Fitch Ratings hạ triển vọng kinh tế Trung Quốc xuống tiêu cực
Dù Trung Quốc đang nỗ lực tăng trưởng kinh tế, tổ chức xếp hạng tín dụng nổi tiếng thế giới Fitch Ratings vẫn cảnh báo những rủi ro dành cho đất nước tỷ dân này.
Vượt khó sau đại dịch, Trung Quốc vẫn bị Fitch “giáng đòn đau”
Theo hãng thông tấn Reuters, hôm 10/4, Fitch Ratings (Fitch) đã hạ triển vọng xếp hạng tín dụng quốc gia của Trung Quốc xuống mức tiêu cực với lý do rủi ro đối với tài chính công khi nền kinh tế nước này phải đối mặt với sự bất ổn ngày càng tăng trong quá trình chuyển đổi sang các mô hình tăng trưởng mới.
Hôm 10/4, Fitch Ratings vừa hạ mức tín nhiệm đối với Trung Quốc |
Fitch Ratings là một trong ba “ông lớn xếp hạng tín dụng” hàng đầu thế giới, bên cạnh Moody’s và Standard & Poor’s. Công ty có trụ sở tại New York (Mỹ) cũng là một trong ba tổ chức xếp hạng thống kê được công nhận trên toàn quốc (NRSRO) được chỉ định bởi Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ năm 1975.
Việc hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Fitch với Trung Quốc diễn ra sau một động thái tương tự của Moody's vào tháng 12 năm 2023 và diễn ra khi Bắc Kinh tăng cường nỗ lực thúc đẩy sự phục hồi yếu ớt sau đại dịch Covid-19 ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bằng sự hỗ trợ tài chính và tiền tệ.
Gary Ng, chuyên gia kinh tế cấp cao của Natixis Châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Bản điều chỉnh triển vọng của Fitch phản ánh tình hình thách thức hơn trong tài chính công của Trung Quốc liên quan đến nguy cơ tăng trưởng chậm lại và nợ nhiều hơn”.
“Điều này không có nghĩa là Trung Quốc sẽ sớm vỡ nợ, nhưng có thể thấy sự phân cực tín dụng ở một số phương tiện tài trợ của chính quyền địa phương, đặc biệt là khi chính quyền cấp tỉnh nhận thấy sức khỏe tài chính trở nên yếu hơn”, ông Gary Ng cảnh báo.
Một góc hoa lệ của thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) |
Fitch dự đoán thâm hụt chung của Chính phủ Trung Quốc (bao gồm cơ sở hạ tầng và hoạt động tài chính chính thức khác ngoài ngân sách chung) sẽ tăng lên mức 7,1% GDP vào năm 2024 từ mức 5,8% vào năm 2023. Đây là mức thâm hụt cao nhất kể từ mức 8,6% vào năm 2020, khi chính sách của chính quyền Bắc Kinh liên quan đến các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt do dịch bệnh Covid-19 đã đè nặng lên nền kinh tế “siêu cường” này.
GDP tăng trưởng và “mặt trái của sự thật”
Mặc dù Fitch hạ mức xếp hạng tín dụng của mình với Trung Quốc xuống triển vọng tiêu cực từ mức “ổn định”, cho thấy việc hạ cấp có thể xảy ra trong trung hạn, nhưng cơ quan này vẫn khẳng định rằng mức xếp hạng vỡ nợ của đất nước tỷ dân vẫn ở mức “A+”.
S&P, một cơ quan xếp hạng toàn cầu lớn khác, cũng xếp hạng Trung Quốc ở mức A+, tương đương với mức A1 của Moody’s.
Fitch dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm xuống 4,5% vào năm 2024 từ mức 5,2% của năm ngoái, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán GDP của Trung Quốc sẽ tăng 4,6% trong năm nay.
Cảnh báo xếp hạng được đưa ra bất chấp những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang dần hồi phục.
Sản lượng của các nhà máy và doanh số bán lẻ của quốc gia này vẫn đứng đầu thế giới theo dự báo trong tháng 1 và tháng 2 vừa qua, kéo theo đó là các chỉ số xuất khẩu và lạm phát tiêu dùng cũng tốt hơn mong đợi.
Những cơ sở dữ liệu đó đã khơi dậy hy vọng của chính quyền Bắc Kinh rằng họ có thể đạt được mục tiêu mà các nhà phân tích mô tả là mục tiêu tăng trưởng GDP đầy tham vọng khoảng 5,0% trong năm nay.
Fitch cho biết: “Việc điều chỉnh triển vọng phản ánh rủi ro ngày càng tăng đối với triển vọng tài chính công của Trung Quốc khi nước này phải đối mặt với triển vọng kinh tế không chắc chắn hơn trong bối cảnh chuyển đổi từ tăng trưởng dựa vào tài nguyên sang mô hình mà Chính phủ coi là mô hình tăng trưởng bền vững hơn”.
“Thâm hụt tài chính trên diện rộng và nợ Chính phủ gia tăng trong những năm gần đây đã làm xói mòn vùng đệm tài chính từ góc độ xếp hạng. Rủi ro trách nhiệm pháp lý tiềm ẩn cũng có thể gia tăng, vì tăng trưởng trên danh nghĩa ở mức thấp hơn làm trầm trọng thêm những thách thức trong việc quản lý đòn bẩy tài chính trên toàn bộ nền kinh tế quốc gia”.
Theo Reuters, Trung Quốc có kế hoạch giữ thâm hụt ngân sách ở mức 3% sản lượng kinh tế, giảm so với mức điều chỉnh 3,8% vào năm ngoái. Điều quan trọng là họ có kế hoạch phát hành 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (138,3 tỷ USD) trái phiếu kho bạc siêu dài hạn đặc biệt, vốn không được đưa vào ngân sách quốc gia.
Hạn ngạch phát hành trái phiếu đặc biệt cho chính quyền địa phương được đặt ở mức 3,9 nghìn tỷ nhân dân tệ, tăng so với con số 3,8 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2023.
Theo báo cáo của Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia (NIFD) vào tháng 1, tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục mới 287,8% vào năm 2023, cao hơn 13,5 điểm % so với một năm trước đó.
Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết sau thông báo này rằng họ lấy làm tiếc về quyết định xếp hạng của Fitch, đồng thời cam kết sẽ thực hiện các bước đi để ngăn chặn và giải quyết rủi ro từ các khoản nợ của chính quyền địa phương.
Bộ này cho biết trong một tuyên bố: “Về lâu dài, việc duy trì quy mô thâm hụt vừa phải và tận dụng tốt các quỹ nợ có giá trị sẽ có lợi cho việc mở rộng nhu cầu trong nước, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và cuối cùng là duy trì tín dụng quốc gia tốt”.
Moody's hồi tháng 12 đã đưa ra cảnh báo hạ xếp hạng tín dụng của Trung Quốc, với lý do nước này tiêu tốn chi phí lớn để giải cứu chính quyền địa phương và các công ty Nhà nước cũng như kiểm soát cuộc khủng hoảng tài sản của nước này. Câu hỏi được đặt ra tiếp theo là liệu Chính phủ nước này sẽ hành động ra sao để lấy lại niềm tin từ Fitch và cả người dân của họ.
>> Morgan Stanley: Ấn Độ sẽ không thể theo kịp mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc