặng sóng nên khu vực cảng nước sâu Chân Mây thường xuyên đón các tàu thuyền lớn neo đậu. Cụm cảng Chân Mây nằm ở vị trí trung tâm Việt Nam, giữa hai đô thị lớn nhất miền Trung là Huế và Đà Nẵng, được đánh giá là cửa ngõ ra biển Đông gần nhất, thuận lợi nhất với hành lang kinh tế Đông - Tây, là nơi kết nối miền Trung Việt Nam với Lào, Thái Lan, Myanmar, kết nối với các nước châu Á và thế giới.
Tầm nhìn về một thành phố ven biển hiện đại
Trong tương lai, thành phố Chân Mây - Lăng Cô sẽ kết nối, chia sẻ lợi ích với sự phát triển của Cảng biển Liên Chiểu (thành phố Đà Nẵng) phía bên kia đèo Hải Vân, có thể trở thành hậu cảng về logistics bởi lợi thế dư địa không gian phát triển lớn.
Các chương trình nhằm phát triển đô thị mới Chân Mây đã được xác định là một trong những mục tiêu trọng điểm trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và khu vực miền Trung nói chung. Để thực hiện mục tiêu này, những công trình đầu tiên chuẩn bị cho việc ra đời Cảng Chân Mây – nhân tố chìa khóa trong việc phát triển đô thị mới Chân Mây đã được triển khai.
Ngày 6/4 vừa qua, đã diễn ra lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng bến tổng hợp - container số 4 và 5 cảng Vsico Chân Mây với diện tích sử dụng đất và mặt nước khoảng hơn 26ha, tổng kinh phí đầu tư gần 1.700 tỷ đồng. Dự kiến bến số 4 hoạt động vào quý II/2025 và bến số 5 hoạt động vào đầu năm 2026; sản lượng thông qua 5 triệu tấn hàng hóa xuất nhập khẩu mỗi năm; với các tàu container, sản lượng dự kiến 80.000TEUS mỗi năm.
Hiện nay, cảng Chân Mây là điểm đến của những tàu du lịch cỡ lớn trên thế giới, mỗi lần mang theo hàng ngàn du khách. Việc phát triển một thành phố hiện đại ở đây sẽ tạo cho Thừa Thiên Huế có những bứt phá mới.
Tại Chân Mây, nổi bật nhất hiện nay là Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô với diện tích khoảng 27.108ha, 5 khu chức năng chính gồm khu cảng, khu công nghiệp, khu phi thuế quan, khu đô thị và khu du lịch. Cuối năm 2023, UBND Thừa Thiên Huế đã phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tập trung phát triển khu kinh tế này, chuẩn bị từng bước cho Chân Mây lên thành phố.
Luỹ kế đến nay, Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có 57 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 87.000 tỷ đồng; trong đó có 28 dự án đã hoàn thành đưa vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 4.700 lao động, doanh thu hàng năm khoảng gần 4.000 tỷ đồng.
>> Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu một gói thầu sân bay lớn nhất Việt Nam phải là 'Made in Viet Nam'