G7 ‘ra tay’: Siết dầu Nga, hàng giá rẻ Trung Quốc có nguy cơ bị áp thuế toàn cầu
Bộ trưởng Tài chính Canada Francois-Philippe Champagne cho biết, các quốc gia thuộc Nhóm G7 đã bắt đầu thảo luận về việc áp thuế đối với các mặt hàng Trung Quốc đang bị cáo buộc là dư thừa công suất và bán phá giá.
Tại cuộc họp báo khai mạc hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 diễn ra tại Banff (Alberta, Canada) hôm thứ Ba, ông Champagne nhấn mạnh, chương trình nghị sự lần này sẽ tập trung vào việc phối hợp hành động giữa các nước để xử lý tình trạng dư thừa nguồn cung và các thực tiễn phi thị trường – trong đó ám chỉ trực tiếp đến các mặt hàng giá rẻ từ Trung Quốc.
Trong thời gian qua, một số nền dân chủ lớn đã chỉ trích các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như Temu và Shein vì "làm ngập thị trường" bằng hàng hóa giá rẻ.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phản ứng bằng cách xóa bỏ quy định miễn thuế đối với các gói hàng nhỏ (de minimis), một chính sách từng cho phép các đơn hàng giá rẻ được vận chuyển vào Mỹ mà không chịu thuế nhập khẩu. Quy định này chính thức bị hủy bỏ từ đầu tháng 5.
Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất cho các đơn hàng nhỏ từ Trung Quốc, chiếm khoảng 25% trong tổng số 94 tỷ USD xuất khẩu loại hàng hóa này từ Trung Quốc trong năm ngoái, theo phân tích dựa trên số liệu hải quan.
Đáng chú ý, xuất khẩu sang Mỹ đã tăng vọt gần 30% trong tháng trước – khi người tiêu dùng tranh thủ đặt hàng trước khi mức thuế mới có hiệu lực.

Giới chức một số quốc gia lo ngại rằng sau khi cánh cửa Mỹ khép lại, các nhà xuất khẩu Trung Quốc có thể chuyển hướng những gói hàng này sang các thị trường khác, gây sức ép lên các nhà sản xuất và nhà bán lẻ nội địa.
Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét áp một mức phí cố định với các gói hàng nhỏ nhập vào khối, theo báo cáo của Financial Times. Trong khi đó, Pháp đã chủ động đề xuất chính sách này, còn Anh và Nhật Bản cũng đang cân nhắc các biện pháp tương tự.
Ukraine kêu gọi G7 siết trần giá dầu Nga
Cũng trong khuôn khổ hội nghị G7, một chủ đề khác được bàn đến là việc xem xét điều chỉnh trần giá dầu Nga – vốn được thiết lập ở mức 60 USD/thùng từ tháng 12/2022 nhằm hạn chế nguồn thu của Moscow trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine.
Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko cho biết, Kiev đang thúc đẩy G7 hạ mức trần này thêm nữa nhằm làm tổn thương nền kinh tế Nga nhiều hơn. "Đây là cơ hội tốt để điều chỉnh chính sách trần giá hiện tại," ông Marchenko nhấn mạnh.
Một số quốc gia châu Âu đã bày tỏ ủng hộ việc hạ trần giá, song lập trường của Mỹ vẫn chưa rõ ràng, đặc biệt sau cuộc điện đàm gây tranh cãi hôm thứ Hai giữa ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Trump gọi cuộc trò chuyện này là “rất tốt đẹp” và còn đề cập khả năng mở rộng thương mại quy mô lớn với Nga nếu chiến tranh kết thúc – một phát biểu khiến nhiều lãnh đạo châu Âu lo ngại vì có thể bị Nga lợi dụng như một thắng lợi về mặt tuyên truyền.
Trong khi đó, EU vừa phê duyệt một gói trừng phạt mới, nhắm vào các tàu chở dầu thuộc “hạm đội bóng tối” giúp Nga lách lệnh cấm vận. Tuy nhiên, để điều chỉnh mức trần giá dầu, G7 cần đạt được đồng thuận tuyệt đối.
Phản ứng trái ngược của lãnh đạo NATO và châu Âu về cuộc điện đàm Nga - Mỹ
Tỷ lệ người Mỹ tin ông Trump có thể giúp chấm dứt xung đột Nga - Ukraine