Tài chính Ngân hàng

Finhay đã có lãi sau giai đoạn ‘đốt tiền’, cán mốc 1,5 tỷ USD giá trị giao dịch

Khương Lê 15/04/2025 12:13

Trong bối cảnh nhiều startup fintech tại Việt Nam vẫn tiếp tục “đốt tiền” để giành thị phần, Finhay là ví dụ hiếm hoi về một nền tảng công nghệ tài chính nội địa đạt lợi nhuận thực sự.

Sau gần 8 năm hiện diện trên thị trường, Finhay đã vượt qua giai đoạn khởi nghiệp đầy thử thách để trở thành một trong những nền tảng fintech quản lý tài sản cá nhân phổ biến tại Việt Nam. Được thành lập năm 2017 với sản phẩm duy nhất là chứng chỉ quỹ, Finhay hiện cung cấp đầy đủ các giải pháp tài chính như tích lũy, giao dịch vàng, cổ phiếu, cho vay ký quỹ…

Việc không ngừng mở rộng dịch vụ giúp Finhay thu hút hơn 3,3 triệu người dùng, trong đó có hơn 300.000 tài khoản đầu tư hoạt động thường xuyên, theo báo cáo của CTCP Chứng khoán Thiên Việt (TVS). Số liệu này cho thấy mức tăng trưởng mạnh mẽ so với chỉ 600 người dùng vào cuối năm 2017 – theo chia sẻ của CEO Finhay - ông Nghiêm Xuân Huy tại thời điểm đó.

Bước vào "thời kỳ hái quả"

Theo TVS, năm 2024, nền tảng này đã đạt những con số ấn tượng: tổng tài sản quản lý hơn 230 triệu USD, giá trị giao dịch hơn 1,5 tỷ USD (gần 39.000 tỷ đồng), giá trị cho vay ký quỹ hơn 120 triệu USD, và doanh thu hơn 15 triệu USD (khoảng 389 tỷ đồng).

Con số giá trị giao dịch hơn 1,5 tỷ USD khá ấn tượng khi mới bắt đầu, Finhay đánh vào nhóm khách hàng trẻ, thu nhập trung bình – khá, với những khẩu hiệu ấn tượng như “đầu tư chỉ từ 50.000 đồng”. Cùng với sự mở rộng danh mục sản phẩm, đến nay, tập khách hàng của Finhay cũng dần “trưởng thành”, sẵn sàng rót vốn 100 triệu đồng và chủ động thao tác đầu tư.

Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp Finhay đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt là việc doanh nghiệp đã có lãi trong hai năm tài chính gần nhất sau quãng thời gian dài thua lỗ.

Trước đó, từ năm 2017 đến 2021, Finhay liên tục ghi nhận thua lỗ. Cụ thể, Finhay lỗ sau thuế 10 triệu đồng năm 2017; 144 triệu đồng năm 2018; gần 5 tỷ đồng năm 2019; 21 tỷ đồng năm 2020 và gần 63 tỷ đồng trong năm 2021.

Trong một bài phỏng vấn với truyền thông, CEO Nghiêm Xuân Huy từng chia sẻ, thời gian đầu, công ty chủ động chấp nhận lỗ để mở rộng thị phần, tuy nhiên đến hiện tại đã “hái quả ngọt”.

Ở một cuộc trò chuyện khác với truyền thông vào cuối năm 2024, ông Huy cho biết lợi nhuận hiện tại của công ty "tương đương với các công ty chứng khoán top 10 thị trường", đồng thời đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 20% năm tới (2025).

Finhay đã có lãi sau giai đoạn ‘đốt tiền’, cán mốc 1,5 tỷ USD giá trị giao dịch
Ảnh minh họa (VNN)

Cú hích từ thương vụ mua lại công ty chứng khoán

Một trong những bước ngoặt lớn đưa Finhay chuyển mình là thương vụ mua lại Công ty Chứng khoán Vina (VNSC) vào năm 2022. Sau thương vụ này, Finhay nhận được khoản đầu tư 25 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B, do Openspace Ventures (OSV) dẫn dắt – quỹ từng nâng đỡ nhiều startup công nghệ nổi bật tại Đông Nam Á như Gojek, Finnomena...

Trên thực tế, Finhay đã giới thiệu sản phẩm đầu tư chứng khoán từ đầu tháng 11/2021 và nhanh chóng thu hút sự quan tâm của người dùng. Tuy nhiên, đến năm 2022, ứng dụng này – cùng với một số nền tảng khác – đã bị cơ quan quản lý “tuýt còi”.

Cụ thể, ngày 5/10/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phát đi khuyến cáo cho biết, thời gian gần đây, một số doanh nghiệp, trong đó có Finhay đã triển khai các website và ứng dụng giao dịch, đồng thời sử dụng công cụ truyền thông, báo chí để quảng bá sản phẩm, dịch vụ nhằm huy động vốn từ nhà đầu tư thông qua hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh. Những hoạt động này có dấu hiệu liên quan đến quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán – lĩnh vực mà các doanh nghiệp nói trên chưa được UBCKNN cấp phép và giám sát theo quy định pháp luật.

Trong bối cảnh đó, việc mua lại công ty chứng khoán giúp Finhay sở hữu giấy phép kinh doanh chứng khoán và mở rộng nghiệp vụ một cách chính thống, qua đó chuyển mình thành tổ chức tài chính số toàn diện.

Trong lĩnh vực môi giới chứng khoán, CEO Nghiêm Xuân Huy từng cho biết, thay vì đi theo mô hình CTCK truyền thống với trọng tâm là môi giới, IB hay trái phiếu, VNSC by Finhay theo đuổi hướng tiếp cận đông đảo người dùng với phí chỉ 0,1% trên mỗi giao dịch.

Ngoài ra, doanh thu còn đến từ hợp tác quỹ và cho vay margin hướng tới số đông với biên lợi nhuận mục tiêu từ 1,5–2,3%.

“Thế mạnh công nghệ là yếu tố cốt lõi nhất trong định vị của Finhay. Công ty liên tục đổi mới các sản phẩm tài chính và nền tảng kỹ thuật số của mình”, báo cáo của TVS – một trong những nhà đầu tư đã “rót” 5 triệu USD vào Finhay nhận định.

Mô hình “Digital-first” cũng là lợi thế cạnh tranh đáng kể của Finhay – một yếu tố giúp công ty tiết kiệm thời gian chuyển đổi số, đào tạo nhân sự và vận hành linh hoạt hơn hẳn các đơn vị truyền thống.

>> Ví điện tử MoMo có bao nhiêu người dùng?

Cuộc cách mạng định hình tương lai: Doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng cho AI, Blockchain và Fintech?

Fintech Thụy Điển mở rộng vào Việt Nam, thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/finhay-da-co-lai-sau-giai-doan-dot-tien-can-moc-15-ty-usd-gia-tri-giao-dich-286745.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Finhay đã có lãi sau giai đoạn ‘đốt tiền’, cán mốc 1,5 tỷ USD giá trị giao dịch
    POWERED BY ONECMS & INTECH