Zalo có gần 76 triệu người dùng hàng tháng
Tại ĐHCĐ thường niên 2024, trả lời cổ đông về kết quả kinh doanh của Zalo, CEO VNG Lê Hồng Minh tiết lộ, Zalo đã có lợi nhuận và doanh thu tăng trưởng tốt từ năm 2019.
Ngày 21/6, CTCP VNG (Mã VNZ - UPCoM) đã họp ĐHCĐ thường niên 2024 với sự tham gia của 452 cổ đông.
Tại Đại hội, VNG đặt kế hoạch doanh thu năm 2024 ở mức kỷ lục 11.069 tỷ đồng - tăng hơn 3.500 tỷ so với năm 2024; mục tiêu lãi sau thuế chỉ là 195 tỷ.
Chỉ tiêu lợi nhuận khiêm tốn được đưa ra trong bối cảnh công ty đã báo lỗ 3 năm liên tiếp với lần lượt 72,4 tỷ đồng năm 2021, 1.534 tỷ đồng năm 2022 và 2.317 tỷ đồng năm 2023.
VNG là một "kỳ lân" công nghệ tại thị trường Việt Nam |
Kết thúc quý I/2024, dù đem về doanh số gần 2.260 tỷ đồng song VNG báo lỗ quý thêm 31,4 tỷ. Khoản lỗ này khiến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty giảm còn hơn 3.100 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn còn 5.052 tỷ.
Chia sẻ về tình hình hoạt động của nền tảng nhắn tin Zalo, ông Minh cho biết, Zalo hiện có 75,8 triệu người dùng hàng tháng, với doanh thu từ dịch vụ B2B (giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp) tăng trưởng 150% so với 2022. Nền tảng Zalo tiếp tục duy trì tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm trước, với 1,8 tỷ tin nhắn gửi đi mỗi ngày. Trong khi đó, nền tảng Zalo Short Video duy trì lượng người dùng thường xuyên hàng tháng là 23,7 triệu.
AI là trọng tâm chính trong chiến lược phát triển kinh doanh của VNG mang tên "AI - Toàn cầu - Nền tảng". Theo ông Lê Hồng Minh, VNG đặt mục tiêu là công ty AI dẫn đầu Đông Nam Á cả về hạ tầng lẫn ứng dụng.
"VNG đánh giá làn sóng công nghệ AI sẽ thay đổi toàn bộ diện mạo nền kinh tế trong vòng 10-20 năm tới, VNG đang sở hữu năng lực để có thể bắt kịp và dẫn đầu mảng công nghệ này và đây là mục tiêu quan trọng của công ty trong tương lai", ông Minh nói.
Được biết, Zalo đang tích cực ứng dụng GenAI (trí tuệ nhân tạo tạo sinh) để nâng cấp dịch vụ, với AI Avatar thu hút 6,8 triệu người dùng trong năm 2023.
Trong phần hỏi đáp, trả lời cổ đông về kết quả kinh doanh của Zalo, ông Lê Hồng Minh tiết lộ: "Zalo đã có lợi nhuận và doanh thu của Zalo tăng trưởng tốt từ năm 2019 đến nay. Năm 2023 - 2024, Zalo bị ảnh hưởng chung bởi tình hình kinh tế Việt Nam, vì vậy nên doanh thu từ quảng cáo có chững lại và sụt giảm.
Tuy nhiên, các đầu tư của VNG vào Zalo là tập trung vào xây dựng các nền tảng doanh thu dài hạn. VNG đánh giá việc thu phí các dịch vụ và các giá trị gia tăng cho doanh nghiệp sẽ tạo ra nguồn thu tốt và ổn định trong tương lai".
Phiên bản thử nghiệm đầu tiên của Zalo được ra mắt vào tháng 8 năm 2012, mất 8 tháng kể từ khi bắt đầu phát triển vào cuối năm 2011. Đến tháng 9 cùng năm, Zalo mới phát hành phiên bản trên 3 nền tảng iOS, Android và Nokia S40. Tuy nhiên, Zalo không nhận được sự quan tâm do có nhiều cản trở khi tiếp cận người dùng, như dùng Zing ID để đăng nhập hay sử dụng nền tảng web cho ứng dụng trên điện thoại di động.
Tháng 12/2012, phiên bản chính thức của Zalo mới được tung ra thị trường. Ngày 8/1/2013, Zalo lần đầu tiên chiếm vị trí dẫn đầu trên bảng xếp hạng App Store ở Việt Nam, vượt qua đối thủ mạnh nhất lúc đó là WeChat của Trung Quốc.
Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 8/2023, Zalo là một trong 7 ứng dụng duy trì số lượng tài khoản đang hoạt động trên mức 10 triệu bên cạnh Zing Mp3, VNEID, Báo mới, Ví Momo, MB Bank và My Viettel.
Trong khi đó, ví điện tử ZaloPay tăng 27% khối lượng thanh toán, giải pháp ZaloPay QR đã có mặt tại hơn 36.000 đối tác trên cả nước. Theo ông Lê Hồng Minh, ZaloPay đã giảm 40% lỗ từ hoạt động kinh doanh đồng thời tăng trưởng 40% doanh thu. Nền tảng này cũng mở rộng hợp tác với VietQR và mạng lưới thanh toán tích hợp lên nhiều chuỗi thương hiệu lớn. Bên cạnh đó, ZaloPay cũng ra mắt nhiều sản phẩm tài chính như số dư sinh lời, tài khoản trả sau, tài khoản chứng khoán.
Dù vậy, ZaloPay hiện vẫn là một trong những nguyên nhân khiến VNG kinh doanh thua lỗ.
Được biết, trong năm 2021, ZaloPay ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 1.200 tỷ đồng; năm 2022 lỗ hơn 1.300 tỷ và năm 2023 lỗ 721 tỷ. Đây đã là năm thứ 7 liên tiếp ghi nhận lợi nhuận âm của ví điện tử này. Hàng nghìn tỷ đồng chi phí dự phòng cũng đã được công ty mẹ VNG dành cho ZaloPay.
Tại ĐHCĐ, lãnh đạo VNG kỳ vọng ví điện tử này sẽ sớm đạt điểm hòa vốn trong thời gian tới.
>> Thành viên nào của kỳ lân công nghệ VNG chuẩn bị hợp tác với Nvidia?