Giá tôm Việt Nam tăng vọt tại Mỹ và Trung Quốc, vượt mốc 17 USD/kg
Tại các thị trường khác, giá tôm Việt Nam cũng đồng loạt tăng.
Dù khối lượng xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 2/2025 vẫn ở mức thấp, giá xuất khẩu bình quân lại ghi nhận mức tăng đáng kể, vượt ngưỡng 9 USD/kg – cao nhất trong nhiều tháng qua, nhờ đà tăng tại các thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc.
Theo thống kê, giá xuất khẩu tôm thẻ bình quân trong tháng 2 tăng hơn 5%, đạt 9,01 USD/kg. Trong khi đó, giá tôm sú xuất khẩu tăng mạnh 14%, lên mức 12,77 USD/kg. Đáng chú ý, giá xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng 9,1% lên 7,2 USD/kg – mức cao nhất kể từ tháng 3/2023; sang Mỹ tăng 11% lên 17,8 USD/kg – mức cao nhất trong gần một năm qua.
Tại các thị trường khác, giá tôm Việt Nam cũng tăng đồng loạt: Nhật Bản tăng 5,6% lên 9,5 USD/kg, Hàn Quốc tăng 5,3% lên 8 USD/kg, EU tăng 3% lên 10,2 USD/kg – đánh dấu đợt tăng giá đầu tiên kể từ tháng 10/2024.
Dù giá xuất khẩu cải thiện, sản lượng lại có xu hướng giảm. Tổng lượng tôm thẻ xuất khẩu trong tháng 2 đạt 17.608 tấn, giảm 7% so với tháng 1, nhưng vẫn tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tôm sú xuất khẩu đạt 1.475 tấn, giảm 21% so với tháng trước, nhưng tăng 7% so với tháng 2/2024.

>> Giá hàng hóa thế giới giảm mạnh sau chính sách thuế của Trump
Sản lượng sụt giảm chủ yếu do sự chững lại ở các thị trường lớn: xuất khẩu sang Trung Quốc và Hong Kong giảm 30%, EU giảm 17%, Anh giảm 19%. Một số thị trường như Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn tăng nhẹ, lần lượt ở mức 6%, 9% và 2%.
Tại thị trường Trung Quốc, tháng 2 cũng đánh dấu sự giảm mạnh về khối lượng nhập khẩu tôm sú của Việt Nam, chỉ còn 353 tấn. Dù vậy, giá xuất khẩu lại tăng vọt 14,1%, đạt 10,5 USD/kg – mức cao nhất trong vòng một năm. Nhật Bản cũng ghi nhận mức giá kỷ lục 14,7 USD/kg, tăng 16,7% dù sản lượng nhập chỉ đạt 326 tấn. Hàn Quốc nhập 87 tấn, giảm tháng thứ 3 liên tiếp, kéo theo giá giảm 2,6% xuống 11,4 USD/kg.
Thị trường EU cũng không ngoại lệ. Dù chỉ nhập 103 tấn – giảm hơn một nửa so với tháng 1, giá xuất khẩu vẫn tăng nhẹ lên 10,2 USD/kg. Trong khi đó, xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng nhẹ về sản lượng lên 162 tấn nhưng vẫn thấp hơn hầu hết các tháng trong năm 2024.
Ở thị trường nội địa, hoạt động thu mua nguyên liệu tại các nhà máy chế biến đã khởi động trở lại từ đầu tháng 2, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, với nhu cầu tương đương tháng trước. Tuy nhiên, giao dịch tôm thẻ cỡ nhỏ (100 con/kg) diễn biến chậm do thương nhân Trung Quốc hạn chế mua vào. Trong khi đó, để ổn định sản lượng, các nhà máy đã nâng giá thu mua tôm cỡ 20-40, giúp giá tại ao tăng 1-3%. Ngược lại, giá tôm cỡ nhỏ giảm khoảng 5% so với tháng 1.
Tình hình tôm sú cũng chưa khởi sắc. Hoạt động thu mua nguyên liệu vẫn khá trầm lắng do hợp đồng xuất khẩu hạn chế và nguồn cung khan hiếm. Nguyên nhân là nông dân chậm xuống giống từ cuối năm 2024, khiến đầu năm 2025 thiếu hụt nguồn tôm cỡ lớn. Trong bối cảnh này, nhiều nhà máy phải điều chỉnh tăng giá thu mua tôm sú cỡ 20-50 và cỡ 80 thêm 1-2% để duy trì sản xuất.
Theo dự báo, xuất khẩu tôm thẻ trong tháng 3 sẽ phục hồi nhưng với tốc độ chậm do lượng đơn hàng mới vẫn hạn chế. Các doanh nghiệp chế biến tiếp tục gặp khó trong việc đàm phán giá do phải cạnh tranh quyết liệt với các nhà xuất khẩu từ Ấn Độ và Ecuador.
>> Bị Mỹ áp thuế 46%, doanh nghiệp Việt tức tốc tìm đối tác mới, sang cả Trung Đông
Mặt hàng thủy sản nào của Việt Nam đang bị tác động lớn nhất?
37.500 tấn thủy sản Việt đang trên đường tới Mỹ ‘thở phào’ khi nghe tin này