Kinh tế Mỹ đón nhiều tin tức khả quan và có vẻ sẽ xảy ra một cuộc hạ cánh mềm.
Nhiều người cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ có một cuộc hạ cánh mềm, thậm chí là đã xảy ra, tùy thuộc vào nhận định của chuyên gia nào. Tuy nhiên, có vẻ như dữ liệu gần đây đã củng cố niềm tin lạc quan này.
Theo một bài đăng của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khu vực St. Louis Fed vào tháng 10, Cố vấn chính sách kinh tế Paulina Restrepo-Echavarria nhận thấy rằng mặc dù không có cách chính xác để xác định thế nào là hạ cánh mềm, nhưng một định nghĩa sơ bộ phù hợp là việc tăng lãi suất và cố gắng hạ nhiệt lạm phát nhưng không khiến tỷ lệ thất nghiệp lên cao và khiến tăng trưởng GDP ở mức âm.
Nhiều người cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ có một cuộc hạ cánh mềm |
Nhà kinh tế học tại Goldman Sachs Joseph Briggs nói với Business Insider rằng: “Việc tái cân bằng kinh tế mà chúng tôi nghĩ là cần thiết cách đây vài năm có vẻ như đã đạt được với điều kiện chúng ta tiếp tục đi theo lộ trình hiện tại. Tôi kỳ vọng rằng chúng ta sẽ ngày càng chuyển sang một môi trường kinh tế bình thường hơn, nơi tốc độ tăng trưởng ở mức bằng hoặc cao hơn một chút so với tiềm năng và lạm phát ở mức gần 2% trong vài tháng tới hoặc vài quý tới”.
Kiểm soát lạm phát trong khi tránh được kịch bản suy thoái kinh tế có thể là một tin tuyệt vời. Nick Bunker, Giám đốc nghiên cứu kinh tế khu vực Bắc Mỹ tại Indeed Hiring Lab, cho biết việc hạ cánh mềm sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, tránh được “một số khó khăn kinh tế thường xảy ra”.
>> ‘Nhấp nháy’ kỷ lục 400 phiên giao dịch, chỉ báo suy thoái hàng đầu phố Wall đã hỏng?
“Chìa khóa” từ thị trường lao động
Nền kinh tế đang gặp khó khăn vì thị trường lao động vẫn khá nóng và lạm phát vẫn ở mức cao.
Fed đã phản ứng với tình trạng lạm phát cao ngất trời cách đây vài năm bằng cách nhanh chóng tăng lãi suất và giữ chúng ở mức cao đó. Cuộc họp tiếp theo của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sẽ diễn ra vào tuần tới (11-12/6). Theo công cụ FedWatch CME, thị trường đang dự đoán rằng nhiều khả năng kịch bản lãi suất sẽ vẫn như dự đoán của họ.
Dữ liệu cho thấy thị trường lao động Mỹ không quá nóng, có nghĩa là Fed khó có thể quay lại tăng lãi suất nhưng vẫn để ngỏ khả năng cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay.
Đã có thêm 175.000 việc làm trong tháng 4. Tăng trưởng việc làm trong tháng 3 gần như lớn gấp đôi, với mức tăng 315.000. Những số liệu đó có thể được sửa đổi trong báo cáo sắp tới của Cục Thống kê Lao động Mỹ vào thứ 6.
Số việc làm mới hàng tháng tại Mỹ từ tháng 1/2022 đến tháng 4/2024 |
Dữ liệu việc làm mới được công bố hôm thứ 3 từ Cục Thống kê Lao động cho thấy chúng tiếp tục xu hướng giảm trong tháng 4, cho thấy kế hoạch tuyển dụng của các doanh nghiệp đang chậm lại.
Bunker cho biết: “Sự sụt giảm đáng kể về số việc làm trong tháng 4, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2 năm 2021 đã vẽ ra một bức tranh rõ ràng rằng thị trường việc làm về cơ bản đã trở lại trạng thái cân bằng trước đại dịch và đang trên đà hạ cánh nhẹ nhàng”.
Bunker nói thêm với Business Insider: “Trong hai năm qua, thị trường lao động Mỹ đã hạ nhiệt theo một cách tương đối dễ chịu: ít người chuyển việc hơn trong khi tỷ lệ sa thải vẫn ở mức thấp. Kết quả là tỷ lệ thất nghiệp đã ở mức dưới 4% trong hơn hai năm”.
Chỉ số PCE
Dữ liệu từ Cục Phân tích Kinh tế cho thấy mức tăng hàng năm của chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), một thước đo lạm phát ưa thích của Fed là 2,7% trong tháng 4. Tỷ lệ này có rất nhiều sự điều tiết, đặc biệt khi so sánh những thay đổi gần đây với những thay đổi được thấy vào năm 2022, một dấu hiệu “báo hiệu” một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng.
Biểu đồ chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) |
Tăng trưởng GDP
Tăng trưởng GDP cũng không âm. Lần gần đây nhất GDP thực tế của Mỹ thay đổi ở mức âm là vào quý II/2022. Điều này là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy Mỹ đang tránh được suy thoái kinh tế.
Chỉ số sản xuất ISM
Một điểm dữ liệu khác mà chúng ta có thể xem xét là chỉ số sản xuất ISM. UBS lưu ý trong một bài đăng mới rằng chỉ số này đã giảm nhiều hơn dự kiến trong tháng 5 “với cả số lượng đơn đặt hàng mới và các thành phần sản xuất đều giảm”.
Bài viết chỉ ra: “Điều này phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi về sự suy giảm dần dần trong tăng trưởng kinh tế Mỹ, điều này sẽ khiến Fed có thể bắt đầu nới lỏng chính sách vào cuối năm nay trong bối cảnh lạm phát đã hạ nhiệt”.
Mỹ có thể đã thực sự hạ cánh mềm
David Kelly, Giám đốc chiến lược toàn cầu tại J.P. Morgan Asset Management, tin rằng Mỹ đã hạ cánh mềm. Kelly nói: “Đối với tôi, hạ cánh mềm là khi tỷ lệ thất nghiệp về cơ bản đã giảm đạt đến mức độ toàn dụng lao động và lạm phát đang dần giảm xuống mức có thể chấp nhận được. Với báo cáo việc làm hôm thứ 6 tuần này, chúng tôi dự đoán sẽ có tháng thứ 30 liên tiếp tỷ lệ thất nghiệp ở mức bằng hoặc dưới 4%”. Ông cũng cho rằng kinh tế Mỹ có vẻ đã hạ cánh mềm trong khoảng thời gian qua dù vẫn tiếp tục tăng trưởng.
Jason Draho, người đứng đầu bộ phận phân bổ tài sản khu vực châu Mỹ của UBS Global Wealth Management, cho biết trong một lưu ý mới: “Sự khác biệt về quan điểm giữa các nhà đầu tư về triển vọng nền kinh tế Mỹ đang ngày càng nhỏ đi”.
Draho cho biết sự đồng thuận là "tăng trưởng đang chậm lại nhưng không rạn nứt, lạm phát vẫn dai dẳng nhưng xu hướng là hạ nhiệt và rào cản cắt giảm lãi suất của Fed ở mức thấp trong khi việc tăng lãi suất thực tế là không thể thực hiện được”. Ông nhấn mạnh về cơ bản là kinh tế Mỹ đã và đang hạ cánh mềm dù đôi khi có nhiễu loạn.