Gần 6.900 tỷ đồng được bơm vào "ven" của Vietnam Airlines (HVN)

14-09-2021 09:08|Minh Trí

Ngày 13/9, SCIC đã chính thức giải ngân gần 6.900 tỷ đồng để mua cổ phiếu do Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HOSE: HVN) phát hành. Theo SCIC, mục tiêu của đợt rót vốn này là để tháo gỡ khó khăn cho hãng hàng không quốc gia trong bối cảnh dịch COVID-19.

Việc SCIC đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines góp phần bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cải thiện khả năng thanh toán trong ngắn hạn của Vietnam Airlines, hạn chế các tác động, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Trước đó, Vietnam Airlines đã tổ chức huy động 8.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Với tỷ lệ sở hữu 86,19% tại hãng hàng không quốc gia, Nhà nước - thông qua Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước - có quyền mua 689,5 triệu cổ phiếu và đã ủy quyền cho SCIC thực hiện giao dịch này.

Thông tin trên được đưa ra giữa lúc cổ phiếu HVN có những bước hồi phục mạnh mẽ. Trong phiên ngày 13/9, cổ phiếu của hãng hàng không quốc gia tăng trần lên mức 26.800 đồng/cổ phiếu - tức tăng hơn 18% chỉ trong 3 phiên và tăng hơn 40% so với thời điểm cuối tháng 7. Đây cũng là mức giá đóng cửa cao nhất mà HVN đạt được kể từ đầu năm 2020.

Sau khoảng thời gian lao dốc hồi tháng 4, cổ phiếu HVN đột nhiên ghi nhận những bước tăng giá mạnh mẽ trong các phiên vừa qua và luôn nằm trong top 10 mã chứng khoán có tác động tích cực nhất tới chỉ số VN-Index.

Thanh khoản cũng đồng thời tăng vọt lên hơn 3,7 triệu cổ phiếu trong phiên gần nhất, cùng dư mua trần hàng trăm nghìn đơn vị. Thanh khoản bình quân trong một năm qua chưa đến 1 triệu cổ phiếu/phiên.

Thông tin tích cực khi Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam ông Đinh Việt Thắng có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải phê duyệt kế hoạch khai thác các đường bay thường lệ trong giai đoạn dịch bệnh, phần nào tác động tích cực lên cổ phiếu hàng không.

Còn theo kế hoạch của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, ngành du lịch dự kiến thực hiện thí điểm đón khách quốc tế an toàn tại Phú Quốc (Kiên Giang), trên cơ sở đó chuẩn bị từng bước mở rộng ra các điểm đến trong cả nước, bao gồm Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)...

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải còn đang soạn dự thảo thông tư về việc nâng giá sàn vé máy bay, qua đó giúp Vietnam Airlines cạnh tranh tốt hơn với các hãng tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways…

Theo báo cáo bán niên đã soát xét, Vietnam Airlines tiếp tục ghi khó khăn khi doanh thu thuần giảm gần 44% về mức gần 14.000 tỷ đồng; lỗ sau thuế thuộc công ty mẹ lên đến 8.421 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gần 5.144 tỷ.

Cũng trong báo cáo này, hãng hàng không quốc gia ghi nhận lỗ lũy kế lên đến 17.772 tỷ đồng - vượt vốn điều lệ và lần đầu tiên âm vốn chủ sở hữu hơn 2.750 tỷ đồng. Kết quả này có thể khiến cổ phiếu HVN đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HOSE.

Tính đến cuối tháng 6, quy mô tổng tài sản Vietnam Airlines giảm hơn nghìn tỷ đồng về mức 61.255 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần âm trong nửa đầu năm dẫn đến lượng tiền và tương đương tiền của hãng còn 1.289 tỷ đồng - giảm 23% so với đầu năm. Tổng vay nợ tài chính tăng lên 34.462 tỷ đồng, chiếm hơn 56% tổng nguồn vốn.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) ngày 13/9 cũng thông báo đã giải ngân số tiền 6.895 tỷ đồng mua cổ phiếu HVN để nắm giữ tối thiểu 31,08% vốn điều lệ của Vietnam Airlines. Nguồn vốn mới sẽ giúp doanh nghiệp bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất và cải thiện khả năng thanh toán trong ngắn hạn.

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ về hỗ trợ gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines

Tập đoàn sản xuất máy bay lớn thứ 3 thế giới muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/gan-6900-ty-dong-duoc-bom-vao-ven-cua-vietnam-airlines-hvn-127823.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Gần 6.900 tỷ đồng được bơm vào "ven" của Vietnam Airlines (HVN)
    POWERED BY ONECMS & INTECH