Ga Đà Nẵng hơn 100 năm tuổi sắp di dời: Tổng công ty Đường sắt nói gì?
Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng cố tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa gửi văn bản đến Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) để tham gia ý kiến về phương án đầu tư dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng do UBND TP. Đà Nẵng đề xuất.
Theo đề xuất của UBND TP. Đà Nẵng, dự án sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn.
Ở giai đoạn đầu, ga hành khách mới sẽ được xây dựng tại vị trí cạnh Hồ Trung Nghĩa, nhằm thay thế ga Đà Nẵng hiện tại, trong khi ga hàng hóa sẽ được di dời về ga Kim Liên.
Giai đoạn tiếp theo sẽ tập trung vào việc khai thác và tận dụng kết cấu hạ tầng đường sắt đã đầu tư để phục vụ nhu cầu vận tải hành khách và tối ưu hóa hiệu quả đầu tư.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thống nhất với đề xuất của UBND TP. Đà Nẵng về quy mô đầu tư. Tuy vậy, có đề nghị khi nâng cấp ga hàng hóa Kim Liên và xây dựng đường sắt kết nối xuống cảng Liên Chiểu, cần đảm bảo tuyến đường sắt tiếp cận được tới mép cảng, như đã nêu trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Điều này nhằm đảm bảo việc khai thác, xếp dỡ, và chuyển tải hàng hóa giữa đường sắt và đường biển diễn ra thuận lợi và hiệu quả.
Về thiết kế ga hàng hóa Kim Liên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất rà soát để đảm bảo thống nhất với nội dung quy hoạch ga Kim Liên, thuộc Quy hoạch một số ga đường sắt quốc gia trong đô thị, ga đầu mối, và ga liên vận quốc tế do Bộ GTVT đang triển khai.
Đồng thời, UBND TP. Đà Nẵng cần xem xét lại quy mô và phạm vi đường lánh nạn, đảm bảo an toàn tại ga, cũng như diện tích mặt bằng để xây dựng cơ sở chỉnh bị và sửa chữa đầu máy, toa xe nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải đường sắt trong tương lai.
Đối với ga hành khách mới tại Hồ Trung Nghĩa, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đề nghị UBND TP. Đà Nẵng xem xét bố trí trạm chỉnh bị đầu máy và toa xe tàu khách để phục vụ các tác nghiệp kỹ thuật, đồng thời cần kiểm toán năng lực thiết kế của ga, đặc biệt khi lượng tàu khách tăng cao.
>> Thành phố đáng sống nhất sẽ là 1 trong 3 trung tâm vi mạch bán dẫn lớn của Việt Nam
Trước đó, vào đầu tháng 8/2024, UBND TP. Đà Nẵng đã đề nghị Bộ GTVT đóng góp ý kiến về nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án di dời ga Đà Nẵng để hoàn thiện và báo cáo cấp có thẩm quyền.
Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án di dời ga Đà Nẵng sẽ được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 giữ nguyên hướng tuyến đường sắt hiện tại, trong khi nhánh đường sắt từ ga Thanh Khê sẽ được chuyển đổi thành đường sắt đô thị. Nhà ga hành khách mới sẽ được xây dựng cách ga Đà Nẵng hiện hữu khoảng 4,2 km tại khu vực Hồ Trung Nghĩa, với diện tích khoảng 3.000 m² và cao 10 tầng.
Dự án cũng sẽ xây dựng quảng trường nhà ga kết hợp với công viên hồ Tây, cùng với nâng cấp ga Kim Liên thành ga khu đoạn với công suất xếp dỡ khoảng 500.000 tấn/năm. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 của dự án là 2.293 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 781 tỷ đồng và chi phí xây dựng, thiết bị khoảng 1.190 tỷ đồng.
Giai đoạn 2 của dự án sẽ di dời tuyến ga và đường sắt khu vực TP. Đà Nẵng theo quy hoạch, trong đó sẽ xây dựng ga hành khách mới tại xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, bao gồm ga đường sắt quốc gia và ga đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Chi phí ước tính cho giai đoạn 2 là 3.812 tỷ đồng, đưa tổng chi phí của cả dự án lên 9.045 tỷ đồng, được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Được biết, Ga Đà Nẵng được xây dựng và khánh thành vào năm 1902 theo kiến trúc thống nhất từ Nam chí Bắc. Ga Đà Nẵng cách ga Hà Nội 791km về phía Bắc, cách ga Vinh 472km về phía Bắc, cách ga Huế 103km về phía Nam.
>> Dự án trường đại học dược nghìn tỷ tại Bắc Ninh 'gặp khó' vì vướng 200 ngôi mộ