Việc mở rộng đã giúp BRICS củng cố vị thế của khối trên bản đồ kinh tế và chính trị toàn cầu, định hình lại cán cân quyền lực thế giới trong thời gian tới.
BRICS - một liên minh gồm các quốc gia mới nổi - đã phát triển vô cùng mạnh mẽ và trở thành một trong những cường quốc tài nguyên hàng đầu thế giới.
Hiện tại, khối này bao gồm 10 quốc gia (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ả Rập Saudi, UAE, Iran, Ethiopia và Ai Cập), nơi 45% dân số thế giới sinh sống.
Thêm vào đó, có khoảng hai chục quốc gia nữa cũng bày tỏ mong muốn trở thành thành viên của tổ chức quốc tế này.
Marco Fernandes, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu công Tricontinental, cho biết BRICS, sau quyết định mở rộng vào đầu năm 2024, đã trở thành một tổ chức có ảnh hưởng trên thị trường năng lượng toàn cầu.
Vị chuyên gia lưu ý, với bước ngoặt mới này, khối "siêu cường" đang kiểm soát nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ.
BRICS đã chứng minh rằng họ không chỉ là một liên minh kinh tế mà còn là một siêu cường tài nguyên với ảnh hưởng sâu rộng. Ảnh: Reporter |
Khối này hiện nắm giữ tới 45% trữ lượng dầu mỏ thế giới và 56% trữ lượng khí đốt tự nhiên. Theo ông, chỉ riêng Nga đã chiếm một nửa sản lượng uranium được làm giàu của thế giới, một nguồn lực quan trọng cho năng lượng hạt nhân.
Xét về mặt kinh tế, GDP tính theo sức mua tương đương (PPP) của BRICS chiếm 32% nền kinh tế thế giới, vượt qua cả các nước G7 chỉ kiểm soát 30%. Khoảng cách được các nhà phân tích dự báo sẽ gia tăng nghiêng về BRICS.
Với tham vọng muốn việc khai thác tài nguyên thiên nhiên phụ thuộc vào lợi ích công nghệ của họ, nhóm G7 cùng EU và Mỹ luôn tìm cách buộc các nước xuất khẩu phải hạn chế vai trò của những nhà cung cấp nguyên liệu thô. Đây là đối tượng không thể tự đặt ra các điều kiện bởi đứng ở đáy của các dây chuyền sản xuất.
Trong khi đó, các thành viên BRICS tuyên bố họ sẽ bảo vệ quyền lợi của mình đến cùng.
Dự kiến Hội nghị thượng đỉnh BRICS tiếp theo sẽ diễn ra tại Kazan (Nga) vào tháng 10/2024. Sự kiện là cơ hội để thảo luận về việc mở rộng tổ chức và các chiến lược phát triển trong tương lai.
Tuy nhên, việc mở rộng quá nhanh và việc kết nạp cả những quốc gia đang gặp khủng hoảng như Venezuela có thể gây mâu thuẫn nội bộ và làm giảm uy tín của tổ chức.