Giá vàng vọt lên đỉnh lịch sử, xu hướng tăng ‘còn lâu mới kết thúc’
Giá vàng nối dài xu hướng tăng kéo dài trong tháng 10, tháng 11 và lập đỉnh cao lịch sử ngay đầu tháng 12. Xu hướng này được dự báo “còn lâu mới kết thúc” trong bối cảnh thế giới như hiện tại.
Xác lập đỉnh cao lịch sử ngay đầu tháng 12
Trong phiên giao dịch cuối tuần và cũng là đầu tháng 12 trên thị trường Mỹ (rạng sáng 2/12 giờ Việt Nam), giá vàng thế giới lập đỉnh cao kỷ lục. Cụ thể, giá vàng giao tháng 2/2024 tăng 4% trong phiên cuối tuần lên 2.091,9 USD/ounce. Mức cao kỷ lục cũ là 2.089,2 USD/ounce ghi nhận vào tháng 8/2020.
Giá vàng giao ngay tăng vọt từ dưới 2.040 USD/ounce lên 2.071 USD/ounce.
Giá vàng thế giới rạng sáng 2/12 (giờ Việt Nam) cao hơn khoảng 13,5% (247 USD/ounce) so với đầu năm 2023. Vàng thế giới giao ngay quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 61,5 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 12 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 1/12.
Với diễn biến này, trong phiên giao dịch đầu tuần mới ngày 4/12 trên thị trường Việt Nam, giá vàng SJC có thể vượt đỉnh cao lịch sử 74,5 triệu đồng/lượng ghi nhận vào sáng 29/11.
Vàng ghi nhận sức cầu tăng vọt trong bối cảnh giới đầu tư tiếp tục đánh cược vào khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể đảo chiều chính sách tiền tệ, cắt giảm lãi suất ngay vào đầu tháng 3/2024.
Cú bứt phá trong phiên cuối tuần diễn ra ngay cả khi Fed phát đi tín hiệu duy trì lập trường thắt chặt tiền tệ. Theo đó, trong ngày 1/12, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng ông vẫn không tự tin rằng chính sách tiền tệ như hiện tại chưa đủ giảm lạm phát của Mỹ xuống mức mục tiêu 2%.
Có thể thấy, giới đầu tư trên thị trường vàng không còn mấy quan tâm tới những gì Chủ tịch Fed Powell nói. Công cụ theo dõi lãi suất Fed - CME FedWatch Tool cho thấy khả năng Fed cắt giảm lãi suất trong quý I/2024 tăng vọt, cụ thể mức dự báo đã từ 25% lên 50%.
Chuyên gia Forexlive chia sẻ trên Kitco rằng các tín hiệu từ phân tích kỹ thuật cũng đang hỗ trợ xu hướng đi lên của giá vàng, đặc biệt là sau khi giá vàng giao ngay đóng cửa vững vàng trên ngưỡng tâm lý quan trọng 2.000 USD/ounce.
Còn theo chuyên gia đến từ Zaye Capital Markets, với những diễn biến gần đây, vàng đang ở giai đoạn bắt đầu cho một cú bứt phá mạnh hơn. Và “những ngày tươi sáng còn ở phía trước”.
“Chúng tôi tin rằng Fed đã đạt đến đỉnh điểm của chu kỳ tăng lãi suất bất kể một số thành viên của Fed tiếp tục nói gì. Có nhiều khả năng thực tế là Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối quý I/2024”, chuyên gia của Zaye Capital Markets nhận định.
Theo Robert Minter, Giám đốc Chiến lược đầu tư tại Abrdn, những rạn nứt tiếp tục xuất hiện trên thị trường bất động sản thương mại Mỹ khi lĩnh vực này tiếp tục chịu tác động từ việc Fed tăng lãi suất mạnh mẽ và tỷ lệ tuyển dụng cao khi người lao động tiếp tục làm việc tại nhà.
Xu hướng vàng tăng giá “còn lâu mới kết thúc”
Cũng theo Robert Minter, trong 3 lần Fed ngừng chu kỳ tăng lãi suất gần nhất, giá vàng thế giới đã tăng tương ứng 57%, 235% và 69%. Nhưng trong lần này, vàng mới tăng 5,4% kể từ khi Fed chuyển sang lập trường “trung lập”.
Chuyên gia thị trường vàng Gary Wagner chia sẻ trên Kitco rằng, xu hướng tăng giá của vàng và bạc “còn lâu mới kết thúc”, đặc biệt là vàng.
Theo Gary Wagner, thị trường đang rất ưa chuộng vàng như một tài sản trú ẩn.
Một lý do được nhiều chuyên gia nhắc tới đó là sức cầu của các “ông lớn” trên thị trường quốc tế khi mà thế giới có những thay đổi lớn trong quan hệ quốc tế và cán cân quyền lực.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), tốc độ tích lũy vàng của các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang ở mức kỷ lục mới. Giới đầu tư đã liên tiếp đặt ra câu hỏi tại sao lại xuất hiện xu hướng này.
Những lý do cơ bản khiến giá vàng tiếp tục tăng là khá rõ ràng. Theo Gary Wagner, nợ quốc gia của Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục trên 34 nghìn tỷ USD. Chi phí chỉ để trả lãi cho khoản nợ đó đang nhanh chóng trở nên đắt đỏ ngang với ngân sách hàng năm của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Đã nhiều lần, cả Chủ tịch Jerome Powell và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đều khẳng định rõ ràng rằng tình trạng này là không bền vững đối với nước Mỹ.
Thêm vào đó là nhiều điểm nóng địa chính trị tiếp tục nóng lên. Và đó là sự sụt giảm gần đây của đồng USD và khả năng còn xuống nữa khi Fed đảo chiều chính sách tiền tệ.
Ở chiều ngược lại, còn một yếu tố khiến một số nhà đầu tư còn một chút thận trọng đó là mối đe dọa lạm phát dai dẳng. Trong trường hợp đó, thị trường đang đánh cược Fed có thể giữ lãi suất ở mức hiện tại cho đến hết quý II/2024.
Kể cả trong trường hợp này, một số nhà phân tích cho rằng, với một nền kinh tế đang yếu đi, cuối cùng Fed cũng sẽ cắt giảm lãi suất, chỉ là sớm hay muộn. Lợi ích trong việc nắm giữ vàng đã được phản ánh bằng sức cầu rất mạnh từ ngân hàng trung ương cũng như người dân nhiều nước, đặc biệt là khu vực châu Á.
Giá vàng 2025: WGC dự báo kịch bản ‘giằng co’ khó đoán
Hai ngân hàng đã được chuyển giao bắt buộc, kiểm soát chênh lệch giá vàng SJC