Fed ‘đứng im’, ECB giảm lãi suất tác động đến Việt Nam ra sao?

06-06-2024 22:57|Hoàng Hiếu

Thị trường tài chính đang nhận định ECB sẽ giảm lãi suất trong cuộc họp ngày 6/6. Trong khi đó, các dự báo lại cho rằng Fed sẽ bắt đầu đợt giảm lãi suất vào tháng 9/2024. Điều này làm dấy lên sự lo ngại của các chính sách NHTW lớn trên thế giới tác động đến Việt Nam.

ECB sẽ tiếp sức cho kinh tế eurozone

Ngày hôm nay 6/6/2024, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ họp và công bố chính sách lãi suất, thị trường hiện tại gần như tin chắc rằng ECB sẽ giảm lãi suất sau cuộc họp này.

Tuần trước, hãng tin Reuters thực hiện cuộc thăm dò 82 nhà kinh tế học cho thấy, tất cả các chuyên gia kinh tế đều dự đoán ECB sẽ cắt giảm lãi suất xuống 3,75% sau cuộc họp diễn ra vào ngày hôm nay, từ mức kỷ lục 4,0%.

Nếu đúng như kỳ vọng thị trường, ECB sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau gần 5 năm. Giới đầu tư kỳ vọng ECB sẽ thổi một “luồng sinh khí mới” vào thị trường bất động sản, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp và tiêu dùng.

Nhà kinh tế trưởng Holger Schmieding của ngân hàng Đức Berenberg nhận định “Lãi suất thấp hơn thực sự có ý nghĩa quan trọng. Thị trường tài chính biết rằng lãi suất sắp giảm, nhưng thông tin rằng ECB bắt đầu cắt giảm lãi suất sẽ thu hút cả sự quan tâm của các hộ gia đình và doanh nghiệp, giúp cải thiện tâm lý của họ”.

Fed “đứng im” ECB giảm lãi suất, tác động đến Việt Nam ra sao?
Chủ tịch ECB Christine Lagarde, nguồn: Internet

Đảo chiều chính sách tiền tệ của các NHTW lớn

Ngày 5/6, Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) giảm lãi suất cơ bản, trở thành ngân hàng trung ương đầu tiên trong nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ sau thời kỳ thắt chặt bắt đầu cách đây hơn 2 năm.

Đây cũng là lần cắt giảm đầu tiên của BOC trong vòng 4 năm trở lại đây, đồng thời, đánh dấu điểm đảo chiều sau 10 lần tăng lãi suất kể từ tháng 3/2022.

Trước Canada, một số ngân hàng trung ương (NHTW) của các nước phát triển cũng đã bắt đầu hạ lãi suất như NHTW Thụy Sĩ (SNB) và NHTW Thuỵ Điển đều cắt giảm lãi suất 0,25%.

Đối với Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), hiện tại, các dự báo đều cho rằng, đợt giảm lãi suất đầu tiên sẽ bắt đầu từ tháng 9/2024. Dù vậy, các nhà đầu tư chờ đợi một yếu tố bất ngờ có lợi cho thị trường, đến từ tuyên bố sau cuộc họp của Chủ tịch Fed về xu hướng lãi suất của Mỹ trong thời gian tới.

Trong tuần tới, Fed có cuộc họp vào ngày 13/6 tuy nhiên thị trường hiện nay đều nhận định Fed gần như chắc chắn sẽ giữ nguyên mức lãi suất điều hành hiện tại.

Nhiều kỳ vọng hồi đầu năm nay còn cho rằng Fed sẽ có 6 đến 7 lần hạ lãi suất điều hành trong cả năm 2024. Hay chỉ vài tháng trước, hầu hết các dự báo tin rằng Fed sẽ giảm lãi suất lần đầu tiên trong năm 2024 vào cuộc họp tháng 6.

Tác động đến Việt Nam

Nếu các dự báo về chính sách tiền tệ của Fed và ECB đúng thì đây sẽ là lần đầu tiên ECB hạ lãi suất trước Fed kể từ khi đồng tiền chung Châu Âu ra đời, qua nới rộng thêm chênh lệch lãi suất giữa Eurozone và Mỹ.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS cho rằng, “Trong trường hợp Fed trì hoãn hạ lãi suất, ECB và một số quốc gia khác vì sức ép tăng trưởng buộc phải hạ lãi suất sớm hơn, chênh lệch lãi suất sẽ nới rộng, qua đó có thể tác động đến tỷ giá, xu hướng dòng vốn và có thể ảnh hưởng phần nào đến diễn biến lạm phát tại từng quốc gia”.

Theo báo cáo mới nhất của CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), tỷ giá USD/VND tiếp tục chịu nhiều áp lực. KBSV cho rằng tỷ giá trong ngắn hạn vẫn sẽ chịu áp lực bởi các vấn đề về dòng ngoại tệ và chỉ số US Dollar Index (DXY) neo ở vùng cao.

KBSV đề cập việc thị trường đang kỳ vọng FeD sẽ hạ lãi suất vào tháng 9 với xác suất 51,3%, và có 2 đợt hạ trong năm nay. Mặc dù chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 1,5% trong tháng, tuy nhiên với kỳ vọng ECB hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 6, khả năng DXY sẽ tăng trở lại và gây thêm áp lực lên tỷ giá.

Trong khi đó, diễn biến trong nước trái chiều. Dòng ngoại tệ sẽ chịu nhiều áp lực do nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ sản xuất tăng cao, trong khi xuất khẩu tăng trưởng chậm.

Điểm tích cực là dòng vốn FDI vẫn ổn định, lũy kế 5 tháng giải ngân 8,25 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Chênh lệch giá vàng với thế giới cũng đã rút xuống còn 8-9 triệu đồng/lượng sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép SJC và 4 ngân hàng quốc doanh mua vàng từ NHNN và bán trực tiếp cho dân, giảm bớt áp lực nhập lậu vàng.

Theo đó, KBSV duy trì dự báo về mức tăng của tỷ giá là 3,5% trong năm 2024, tương ứng đạt 25.120 USD/VND. KBSV dự báo tỷ giá sẽ duy trì ở mức cao hiện tại cho đến khi các tín hiệu tích cực xuất hiện giúp tỷ giá hạ nhiệt vào cuối năm khi FeD thực hiện việc hạ lãi suất.

Fed “đứng im” ECB giảm lãi suất, tác động đến Việt Nam ra sao?
Nhiều đồng tiền mất giá so với USD, trong đó có VND, nguồn: Internet

Động thái của NHNN và dự báo vĩ mô sắp tới

Theo phân tích của bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB, lãi suất dần tăng trở lại sẽ khiến nhà đầu tư thận trọng hơn.

Trong tháng 5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng khoảng 181.700 tỷ đồng qua kênh thị trường mở (OMO) với lãi suất lên đến 4,25 - 4,5%/năm. Lãi suất liên ngân hàng tiệm cận mức 5%/năm. Lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại cũng bắt đầu tăng.

Bên cạnh đó, lạm phát trong tháng 5 tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,05% so với tháng 4. Bình quân 5 tháng đầu năm nay, lạm phát tăng 4,03%, lạm phát cơ bản tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng của lạm phát đang tiệm cận với mục tiêu kiểm soát năm 2024 được Quốc hội đưa ra ở mức 4 - 4,5%, có thể khiến Ngân hàng Nhà nước mạnh tay hơn trong việc điều hành chính sách tiền tệ để kiểm soát giá cả và lạm phát.

Theo KBSV, lãi suất liên ngân hàng sẽ quay trở lại quanh mức 4% do NHNN vẫn đang định hướng một mức nền lãi suất liên ngân hàng cao vừa đủ để hạn chế carry trade, ổn định tỷ giá.

Nền lãi suất liên ngân hàng tăng lên, cộng với thanh khoản hệ thống bớt dồi dào đã khiến các ngân hàng tăng lãi suất huy động trở lại, đặc biệt ở nhóm NHTM tư nhân.

Trong kịch bản tỷ giá không diễn biến quá xấu, dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng thêm do nhu cầu tín dụng kỳ vọng sẽ hồi phục vào cuối năm.

KBSV cho rằng mức tăng vẫn trong chừng mực kiểm soát và chưa thể tác động làm tăng lãi suất cho vay. Các ngân hàng vẫn sẽ tập trung đi theo định hướng hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, đồng thời việc giữ mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp cũng giúp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, vốn là ưu tiên của các ngân hàng ở thời điểm hiện tại.

>>Không suy thoái, kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ hạ cánh mềm

Giá vàng lao dốc: Người mua có phải 'ôm' cả thập kỷ mới hòa vốn?

Giá thép hôm nay 28/9: tiếp tục ghi nhận mức tăng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/fed-dung-im-ecb-giam-lai-suat-tac-dong-den-viet-nam-ra-sao-237722.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Fed ‘đứng im’, ECB giảm lãi suất tác động đến Việt Nam ra sao?
POWERED BY ONECMS & INTECH