Quốc tế

Gã khổng lồ ô tô thế giới Volkswagen đứng trước nguy cơ lụi tàn

Thuỷ Tiên 02/08/2023 - 14:38

Volkswagen, gã khổng lồ ô tô thế giới sở hữu nhiều thương hiệu đình đám như: Audi, Bentley, Bugatti, Lamborghini, Porsche, ... sẽ lụi tàn như Nokia?

“Tương lai của thương hiệu Volkswagen đang bị đe dọa”, tân CEO Thomas Schäfer của hãng xe thẳng thắn nói trước ban lãnh đạo công ty hồi đầu tháng 7. Ông thừa nhận chi phí tăng cao, nhu cầu giảm mạnh và mức độ cạnh tranh ngày càng tăng đang đặt thêm gánh nặng cho công ty.

Thomas Schäfer cũng nhắc lại một trong những lời cảnh báo nổi tiếng của Stephen Elop sau khi nhậm chức CEO Nokia vào năm 2011: "ngọn lửa đã lan đến mái nhà". Nokia khi ấy vẫn còn là nhà sản xuất điện thoại đi động lớn nhất thế giới, nhưng Stephen Elop lại ví tình thế của hãng như một nền tảng "đang cháy" dần.

Tuy vậy, lời cảnh tình của vị tân CEO Nokia đã quá muộn màng. Chỉ vài năm sau, công ty bị giải thể, buộc phải bán mảng di động cho Microsoft và cuối cùng trở thành "biểu tượng" khi người ta nhắc tới những tượng đài đã sụp đổ.

Liệu thương hiệu xe Volkswagen và tập đoàn mẹ cùng tên sở hữu 9 thương hiệu khác, hay thậm chí cả ngành công nghiệp ô tô hùng mạnh của Đức có phải chịu số phận tương tự? Và nếu đúng như vậy, nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ phải chịu ảnh hưởng ra sao?

Điều gì đang xảy ra tại Volkswagen?

Theo tờ The Economist, sự sụp đổ tương lai gần khó xảy ra. Năm 2022, Volkswagen vẫn là nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới tính theo doanh thu. Tập đoàn cũng vừa báo cáo doanh thu tăng trưởng ấn tượng 18% trong 6 tháng đầu năm 2023, lên 156 tỷ euro (174 tỷ USD). BMW và Mercedes-Benz, hai "gã khổng lồ" ô tô lớn khác của Đức, cũng đang ở trong tình trạng tốt.

Gã khổng lồ ô tô thế giới Volkswagen đứng trước nguy cơ lụi tàn
Doanh số bán hàng của tập đoàn Volkswagen qua các năm.

Tuy nhiên, giới lãnh đạo công nghiệp Đức đang ngày càng lo lắng khi nhắc tới triển vọng trong tương lai.

Tính đến tháng 7, chỉ số niềm tin kinh doanh do Viện Ifo tính toán đã giảm 3 tháng liên tiếp. Ngoài nỗi lo tương tự tân CEO của Volkswagen, các doanh nghiệp còn phàn nàn về thủ tục rườm rà trong biên chế lao động, cũng như căng thẳng địa chính trị trong thương mại với Trung Quốc.

Ngành sản xuất ô tô phải đối mặt với những thách thức này nhiều hơn các ngành khác bởi đang phải tiến hành quá trình chuyển đổi. Họ phải điện khí hóa đội xe của mình, và phải học cách phát triển phần mềm.

Nhiều chuyên gia trong ngành thừa nhận các nhà máy sẽ phải thu hẹp quy mô, thậm chí là đóng cửa. Tình trạng tương tự cũng diễn ra đối vối các nhà cung cấp, đặc biệt là những nhà sản xuất các bộ phận cho động cơ đốt trong và hộp số.

Thách thức tại thị trường Trung Quốc cũng ngày càng gia tăng. Xe Đức đã hưởng lợi từ sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong những thập kỷ gần đây. 6 tháng cuối năm 2022, 3 hãng ô tô lớn nhất nước Đức có tới 40% doanh thu đến từ thị trường Trung Quốc. Nhưng giờ họ phải đối diện tình thế đảo ngược.

Volkswagen vừa phải hạ dự báo doanh số bán ra, với nguyên nhân chính là do thị trường Trung Quốc suy giảm. Đơn đặt hàng xe điện tại Volkswagen thấp hơn kế hoạch 30% đến 70%. Công ty vẫn đang giải quyết các vấn đề liên quan đến bộ phận phần mềm. Tại Trung Quốc - thị trường xe điện tăng trưởng nhanh nhất thế giới, Volkswagen chỉ chiếm 2% thị phần xe điện.

Trong khi đó, các hãng xe đối thủ tới từ Trung Quốc đã bắt đầu bành trướng ra nước ngoài, đặc biệt là tại châu Âu. Năm ngoái, lần đầu tiên Trung Quốc xuất khẩu ô tô nhiều hơn Đức (với khoảng 3 triệu chiếc so với con số 2,6 triệu của Đức).

Đóng góp của ngành ô tô đối với kinh tế Đức

Ô tô chiếm 16% hàng hóa xuất khẩu của Đức. Mặc dù tỷ trọng đóng góp của ngành ô tô vào tổng giá trị gia tăng của nước Đức đã đạt đỉnh ở mức 4,7% vào năm 2017, đến năm 2020 tỷ trọng vẫn là 3,8%, theo Viện Kiel. Con số này cao hơn khoảng một điểm phần trăm so với các cường quốc sản xuất ô tô khác như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ngành ô tô như một loại "hệ điều hành" đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu, tờ Economist dẫn lời Oliver Falck, Điều hành Trung tâm Tổ chức Công nghiệp và Công nghệ mới, "các thành phần quan trọng của nền kinh tế Đức và các tổ chức dựa vào nó".

Nhu cầu của thế giới đối với những chiếc xe mà Đức sản xuất ra chiếm hơn 16% giá trị gia tăng của các công ty luyện kim và sản xuất nhựa ở nước này. Điều này gián tiếp tạo ra 1,6 triệu việc làm khác, nâng tổng số việc làm mà ngành ô tô tạo ra cho nước Đức lên 2,5 triệu, tức hơn 5% lực lượng lao động.

Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư và sự đổi mới của Đức cũng gắn liền với ngành ô tô. Theo hiệp hội quỹ nghiên cứu Stifterverband, năm 2021, ngành này chiếm hơn 42% chi phí R&D của cả lĩnh vực sản xuất, đồng thời chi trả 64% chi phí R&D của các ngành khác cũng như các viện nghiên cứu. Các nhà sản xuất ô tô cũng chiếm hơn một nửa số đơn xin cấp bằng sáng chế vào năm 2017.

Ngành xe hơi cũng là trung tâm của mô hình xã hội ở Đức, thể hiện qua sự công bằng giữa các khu vực. Các nhà máy thường được xây dựng ở những khu vực kinh tế yếu kém. Có 48 trong số 400 thành phố và quận của Đức phụ thuộc nặng nề vào việc làm trong ngành ô tô.

Wolfgang Schroeder, nhà nghiên cứu tại WZB nhận định, nếu ngành sản xuất ô tô lụi tàn, Đức sẽ phải đối mặt với "nhiều cuộc khủng hoảng cục bộ".

Ngành ô tô Đức sẽ "bốc hơi" trong tương lai?

Nhìn chung, ngành công nghiệp ô tô Đức bốc hơi sẽ "để lại một hố sâu kinh tế khổng lồ ở giữa châu Âu", theo Schroeder của WZB. Và đương nhiên, các chính trị gia Đức sẽ không để điều này xảy ra.

Tuy nhiên, nước Đức cũng phải dần thừa nhận rằng ngành công nghiệp ô tô quá lớn của Đức từng là thế mạnh nhưng giờ lại thành nhân tố kìm hãm đất nước, theo Christoph Bornschein, CEO hãng tư vấn TLGG.

"Ô tô là biểu hiện lớn nhất của việc Đức tập trung hoàn toàn vào kỹ thuật cơ khí. Mảng phần mềm của Volkswagen gặp vấn đề đã cho thấy một hệ thống kinh tế được tối ưu hóa chỉ để tạo ra những kỳ quan cơ học đắt đỏ, sẽ phải vật lộn để tự làm mới mình và thích nghi trong một thế giới ngày càng số hóa", ông Bornschein cho biết.

Một khi ngành xe hơi không còn thống trị, sẽ có nhiều khoảng trống cho các ngành khác nổi lên. Dòng vốn khi ấy sẽ chuyển hướng từ ngành ô tô sang các công ty khởi nghiệp.

Phương pháp tiếp cận này đã chứng minh tính hiệu quả tại Eindhoven - một thành phố của Hà Lan từng bị thống trị bởi gã khổng lồ điện tử một thời Philips, tương tự như Volkswagen, đang thống trị Wolfsburg.

Giờ đây thành phố này có hàng nghìn công ty khởi nghiệp nhỏ. Trong số đó có nhiều nhà cung ứng cho ASML - nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip tiên tiến hàng đầu châu Âu. Hay như quê hương Espoo của Nokia hiện cũng đã tái sinh với cả một hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh chuyên sản xuất thiết bị mạng viễn thông.

Cũng phải thừa nhận rằng việc sản xuất ô tô phức tạp hơn nhiều so với đồ điện tử. Nhưng chuyển đổi dần sẽ tạo ra sự thích ứng.

Tờ Economist dẫn ra một số phương án, chẳng hạn như Đức có thể sẽ ngừng sản xuất ô tô giá rẻ và tập trung hơn vào số lượng nhỏ những chiếc xe sang có biên lợi nhuận cao hơn.

Và Volkswagen thậm chí có thể biến mình thành nhà sản xuất theo hợp đồng, lắp ráp xe điện cho các thương hiệu khác, giống như Foxconn lắp ráp iPhone cho Apple.

Volkswagen 'đấu' xe điện Trung Quốc: Cuộc chiến sinh tồn tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới khiến ông lớn số 1 'gục ngã' như thế nào?·

Hãng ô tô Volkswagen sẽ đóng cửa 3 nhà máy tại 'sân nhà' Đức

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ga-khong-lo-o-to-the-gioi-volkswagen-dung-truoc-nguy-co-lui-tan-194971.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Gã khổng lồ ô tô thế giới Volkswagen đứng trước nguy cơ lụi tàn
    POWERED BY ONECMS & INTECH