Tài chính Ngân hàng

FED sắp kết thúc chính sách tăng lãi suất

Trường Đặng 31/07/2023 - 21:42

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất thêm 0,25% lên mức 5,25- 5,5% tại kỳ họp ngày 26-27/7 vừa qua có thể là lần cuối cùng trong chu kỳ thắt chặt tiền tệ hiện hành.

DĐDN đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Hoàng Linh, giảng viên Đại học Nottingham, Vương quốc Anh, chuyên gia tài chính ngân hàng của Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) xung quanh vấn đề này.

- Nhiều ý kiến nhận định việc FED tăng lãi suất vào cuộc họp ngày 26-27/7 vừa qua có thể là lần cuối cùng của chu kỳ thắt chặt tiền tệ hiện nay. Quan điểm của Ông về vấn đề này như thế nào?

TS. Nguyễn Hoàng Linh

Dựa vào những phát biểu của Chủ tịch Jerome Powell trước đó, FED có khả năng phải tiến hành hai đợt tăng lãi suất nữa. Tức là sau đợt tăng lãi suất vào ngày 27/7 vừa qua, lãi suất của FED sẽ còn chứng kiến một đợt tăng nữa. Tuy nhiên, với những tín hiệu của thị trường, bao gồm CPI của Mỹ giảm mạnh hơn kỳ vọng, các chuyên gia kinh tế cho rằng tăng lãi suất vào cuộc họp tháng 7 này sẽ là lần tăng lãi suất cuối cùng của FED trong năm 2023.

Tôi cũng đồng tình với quan điểm này. Theo đó, FED sẽ duy trì mức lãi suất này trong một thời gian để đưa lạm phát dần về mức 2% như mục tiêu đề ra.

Trong trung hạn, dựa trên khảo sát từ các ngân hàng trung ương địa phương của Mỹ, tôi kỳ vọng bắt đầu từ năm 2024 - có thể là Quý I hoặc Quý II/2024 - FED sẽ bắt đầu phải giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, động thái này sẽ dừng ở mức giảm nhẹ để “thăm dò” phản ứng của nền kinh tế.

- Nhiều chuyên gia thế giới nhận định FED sẽ thay đổi mức lạm phát mục tiêu để sớm nới lỏng tiền tệ. Ông đánh giá sao về việc này?

Theo tôi, FED vẫn sẽ trung thành với mức mục tiêu 2% đã đề ra. CPI tháng 6 của Mỹ đã giảm xuống mức 3% nhưng thái độ của FED vẫn khá thận trọng. Họ sẽ không dễ dàng thay đổi mục tiêu.

Trên thực tế, FED hoàn toàn có khả năng đưa lạm phát Mỹ về 2% nếu tiếp tục duy trì mức lãi suất cao. Tất nhiên, điều này sẽ cần thời gian. Đa số các chuyên gia đồng tình rằng FED sẽ không thể hạ lạm phát xuống 2% trước năm 2025. Một số ý kiến nhận định rằng, bắt đầu từ 2025 thì những kịch bản lạc quan mới có thể xuất hiện.

Ngoài ra, tôi cho rằng FED sẽ không bao giờ tuyên bố công khai về việc thay đổi lạm phát mục tiêu. Bởi lạm phát bị ảnh hưởng rất nhiều bởi kỳ vọng thị trường, nên nếu lãnh đạo cơ quan này tuyên bố tăng mức lạm phát mục tiêu, sẽ gây ra xáo trộn tâm lý thị trường và đẩy lạm phát lên cao hơn nữa.

Thay vào đó, họ vẫn sẽ tuyên bố duy trì mức lạm phát mục tiêu 2%, trong khi vừa điều hành bằng chính sách vừa quan sát phản ứng của thị trường.

 Dự báo của các chuyên gia kinh tế về lộ trìnhp/tăng lãi suất của FED.

- Đợt tăng lãi suất dự kiến lần này của FED sẽ tác động ra sao đến chính sách tiền tệ của Việt Nam trong thời gian tới, thưa ông?

Việt Nam đang theo một xu hướng rất khác với thế giới là hạ lãi suất cơ bản. Từ đầu năm 2023 tới nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thực hiện 4 lần giảm lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1,5 – 2 %/năm.

Điều này dựa trên thực tế là tình hình kinh tế Việt Nam tốt hơn rất nhiều so với tình hình chung của thế giới. Trước hết đó là lạm phát được duy trì ở mức thấp. Thứ hai là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn khá tốt. Dù không bằng mức trung bình trong giai đoạn vừa qua, thì GDP Việt Nam trong năm nay vẫn được dự báo vào khoảng 5,8% - mức cao so với mặt bằng chung của thế giới.

Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, Việt Nam không nên tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới. Chúng ta nên dừng ở đây và quan sát các tác động của chính sách nới lỏng tiền tệ lên thị trường.

Lý do thứ nhất, chính sách lãi suất của ngân hàng trung ương luôn cần thời gian để tạo ra tác động đến nền kinh tế, nhanh nhất là khoảng một năm hoặc lâu hơn là 2 năm. Trong ba tháng vừa qua, NHNN đã liên tục giảm lãi suất cơ bản để hỗ trợ tín dụng cho nền kinh tế. Cho nên, điều cần thiết hiện nay là đánh giá phản ứng của nền kinh tế.

Lý do thứ hai, hiện nay lãi suất cơ bản của Việt Nam đang ở mức rất thấp – 4,5%. Trong khi đó, lãi suất của FED đang ở 5,25-5,5%.

Như vậy, thực tế trên sẽ dẫn tới xu hướng nhà đầu tư và đầu cơ trên thế giới sẽ vay tiền Đồng Việt Nam, để mua USD rồi gửi tại Mỹ để hưởng lãi suất cao hơn. Đó là điều dễ hiểu khi vị thế của tiền Đồng khó có thể sánh được với đồng USD.
Như vậy, nếu NHNN tiếp tục giảm lãi suất, xu hướng này sẽ càng diễn ra mạnh hơn và khiến NHNN phải tốn rất nhiều nguồn lực để duy trì tỷ giá hối đoái ở mức ổn định.

Chúng ta cũng không nên tăng lãi suất ở thời điểm này vì tính ổn định trong chính sách là một yếu tố rất quan trọng, không thể tăng/giảm tùy tiện. Do đó, theo tôi chính sách hợp lý nhất của Việt Nam hiện nay là duy trì lãi suất ở mức hiện tại và quan sát phản ứng của nền kinh tế.

Một yếu tố khác cũng giúp Việt Nam không chịu áp lực tăng lãi suất là FED nhiều khả năng sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ vào năm tới. Do đó, không nhất thiết Việt Nam phải có sự điều chỉnh liên tục lãi suất vào lúc này.

- Xin cảm ơn ông!

Quan chức ECB: Chiến thắng của ông Donald Trump sẽ ‘giáng đòn’ mạnh vào kinh tế châu Âu và có thể khiến Fed tăng lãi suất một lần nữa

Biên bản cuộc họp được công bố: Không tự tin cắt giảm, Fed thậm chí có thể sẵn sàng tăng lãi suất

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/fed-sap-ket-thuc-chinh-sach-tang-lai-suat-248053.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    FED sắp kết thúc chính sách tăng lãi suất
    POWERED BY ONECMS & INTECH