Gia đình đại trí thức danh giá bậc nhất Việt Nam, 3 đời có khoảng 20 Giáo sư, PGS, Tiến sĩ lừng danh ai cũng kiêng nể
Gia đình cố Giáo sư Nguyễn Lân khiến nhiều người ngưỡng mộ, kính trọng vì từ đời cha ông đến đời con cháu đều có những thành tích, đóng góp lớn cho xã hội, đất nước.
Nhắc đến những gia đình trí thức danh giá tại Việt Nam, ta thường nhớ ngay đến gia đình cố Giáo sư Nguyễn Lân với sự ngưỡng mộ, kính trọng vì từ đời cha ông đến đời con cháu đều có những thành tích, đóng góp lớn cho xã hội, đất nước.
Cố Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, nhà biên soạn từ điển, học giả nổi tiếng của Việt Nam Nguyễn Lân (1906-2003) là một trong những nhân vật lừng danh của nền giáo dục nước nhà. Ông có đóng góp lớn trong việc xây dựng bộ môn và khoa Tâm lý học, Giáo dục học của hệ thống các trường Sư phạm ở Việt Nam.

Sinh ra trong gia đình nghèo ở huyện Mỹ Hào, Hưng Yên, nhưng Nguyễn Lân rất chăm chỉ học hành. Nhờ tài năng và sự thông minh, ông xuất sắc nhận được học bổng toàn phần của trường Bưởi (nay là Trường THPT Chuyên Chu Văn An). Năm 1925, khi còn là học sinh trung học, ông đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tên Cậu bé nhà quê, một tác phẩm mang đậm yếu tố tự truyện, kể về thời thơ ấu của chính ông. Cuốn sách này sau đó đã được dịch sang tiếng Pháp và vào năm 1934, được lựa chọn làm sách giáo khoa cho học sinh. Đây không chỉ là một tác phẩm văn học mà còn đánh dấu sự khởi đầu của một nhà giáo tài năng, người đã đóng góp không nhỏ trong việc đào tạo các thế hệ học sinh.
Năm 1932, ông tốt nghiệp thủ khoa tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Từ đó, ông dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học.

Về đời tư, ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Tề, một nữ sinh của trường Sainte Marie ở Hà Nội, là con gái của nhà đại điền chủ Nguyễn Hữu Tiệp, người đã có công lớn trong việc sáng lập trường tiểu học Bạch Hạc tại Việt Trì. Vợ chồng ông có 8 người con, trong đó có 7 trai và 1 gái.
Thừa hưởng niềm đam mê học thuật từ bố, các con, cháu của cố GS Nguyễn Lân tiếp tục làm rạng danh dòng họ. Các con của cố GS Nguyễn Lân đều rất thành đạt, nổi tiếng.
8 người con của ông là GS.TSKH Nguyễn Lân Tuất (đã qua đời) – nguyên Chủ nhiệm Khoa Lý luận và Sáng tác của Nhạc viện Novosibirsk, Nga, là người Việt Nam đầu tiên được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Công huân của Liên Xô (cũ).
TS Nguyễn Tề Chỉnh (đã qua đời) – nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng – nguyên Giám đốc Trung tâm Vi sinh vật học ứng dụng, đại biểu Quốc hội các khóa X, XI, XII, giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên, đồng thời là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Cố PGS.TS Nguyễn Lân Cường (đã qua đời) – Tổng Thư ký Hội Khảo cổ Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Cổ sinh địa tầng Việt Nam, Trưởng ban Kiểm tra Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nhà khoa học Nguyễn Lân Hùng – Tổng Thư ký Các Hội Sinh học Việt Nam, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
TS Nguyễn Lân Tráng – giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
GS.TS.NGND, Anh hùng Lao động Nguyễn Lân Việt – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Chủ nhiệm Bộ môn Tim mạch Đại học Y Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Lân Trung – nguyên Hiệu Phó Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Pháp tại Hà Nội.

Không chỉ có 8 người con ruột, nhiều con rể, con dâu của GS. Nguyễn Lân cũng là những trí thức nổi tiếng, có uy tín trong xã hội. Phần lớn các con dâu của gia đình Nguyễn Lân đều theo đuổi nghề giáo viên, bác sĩ và những ngành nghề cao quý khác.
Các đời thứ ba, thứ tư của gia đình cố Giáo sư Nguyễn Lân cũng theo đuổi tri thức, tiếp nối truyền thống gia đình. Trong đó phải kể đến PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Lân Hùng Sơn - Chủ nhiệm Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; PGS Nguyễn Ngọc Lưu Ly - giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ; TS Nguyễn Kim Nữ Thảo - giảng dạy tại Đại học Khoa học Tự Nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Cháu Nguyễn Lân Nghĩa (con trai của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu) đã trúng tuyển vào Đại học Harvard, Mỹ, là một niềm tự hào lớn của gia đình.

Ngoài ra, cố PGS.TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường cũng để lại dấu ấn lớn với các con của ông. Con gái ông, Hoa Cương, cùng con trai Nguyễn Lân Chương, một chuyên gia tài chính ngân hàng hiện đang giảng dạy và làm lập trình tại Hà Nội, tiếp tục nối dài thành công của dòng họ.
Tính đến nay, sau 4 đời, gia đình Nguyễn Lân, bao gồm con cái, dâu rể và các cháu, đã có gần 20 Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, càng khẳng định một gia đình trí thức với truyền thống lâu dài, đáng tự hào.
* Tổng hợp