EU chia rẽ vì ý tưởng đưa quân gìn giữ hòa bình đến Ukraine
Các nguồn thạo tin cho biết, Liên minh châu Âu (EU) hiện vẫn chia rẽ về khả năng đưa quân gìn giữ hòa bình do phương Tây lãnh đạo tới Ukraine nếu Moscow - Kiev đạt lệnh ngừng bắn.
Tờ Times của Anh trích dẫn các nguồn tin quân sự và ngoại giao tiết lộ, Đức phản đối việc triển khai lực lượng hòa bình tới Ukraine một phần vì không muốn đưa ra cam kết trước cuộc bầu cử của nước này vào tháng 2.
Trong khi đó, các quốc gia vùng Baltic và Ba Lan, những nước ủng hộ Kiev mạnh mẽ nhất trong suốt cuộc xung đột, tỏ ra lo ngại việc thực hiện kế hoạch như vậy sẽ khiến tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phân tán sự tập trung và các nguồn lực khỏi việc phòng thủ của chính mình, khiến họ để lộ điểm yếu.
Anh, Pháp và các quốc gia Bắc Âu là những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình của phương Tây. Tuy nhiên, ngay cả ở những nước này, các quan chức cũng lo ngại EU sẽ không thể thực hiện hoạt động nếu không có sự tham gia của Mỹ.
Một nguồn tin ngoại giao châu Âu giải thích, sự tham gia của Mỹ là cần thiết vì "họ có những năng lực mà toàn bộ châu Âu không có", bao gồm cả "khả năng trả đũa ở quy mô lớn nếu cần". Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đây từng phát biểu, Washington không nên cử binh sĩ hoặc tài trợ cho sứ mệnh như vậy.
Cũng theo tờ Times, những người ủng hộ Kiev ở châu Âu cũng được cho cảm thấy "khó chịu" trước yêu cầu gần đây của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về "tối thiểu" 200.000 lính gìn giữ hòa bình, quân số mà riêng EU sẽ phải chật vật để cung cấp đủ.
Cho đến nay, Moscow nhất quyết bác bỏ ý tưởng về lực lượng gìn giữ hòa bình do phương Tây lãnh đạo ở Ukraine. Đầu tuần này, nhà ngoại giao cấp cao Nga Rodion Miroshnik cảnh báo, bất kỳ lực lượng quân sự nào tiến vào Ukraine mà không có sự đồng ý của Moscow sẽ bị coi là mục tiêu tấn công quân sự hợp pháp.
Ukraine thụt lùi 100 năm vì xung đột với Nga
Máy bay không người lái Ukraine tập kích nhà máy lọc dầu Nga