Các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) vừa đồng ý áp lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga bằng đường biển.
Đây là một phần trong gói trừng phạt thứ 6 mà EU áp đặt với Nga nhằm gây sức ép buộc Moscow chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Để xoa dịu các quốc gia không giáp biển như Hungary, lệnh cấm không áp dụng đối với nhập khẩu dầu bằng đường ống. Nhưng Đức và Ba Lan cho biết họ sẵn sàng giảm mua dầu Nga qua đường ống vào cuối năm nay.
Như vậy, kết hợp với lệnh cấm nhập khẩu bằng đường biển, xuất khẩu dầu Nga sang EU sẽ giảm đến 90% vào cuối năm nay.
Mặc dù lệnh cấm theo từng giai đoạn sẽ giảm bớt sự gián đoạn về nguồn cung dầu song theo Florian Thaler, giám đốc điều hành của OilX, một công ty phân tích dầu mỏ, tác động của lệnh cấm này vẫn rất nặng nề.
Theo các chuyên gia, trong khi có những người được hưởng lợi trong ngắn hạn như các nhà máy lọc dầu có kết nối với đường ống Druzhba, việc châu Âu loại bỏ dầu Nga sẽ làm rung chuyển ngành công nghiệp hóa dầu của khu vực này lẫn các thị trường dầu thô trên toàn cầu.
"Cuộc cạnh tranh những thùng dầu còn lại trong một thị trường vốn đã eo hẹp nguồn cung chắc chắn sẽ vô cùng khốc liệt và khó làm giá dầu hạ nhiệt", Thaler chia sẻ.
Các nhà phân tích cho rằng, trước cuộc khủng hoảng này, Nga là nước sản xuất hơn 10% nguồn cung dầu mỏ toàn cầu. Vì vậy, nước này cần phải tìm người mua mới cho các thùng dầu của họ nếu không thị trường dầu mỏ quốc tế có thể sẽ bị thiếu cung một cách trầm trọng.
Ấn Độ đã tăng cường mua dầu Nga trong thời gian gần đây. Dẫn số liệu từ Refinitiv Eikon, Reuters cho biết, chỉ riêng trong tháng 5, nước này đã nhập khẩu 24 triệu thùng dầu Nga, tăng từ mức 7,2 triệu thùng trong tháng 4 và khoảng 3 triệu thùng trong tháng 3. Refinitiv Eikon dự báo, trong tháng 6, Ấn Độ có thể nhận khoảng 28 triệu thùng dầu Nga.
Như vậy, kể từ khi chiến sự nổ ra ở Ukraine, Ấn Độ đã nhập tổng cộng khoảng 34 triệu thùng dầu Nga giá rẻ. Điều này khiến tổng giá trị nhập khẩu từ Nga, bao gồm các sản phẩm khác, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Trên thực tế, hàng triệu thùng dầu Nga vẫn đang lênh đênh ngoài khơi trên những con tàu chở dầu chưa có điểm đến, cho thấy dầu Nga có thể sẽ phải chật vật trong việc tìm kiếm người mua.
Theo số liệu từ công ty dữ liệu tài sản Kpler, lượng dầu Nga "trên mặt nước" (trong các con tàu chở dầu trên biển) đã tăng vọt từ mức 30 triệu thùng trước chiến sự lên 80 triệu thùng trong tháng này.
Số liệu từ Vortexa cũng cho thấy, lượng dầu Urals trên mặt nước hiện đã gấp 3 lần so với mức trung bình trước chiến tranh, trong đó 15% không xác định được điểm đến. Điều này cho thấy một số chuyến hàng có thể đang chuyển đến những người mua không được tiết lộ, một số khác thì chưa bán được.
Tờ Ukrinform của Ukraine cho hay, tập đoàn dầu khí Nga Transneft đã hạn chế quyền truy cập lịch trình xuất khẩu dầu hàng tháng của họ từ các cảng của Nga.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo sản lượng dầu Nga có thể giảm đến 3 triệu thùng/ngày. Một số nhà phân tích lạc quan hơn cho rằng mức giảm có thể nhỏ hơn, khoảng 1-1,5 triệu thùng/ngày, tuy nhiên, con số này vẫn có thể khiến giá dầu tăng cao hơn.
Mục đích chính của lệnh cấm vận dầu Nga của EU là nhằm cắt đứt nguồn tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của Moscow, buộc các nhà sản xuất dầu Nga phải đóng cửa các giếng dầu.
Tuy nhiên, theo tờ New York Times, nỗ lực này rất nguy hiểm và có thể thất bại. Bởi về cơ bản, nếu giá dầu vẫn tăng, tổng doanh thu từ dầu mỏ của Nga sẽ không giảm nhiều.
Các nhà phân tích cho rằng, nỗ lực cắt giảm phụ thuộc của châu u ra khỏi nguồn năng lượng Nga có thể khiến châu u bị tổn hại trong ngắn hạn, còn Nga lại được hưởng lợi nhờ giá dầu tăng cao. Ngoài ra, việc EU thảo luận quá lâu về lệnh cấm cũng giúp Nga có thời gian tìm kiếm khách hàng mới.
Giới phân tích vẫn cho rằng lệnh cấm một phần dầu Nga vẫn là đòn giáng mạnh đối với kinh tế Nga.
Tuy nhiên, Nga cũng có những quân bài khác để đáp trả, làm giảm hiệu quả của lệnh cấm vận này. Ngay sau khi EU tuyên bố cấm vận một phần đối với dầu Nga, ông Mikhail Ulyanov, đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế có trụ sở tại Vienna, cho biết Nga sẽ tìm các nhà nhập khẩu dầu khác.
Nga cũng cho biết đã có những biện pháp đáp trả trước loạt lệnh trừng phạt dồn dập. Theo đó, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho hai công ty lớn của Hà Lan là GasTerra và công ty Oersted của Đan Mạch.
Đồng thời tập đoàn này cũng dừng việc vận chuyển dầu cho công ty năng lượng châu u Shell. Trước đó, Gazprom cũng đã "khóa van" dòng chảy khí đốt đến Bulgaria, Ba Lan và Phần Lan.