Giá dầu có thể "lao dốc" mạnh sau các tín hiệu kinh tế tiêu cực
Giá dầu thế giới có thể sẽ đi xuống sau khi các nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm cộng với tác động từ việc FED tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm qua.
Thị trường dầu mỏ thế giới lập tức xáo trộn sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm. Giá dầu WTI và Brent, hôm 26/7 (theo giờ Việt Nam) đều đã giảm sau khi đạt mức cao nhất trong ba tháng. Điều này cộng với các triển vọng u ám của các nền kinh tế lớn, các nhà phân tích cho rằng giá dầu có thể sẽ biến động lớn trong thời gian tới.
Nhu cầu giảm dần
Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy nhu cầu sử dụng năng lượng đang có dấu hiệu chậm lại. Dự trữ dầu thô của nước này trong tuần chỉ giảm hơn 600.000 thùng, thấp hơn nhiều so với mức 2,35 triệu thùng dự kiến. Dự trữ xăng và dầu diesel cũng giảm ít hơn dự kiến.
Trao đổi với CNBC, ông Jim Ritterbusch, Chủ tịch tập đoàn Ritterbusch & Associates cho biết vẫn chưa nhận thấy nhiều xu hướng gia tăng trong nhu cầu sản phẩm, đặc biệt là trong các mặt hàng chưng cất”.
Tín hiệu mới nhất của nền kinh tế hàng đầu thế giới gây ra tâm lý lo ngại cho giới đầu tư. Và sự lo lắng đó càng thêm trầm trọng với động thái mới đây nhất từ FED.
Sau đợt tăng lần thứ 11 trong 12 cuộc họp gần đây nhất của FED, lãi suất Mỹ đã lên mức 5,25% -5,50%, mức cao nhất trong vòng 22 năm qua. Thậm chí, các quan chức FED cũng bỏ ngỏ khả năng có thêm một đợt tăng lãi suất khác trong thời gian tới, làm giảm kỳ vọng của các nhà đầu tư rằng đây sẽ là lần tăng cuối cùng của cơ quan này.
Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí vay cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng, điều này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.
Động lực tăng trưởng yếu hơn dự kiến của Trung Quốc càng khiến cho thị trường năng lượng chịu tác động tiêu cực. Số liệu do Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 17/7 cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý II/2023 chỉ tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự báo 7,3%, do nhu cầu trong và ngoài nước đều suy yếu.
Bất chấp các chính sách thúc đẩy tăng trưởng, Trung Quốc vẫn đang vấp phải nhiều trở ngại trong việc phục hồi kinh tế trong bối cảnh nhiều thách thức trong và ngoài nước. Ông Warren Patterson, chiến lược gia của tập đoàn tư vấn ING cho biết: “Chúng ta vẫn cần tiếp tục chờ các chính sách thực tế hơn từ phía Trung Quốc”.
Giá dầu sẽ giảm?
Các chuyên gia cảnh báo những tín hiệu tiêu cực về nhu cầu của thị trường cộng với bất đồng về chính sách xuất khẩu dầu thô trong OPEC+ có thể khiến giá dầu giảm mạnh trong thời gian tới.
Ông Per Lekander, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Clean Energy Transition, phân tích rằng trong một thị trường đang suy thoái, việc cắt giảm sản lượng liên tục là cần thiết để duy trì sự ổn định. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng nhu cầu dầu thấp hoặc âm có thể phá vỡ sự hợp tác giữa OPEC và các nhà sản xuất ngoài OPEC như Nga, vốn tạo nên liên minh OPEC+.
Ông Lekander cho rằng giá dầu đã tăng cao một cách giả tạo kể từ năm 1974 và dự đoán nếu liên minh OPEC + ngừng hoạt động, giá có thể giảm xuống 35 USD/thùng trong ngắn hạn và khoảng 45 USD/thùng trong trung hạn.
Tuy nhiên, không có nhiều khả năng Saudi Arabia, nhà lãnh đạo của OPEC cho phép điều đó. Mức giá cao của dầu mỏ là mục tiêu tối thượng mà các nước tham gia OPEC mong muốn kể từ khi được thành lập năm 1960. Thông thường để ứng phó với nhu cầu dầu mỏ sụt giảm, tổ chức này sẽ giảm sản lượng để cân bằng lại thị trường dầu mỏ.
Do đó, các nhà phân tích đang chờ đợi kết quả cuộc họp ngày 4/8 tới đây của các bộ trưởng OPEC+ để nhận định thị trường dầu mỏ. Nhưng đa phần các chuyên gia cho rằng tình hình hiện nay sẽ là động lực để nhóm này thắt chặt hơn nữa nguồn cung dầu ra thị trường thế giới.