FPT chi 8.500 tỷ đồng cho AI và hạ tầng số, dự lãi năm 2025 cao kỷ lục
FPT công bố kế hoạch đầu tư lớn nhất từ trước đến nay, trong đó 6.000 tỷ đồng dành riêng cho AI và trung tâm công nghệ.
Chiều ngày 15/4, Tập đoàn FPT (HoSE: FPT) đã tổ chức ĐHCĐ thường niên tại số 10 Phạm Văn Bạch, TP. Hà Nội.
Năm 2025, FPT đặt mục tiêu doanh thu đạt 75.400 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2024; lợi nhuận trước thuế 13.395 tỷ đồng, tăng 21%. Nếu hoàn thành, đây tiếp tục là mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục mới của doanh nghiệp đầu ngành công nghệ Việt Nam và sẽ là năm thứ 5 liên tiếp tăng trưởng trên 20%/năm.

Doanh nghiệp dự kiến chi 11.000 tỷ đồng đầu tư mở rộng trong năm 2025, tập trung vào các lĩnh vực chiến lược. Trong đó, khối công nghệ nhận 6.000 tỷ đồng để mở rộng tổ hợp văn phòng tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM, Quy Nhơn và xây dựng Nhà máy AI tại Việt Nam và Nhật Bản; khối viễn thông đầu tư 2.500 tỷ đồng để nâng cấp hạ tầng, mở rộng trục cáp chính, cáp biển và phát triển trung tâm dữ liệu; khối giáo dục, đầu tư và khác nhận số còn lại để mở rộng khuôn viên các đại học và thành lập cơ sở đào tạo tại nhiều tỉnh, thành.
![]() |
CEO FPT Smart Cloud Lê Hồng Việt cập nhật công nghệ AI và điện toán đám mây - hai mảng chính của đơn vị cho các cổ đông |
Về chiến lược con người, FPT cam kết đào tạo 50.000 kỹ sư AI và cung cấp kỹ năng, kiến thức về AI cho 500.000 nhân lực vào năm 2030. Hai nhà máy AI tại Việt Nam và Nhật Bản sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2025 giúp gia tăng năng lực tính toán trong nghiên cứu và cung ứng các dịch vụ AI. Công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu đầu tư thêm các trung tâm dữ liệu, nhà máy AI tại Việt Nam và các nước với mục tiêu đi đầu về năng lực tính toán trong khu vực.
Về kế hoạch trả cổ tức, FPT sẽ trả cổ tức năm 2024 bằng tiền theo tỷ lệ 20%. Công ty đã tạm ứng một nửa trong năm 2024, số còn lại dự kiến được trả vào quý II năm nay.
Đồng thời, FPT dự định phát hành hơn 222 triệu cổ phiếu để thưởng cho cổ đông theo tỷ lệ 15%. Sau phát hành, vốn điều lệ của FPT dự kiến tăng từ 14.711 tỷ đồng lên 16.933 tỷ đồng.
Ngoài ra, FPT trình cổ đông phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) giai đoạn 2026 - 2030 cho cán bộ quản lý cấp cao. Tổng tỷ lệ phát hành không quá 1% trong vòng 5 năm và bị hạn chế chuyển nhượng 10 năm.
Nghị định 57 - cơ hội để tăng trưởng
Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Khoa đánh giá cao Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ông Khoa cho rằng đây là cơ hội để FPT phát triển.
Đối với thị trường nước ngoài, FPT đang tập trung vào các khách hàng lớn với những hợp đồng có giá trị từ hàng chục đến hàng trăm triệu USD. Chỉ trong tháng trước, trong chuyến công tác của Tổng Bí thư Tô Lâm, FPT đã ký kết hợp đồng trị giá 67 triệu USD với doanh nghiệp của Indonesia.
Chiều nay, Chủ tịch Trương Gia Bình cũng sẽ có buổi gặp gỡ với Bộ trưởng phụ trách khu vực phía Bắc Indonesia và các doanh nghiệp lớn tại đây. FPT kỳ vọng sẽ mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục và bán dẫn.
Bên cạnh đó, FPT cũng đang đầu tư vào lĩnh vực Internet of Things (IoT), đặc biệt là các giải pháp IoT dành cho khối Chính phủ và các nước trong khu vực.
"Nhiều người cũng thắc mắc liệu việc triển khai Internet vệ tinh như Starlink có ảnh hưởng đến hoạt động của chúng tôi hay không Xin khẳng định, không có ảnh hưởng gì, bởi những dịch vụ đó chủ yếu phục vụ cho vùng sâu vùng xa, trong khi dịch vụ của FPT hướng đến nhóm khách hàng có yêu cầu cao về tốc độ và chất lượng" - CEO FPT chia sẻ về việc công ty của tỷ phú Elon Musk đầu tư vào Việt Nam.
Trả lời cổ đông xoay quanh mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh đầy biến động, Chủ tịch Trương Gia Bình chia sẻ: “Đúng là thế giới đang trong giai đoạn khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 20%. Đây không chỉ là con số, mà là động lực thể hiện quyết tâm phải hành động.”
Ông Bình cho biết FPT luôn nhìn nhận các biến động toàn cầu dưới góc độ “nguy” trong “nguy cơ”, từ đó chủ động tìm cơ hội. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhiều quốc gia và doanh nghiệp quốc tế buộc phải dịch chuyển khỏi Trung Quốc, kéo theo sự thiếu hụt lực lượng lao động quy mô lớn. Đây chính là cơ hội để FPT mở rộng hiện diện tại các thị trường như Thẩm Quyến (Trung Quốc) - nơi các Tập đoàn lớn đang tìm kiếm đối tác công nghệ đáng tin cậy.
“Khi chiến tranh thương mại xảy ra, ai cũng bảo là khó. Nhưng trong cái khó, vẫn có rất nhiều việc phải làm. Hệ thống IT vẫn phải vận hành, vẫn phải làm tốt – thậm chí tốt hơn trước, với cái giá có khi chỉ bằng một nửa”, ông Bình nhấn mạnh.
Theo ông, việc liên tục suy nghĩ về thách thức sẽ thúc đẩy hành động liên tục và chính điều này tạo nên động lực để FPT hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 20% trong điều kiện kinh tế toàn cầu đầy biến động.
Trước câu hỏi tiếp theo của cổ đông về kế hoạch phát triển tại thị trường Trung Đông, Phó Tổng Giám đốc Phạm Minh Tuấn cho biết: “Trung Đông là một trong những thị trường được ưu tiên đầu tư của FPT trong mấy năm vừa qua, không chỉ hiện diện tại Saudi Arabia mà còn ở Dubai. Đây là thị trường “nhiều tiền, ít người” nên không chỉ hấp dẫn với Việt Nam mà còn Ấn Độ, Mỹ, châu Âu. FPT đã đầu bao năm nay và doanh số đã lên đến triệu USD. Để vào được thị trường này, mình phải hiểu về văn hoá và có những mối quan hệ cấp cao nhất. Sắp tới, FPT sẽ có những hợp tác quy mô lớn về cả về AI, Data center tại thị trường này”.
>> FPT cất nóc dự án tổ hợp giáo dục hơn 23.000m2 tại Bình Định
FPT Long Châu lên tiếng bác bỏ tin đồn bán thuốc giả, đề nghị Công an vào cuộc
FPT rót 3 triệu USD cho AI Startup, mở đường ra thị trường toàn cầu