Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thống nhất điều chỉnh phụ phí, chi phí đưa xăng dầu từ 2 nhà máy lọc dầu về đến cảng để phản ánh vào giá cơ sở sớm nhất có thể.
Thời gian gần đây, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu liên tục rơi vào tình trạng thua lỗ kéo dài khi mức chiết khấu thấp, thậm chí về “0 đồng” và các chi phí kinh doanh trên chưa được phản ánh đủ trong giá cơ sở.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cũng đã gửi đơn xin tạm dừng kinh doanh với lý do nhận được chiết khấu hoa hồng thấp, thậm chí là “0 đồng” dẫn đến lỗ nặng không thể cầm cự.
Thực trạng này cũng đã được Bộ Công Thương xác nhận và khẳng định đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính xem xét, tính toán lại chi phí kinh doanh xăng dầu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường.
Chia sẻ về thực trạng trên, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong ngày 6/10, Liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ đã thống nhất, sớm nhất có thể điều chỉnh phụ phí, chi phí đưa xăng dầu từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng để phản ánh vào giá cơ sở trong kỳ điều hành giá xăng dầu.
Qua đó góp phần giải quyết khó khăn và tăng lợi nhuận của doanh nghiệp xăng dầu, từ đầu mối, thương nhân phân phối, bán lẻ. Từ đó cũng tác động đến chiết khấu, nâng chiết khấu các cửa hàng bán lẻ giúp tháo gỡ khó khăn cho các cửa hàng kinh doanh xăng dầu.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đang đề ra những biện pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Đề nghị các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, bán lẻ, các cửa hàng hài hòa lợi nhuận, chia sẻ khó khăn, rủi ro trong lúc khó khăn như hiện nay.
Ông Đông cũng cho biết, hai Bộ trưởng Tài chính, Công Thương đã thống nhất về nguyên tắc và giao cho Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) làm việc cụ thể để rà soát thống nhất số liệu và phương án, hiện đã có số liệu, cố gắng xử lý sớm nhất có thể.
Tính toán của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho thấy, chi phí vận chuyển cùng phụ phí bị tăng lên như hiện nay, kết cấu tính chi phí của doanh nghiệp xăng dầu bị tính thiếu khoảng 400 đồng một lít với xăng và 100 đồng một lít dầu. Tức là doanh nghiệp chỉ được ghi nhận thực tế chi phí định mức là 900 đồng một lít, trong khi quy định là 1.300 đồng.
Tại họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 1/10, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Công Thương cho hay, Nhà nước chỉ quản lý giá bán lẻ xăng dầu, không quản lý mức chiết khấu.
Việc chiết khấu xăng dầu xuống quá thấp, thậm chí bằng 0, ông Hải nhìn nhận, do doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thua lỗ khi đã nhập hàng giá cao trước đó nhưng sang quý III giá lại giảm sâu.
Cùng với đó, chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được Bộ Tài chính điều chỉnh kịp thời trong giá cơ sở. Do đó, để duy trì kinh doanh, tránh thua lỗ thêm, doanh nghiệp đầu mối buộc phải cắt giảm chi phí, trong đó có chiết khấu cho các đại lý bán lẻ.
Trong kỳ chỉnh ngày 3/10, giá xăng dầu đồng loạt giảm mạnh. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 là 20.730 đồng/lít (giảm 1.050 đồng), xăng RON 95-III là 21.440 đồng/lít (giảm 1.140 đồng).
Trong khi đó, giá dầu diesel là 22.200 đồng/lít, giảm 330 đồng. Dầu hỏa có mức giá mới là 21.680 đồng/lít, giảm 760 đồng; dầu mazut có giá 14.909 đồng/kg, giảm 560 đồng.
Từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã qua 26 đợt điều chỉnh giá, trong đó xăng có 13 lần tăng và 12 lần giảm, 1 lần giữ nguyên; dầu có 13 lần giảm và 13 lần tăng giá.
Bộ Tài chính không đồng ý miễn toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng
Giá xăng dầu hôm nay 22/11: lấy lại đà tăng
Giá xăng dầu tiếp tục giảm đồng loạt, về mức 20.520 đồng/lít