Xã hội

Gia đình vĩ đại sinh ra Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân Việt Nam

Vĩ Hạ 18/05/2025 08:28

Đây là một gia đình nho yêu nước, góp phần hình thành nên nhân cách, tầm nhìn và tư duy vĩ đại của một bậc vĩ nhân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, lớn lên đi học lấy tên là Nguyễn Tất Thành, hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, tấm lòng ái quốc của cha, tình cảm nhân ái và vị tha của mẹ, cùng đức tính gan dạ, thương người từ các thành viên trong gia đình đã góp phần hình thành nhân cách, tầm nhìn và lý tưởng cao cả của một bậc vĩ nhân. Những yếu tố ấy đã kiến tạo nên con đường cứu nước vĩ đại của Người.

Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Gia đình vĩ đại sinh ra Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân Việt Nam - ảnh 1
Ảnh cụ Nguyễn Sinh Sắc (còn gọi là Nguyễn Sinh Huy) năm 1923. Ảnh: Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp

Thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Nguyễn Sinh Sắc (1863-1929), một người nổi tiếng trong vùng vì tinh thần ham học.

Do gia cảnh khó khăn, thuở nhỏ ông không được đến trường, phải lao động vất vả. Tuy nhiên, mỗi khi dắt trâu ra đồng, ông thường dừng lại trước cổng nhà thầy Vương Thúc Mậu để lắng nghe bài giảng, rồi về nhà luyện viết trên nền đất, lá cây.

Nhận thấy sự thông minh và ham học, cụ Hoàng Xuân Đường đã nhận ông làm con rể và tạo điều kiện cho ăn học. Nhờ đó, ông thi đỗ Cử nhân khoa Giáp Ngọ (1894), rồi đỗ Phó bảng kỳ thi Hội năm Tân Sửu (1901), trở thành niềm tự hào lớn của quê hương Kim Liên.

Ông được triều đình phong chức, ban áo mão và cờ biển. Năm 1906, được bổ làm Thừa biện Bộ Lễ triều Nguyễn và đến năm 1909, giữ chức Tri huyện Bình Khê (nay thuộc tỉnh Bình Định). Do xử kiện công minh, ông bị xử phạt.

Những năm cuối đời (1928-1929), ông sống tại Cao Lãnh (Đồng Tháp) và qua đời tại đây vào ngày 27/11/1929 (27/10 năm Kỷ Tỵ), hưởng thọ 67 tuổi. Trọn đời, ông là tấm gương của một sĩ phu yêu nước, thương dân, ảnh hưởng sâu sắc đến nhân cách và chí hướng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thân mẫu Hoàng Thị Loan

Gia đình vĩ đại sinh ra Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân Việt Nam - ảnh 2
Bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Bà Hoàng Thị Loan (1868-1901), con gái cụ Hoàng Xuân Đường và Nguyễn Thị Kép, là người phụ nữ đảm đang, cần cù lao động, vừa làm nông vừa dệt vải, tận tụy chăm sóc chồng con. Bà sinh ba người con yêu nước: Nguyễn Thị Thanh (1884), Nguyễn Sinh Khiêm (1888) và Nguyễn Sinh Cung (1890).

Sau này, trong hoàn cảnh thiếu thốn, khi chồng đang làm giám khảo tại Thanh Hóa, bà sinh người con út Nguyễn Sinh Xin nhưng sau đó lâm bệnh và qua đời. Bé Xin được gửi về quê ngoại ở Hoàng Trù, nhưng cũng mất sau vài tháng vì sức khỏe yếu.

Bà Loan biết chữ, thường ru con bằng thơ trong Truyện Kiều và dân ca xứ Nghệ. Lời ru ấy in đậm trong ký ức tuổi thơ của Bác. Về sau, khi hoạt động tại Xiêm (Thái Lan) (1928-1929), nghe tiếng mẹ ru con, Thầu Chín (bí danh lúc đó của Hồ Chí Minh) xúc động nhớ về mẹ và quê nhà.

Ảnh hưởng của bà Loan thể hiện qua truyền thống văn hóa dân gian và phẩm chất đạo đức của người phụ nữ lao động. Bà đã gieo mầm nhân cách, đạo lý, vun trồng những giá trị đầu tiên trong tâm hồn Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng nên cuộc đời và sự nghiệp cao đẹp của Người.

Bà Nguyễn Thị Thanh

Gia đình vĩ đại sinh ra Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân Việt Nam - ảnh 3
Bà Nguyễn Thị Thanh, chị gái của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Bà Nguyễn Thị Thanh (1884-1954) còn gọi là Bạch Liên, là chị gái của Bác Hồ. Bà tích cực tham gia phong trào yêu nước, từng hoạt động trong tổ chức Đội Quyên, Đội Phấn. Năm 1910, bà bị Pháp bắt và được tha vào đầu năm 1911. Năm 1918, lại bị bắt giam, chịu án khổ sai 9 năm ở Quảng Ngãi, đến năm 1922 bị đưa về Huế an trí.

Năm 1940, bà về sống ở xã Chung Cự (Nam Đàn), rồi về Kim Liên năm 1945. Dù cuộc sống gian khổ, bà luôn là chỗ dựa tinh thần cho các em, đặc biệt sau khi mẹ mất. Năm 1946, sau khi cách mạng thành công, bà Thanh ra Thủ đô gặp Bác Hồ. Hai chị em gặp nhau mừng mừng, tủi tủi. Bà trở về quê và qua đời năm 1954.

Ông Nguyễn Sinh Khiêm

Gia đình vĩ đại sinh ra Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân Việt Nam - ảnh 4
Ông Nguyễn Sinh Khiêm. Ảnh tư liệu

Anh trai của Bác là Nguyễn Sinh Khiêm (tên khác là Nguyễn Tất Đạt, 1888-1950), từng tham gia kháng Pháp, bị kết án 3 năm khổ sai rồi tăng lên 9 năm tại Ba Ngòi (Khánh Hòa). Năm 1920, ông bị quản thúc tại Huế, sau đó về quê và tiếp tục hoạt động cải cách hương thôn. Năm 1940, ông bị bắt giam, đến 16/8/1941 mới được trả tự do.

Tính tình ông ngang tàng, giàu lòng trắc ẩn, thường giúp đỡ người nghèo dù bản thân túng thiếu. Ông mất ngày 25/8/1950. Trong thư “Gửi họ Nguyễn Sinh” ngày 9/11/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:

“Nghe tin anh Cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh ốm tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu.

Than ôi! Tôi chịu tội bất đễ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Gia đình vĩ đại sinh ra Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân Việt Nam - ảnh 5
Bác Hồ trong một lần về thăm quê. Ảnh tư liệu

Những người thân trong gia đình mà Bác Hồ được sống gần gũi - bà ngoại, cha, mẹ, chị gái, anh trai - đã có ảnh hưởng lớn đối với Người lúc còn thơ ấu, đã góp phần sớm hình thành ở Người lòng yêu quê hương, đất nước, tình thương người. Trong đó, cụ thân sinh Nguyễn Sinh Sắc có ảnh hưởng lớn nhất.

Tắm gội trong cái nôi văn hóa gia đình, đặc biệt là thân phụ mẫu, đã dạy cho Nguyễn Sinh Cung những bài học đạo đức, nhân cách đầu tiên. Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc với trí thông minh tuyệt vời, nghị lực lớn lao và lòng yêu nước nảy nở sớm ngay từ nhỏ đã thu nhận vào mình những tinh hoa của gia đình, những trăn trở của khổ đau, những ưu tư dào dạt, những mơ ước khát khao, những căm uất giận hờn, những quyết tâm sắt đá của bao kiếp sống, bao nỗi niềm của người thân, nhất là trong cuộc sống mà văn hóa gia đình mang theo…

Theo gương sáng của cha mẹ cũng là hiếu thảo, gia đình là nguồn cội ảnh hưởng rất sâu sắc đến Người lúc thiếu thời, góp phần to lớn hình thành động lực, tư tưởng yêu nước, thương dân và nhân cách Hồ Chí Minh.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người gắn liền với lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội. Năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.

>> Người mẹ vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đời khi chỉ mới 33 tuổi nhưng để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử đất nước

Gia đình hiếm hoi có hai anh em được phong NSND: Người là biên đạo múa nổi tiếng, người sở hữu giọng bass hiếm bậc nhất Việt Nam

Gia đình khiến cả Việt Nam kính nể: Bố là Đại tướng huyền thoại đánh bại 4 cường quốc, con là Giáo sư, sự nghiệp thành đạt

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/gia-dinh-vi-dai-sinh-ra-anh-hung-giai-phong-dan-toc-danh-nhan-van-hoa-the-gioi-lanh-tu-thien-tai-cua-dang-va-nhan-dan-viet-nam-142605.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Gia đình vĩ đại sinh ra Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH