Theo Bộ trưởng Bộ Xây Dựng - Nguyễn Thanh Nghị, việc triển khai gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng bước đầu đã có kết quả, tuy nhiên việc giải ngân còn chậm.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị mới đây đã có báo cáo gửi Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề, chất vấn lĩnh vực xây dựng.
Theo đó, hiện các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng; trong đó đã có 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng, chưa đến 1%.
Cụ thể, ngân hàng BIDV đã giải ngân cho 3 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Dương với số tiền là 95,7 tỷ đồng; VietinBank đã giải ngân cho 1 chủ đầu tư dự án tại tỉnh An Giang với số tiền là 128,6 tỷ đồng; AgriBank đã giải ngân cho 4 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh và Kiên Giang với số tiền là 415,7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước (BIDV, VietinBank, AgriBank, VietcomBank) thì có thêm Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) đã có trách nhiệm tham gia chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết số 33 với số tiền khoảng 5.000 tỷ đồng.
>> Vì sao nhà ở xã hội có nơi tấp nập người mua, điểm lại vắng vẻ không ai dòm ngó?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng đánh giá, việc triển khai gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33 bước đầu đã có kết quả, tuy nhiên việc giải ngân còn chậm.
Người đứng đầu Bộ Xây dựng cho rằng, gói tín dụng còn gặp phải khó khăn vướng mắc như: Việc công bố danh mục nhà ở xã hội đủ điều kiện vay còn hạn chế: Đến nay đã có 129 dự án nhà ở xã hội, với quy mô 114.934 căn được khởi công xây dựng.
Tuy nhiên, cả nước mới chỉ có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Như vậy còn 59 dự án đã khởi công nhưng chưa được đưa vào danh mục đủ điều kiện vay của các địa phương.
Ngoài ra, một số chủ đầu tư không đủ điều kiện về tín dụng như: không đảm bảo điều kiện dư nợ tín dụng; không có tài sản khác để thực hiện đảm bảo tín dụng (dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nên không đủ điều kiện thế chấp); đã vay tại các tổ chức tín dụng khác…
Bộ trưởng cho biết, cuối tháng 4, Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện và tiêu chí vay ưu đãi. Một số dự án đã được cắt giảm như điều kiện về bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp phép xây dựng, giúp chủ đầu tư sớm được công bố danh mục vay vốn để tiếp cận với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, với sự quyết liệt của các cấp chính quyền trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội thì việc giải ngân gói hỗ trợ này sẽ đạt kết quả tốt hơn.
>> Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, người dân có phải đồng loạt đổi sang mẫu sổ đỏ mới?
Vì sao nhà ở xã hội có nơi tấp nập người mua, điểm lại vắng vẻ không ai dòm ngó?
Tỉnh nhiều di sản văn hóa nhất Việt Nam sẽ có thêm 4 dự án nhà ở xã hội