Gần 1,1 tỷ USD tiền ngoại tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán Việt từ đầu năm 2025
Trong bối cảnh khối ngoại liên tục rút vốn, dòng tiền nội đã giúp cân bằng thị trường và dẫn dắt đà tăng của VN-Index trong quý I/2025.
Khép lại phiên giao dịch cuối cùng của quý I/2025, VN-Index dừng tại 1.306 điểm, giảm hơn 10 điểm so với phiên trước. Tuy nhiên, tính chung 3 tháng đầu năm, chỉ số vẫn ghi nhận mức tăng hơn 40 điểm (+3,16%) với dấu ấn chinh phục thành công ngưỡng 1.300 điểm.
Động lực chính giúp thị trường đi lên đến từ dòng tiền cá nhân và tổ chức trong nước. Theo dữ liệu từ FiinPro, riêng quý I/2025, nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng 21.200 tỷ đồng, trong khi tổ chức trong nước cũng ghi nhận giá trị mua ròng 2.259 tỷ đồng.
Ngược lại, khối ngoại tiếp tục duy trì xu hướng rút vốn mạnh trên cả 3 sàn với tổng giá trị bán ròng lên tới 27.644 tỷ đồng (tương đương gần 1,1 tỷ USD) từ đầu năm. Dẫn đầu danh mục bị xả mạnh là FPT với giá trị bán ròng lên đến 6.836 tỷ đồng. Ngoài áp lực chốt lời, cổ phiếu này còn bị ảnh hưởng bởi những lo ngại liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI). Sự xuất hiện của các mô hình AI giá rẻ từ Trung Quốc đã làm dấy lên quan ngại về sự suy giảm giá trị thị trường AI, kéo theo áp lực bán tháo từ dòng tiền ngoại. Điều này khiến cổ phiếu của Tập đoàn công nghệ số 1 Việt Nam giảm hơn 20%, lùi về mức 121.000 đồng/cp.
Bên cạnh FPT, loạt cổ phiếu ngân hàng - chứng khoán cũng bị rút ròng đáng kể, bao gồm TPB (1.782 tỷ đồng), STB (1.434 tỷ đồng), SSI (1.369 tỷ đồng), VCB (1.251 tỷ đồng)...
![]() |
Khối ngoại bán ròng hơn 6.800 tỷ đồng cổ phiếu FPT |
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VCI dẫn đầu danh mục mua ròng của khối ngoại trong quý I với 1.200 tỷ đồng, tiếp theo là VIX (628 tỷ đồng). Dòng tiền ngoại cũng ưu tiên giải ngân vào một số mã bất động sản như TCH (368 tỷ đồng), VHM (294 tỷ đồng) và SIP (264 tỷ đồng).
![]() |
Nhà đầu tư nước ngoài ưu tiên giải ngân vào 2 cổ phiếu nhóm chứng khoán |
Áp lực bán ròng của khối ngoại chủ yếu xuất phát từ chênh lệch lãi suất và chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện thiếu vắng những cơ hội đầu tư dài hạn đủ hấp dẫn do nguồn cung hàng hóa chất lượng còn hạn chế.
Thực tế, việc triển khai Thông tư 68 được kỳ vọng sẽ thay đổi xu hướng trên nhưng điều này sẽ cần thời gian để mang đến tác động rõ rệt đến nhà đầu tư nước ngoài cũng như thị trường chứng khoán.
Dù vậy, triển vọng trung và dài hạn vẫn được đánh giá tích cực. KBSV Research nhận định việc nâng hạng thị trường theo FTSE và hệ thống giao dịch KRX có thể trở thành động lực lớn thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại. Theo dự báo, Việt Nam có thể nhận thông báo chính thức về việc nâng hạng lên FTSE Emerging Market vào tháng 9/2025 và chính thức được đưa vào FTSE Emerging Index vào tháng 3/2026. Nếu kịch bản này diễn ra, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đón nhận dòng vốn mới lên đến hàng tỷ USD.
Ngoài ra, xét về định giá, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang ở mức hấp dẫn với P/E 14,4 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm là 17 lần, cho thấy dư địa tăng trưởng vẫn còn rộng mở trong thời gian tới.
>> Chuyên gia chỉ điểm những cổ phiếu sẽ ‘bùng nổ’ khi chứng khoán Việt Nam được nâng hạng
Novaland 'bơm' gần 31.000 tỷ đồng vào 'dự án sống còn' Aqua City
Cổ phiếu DGC rơi từ đỉnh, Chủ tịch Hóa chất Đức Giang bất lực nói: 'Chúng tôi đã cố gắng hết sức'