Doanh nghiệp

Giám đốc Heineken Việt Nam: Ngành bia nộp ngân sách 60.000 tỷ mỗi năm, đề xuất cải cách biểu thuế TTĐB theo nồng độ cồn

Mai Chi 12/07/2024 08:31

Theo Đại diện Heineken Việt Nam, hiện nay rượu có nồng độ cồn dưới 20% chỉ chịu thuế 35%, trong khi bia với nồng độ cồn dưới 12% đang chịu thuế 65%.

Phát biểu tại hội thảo "Góp ý hoàn thiện Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi" do VCCI tổ chức vào ngày 11-7, ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc Quan hệ Đối ngoại Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam nhấn mạnh, vai trò quan trọng của ngành bia đối với nền kinh tế địa phương và toàn quốc. Ông cho biết, ngành này đóng góp gần 60 nghìn tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, ông Phúc bày tỏ lo ngại rằng việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến không chỉ các doanh nghiệp sản xuất bia mà còn cả chuỗi cung ứng liên quan như nông nghiệp, bao bì, dịch vụ, du lịch và kinh tế đêm. Ông đề xuất rằng cần phải có lộ trình giãn thuế hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau giai đoạn khó khăn.

Ông Phúc cũng chỉ ra sự bất hợp lý trong mức thuế TTĐB hiện tại khi rượu có nồng độ cồn dưới 20% chỉ chịu thuế 35%, trong khi bia với nồng độ cồn dưới 12% lại phải chịu thuế 65%. Ông đề xuất cải cách biểu thuế TTĐB cho bia theo các mức nồng độ cồn cụ thể, với mức thuế 65% cho bia có nồng độ cồn từ 5,5% trở xuống, 70% cho bia có nồng độ từ 5,5% đến dưới 15%, và 75% cho bia có nồng độ trên 15%.

Giám đốc Heineken Việt Nam: Ngành bia nộp ngân sách 60.000 tỷ mỗi năm, đề xuất cải cách biểu thuế TTĐB theo nống độ cồn
Ông Nguyễn Thanh Phúc - Đại diện Heineken Việt Nam. Ảnh: Minh Trúc

>> Sau đóng cửa nhà máy, Heineken gửi ‘tâm thư’ góp ý dự thảo luật thuế tiêu thụ đặc biệt

Về lộ trình tăng thuế, ông Phúc kiến nghị rằng thuế suất đối với bia nên giữ ổn định ở mức 65% trong ba năm đầu kể từ khi Luật Thuế TTĐB sửa đổi có hiệu lực, sau đó tăng không quá 3-5% mỗi lần trong ba năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Pháp chế Tập đoàn Tân Hiệp Phát, cũng bày tỏ lo ngại về tác động của thuế TTĐB lên ngành sản xuất nước giải khát. Ông Hưng cho rằng, áp dụng thuế TTĐB 10% với nước giải khát có đường sẽ khiến ngành này thiệt hại gần 4 nghìn tỷ đồng, làm tăng áp lực tài chính và có thể dẫn đến gia tăng thất nghiệp. Ông cho biết, Tân Hiệp Phát đã đầu tư hơn 300 triệu USD vào 12 dây chuyền sản xuất trên cả nước, và việc áp thuế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các kế hoạch dài hạn và chuỗi sản xuất.

PGS.TS. Vũ Sỹ Cường từ Học viện Tài chính đề xuất một số cải cách trong chính sách thuế TTĐB. Ông đề nghị mở rộng cơ sở thuế, đưa vào diện chịu thuế TTĐB các hàng hóa và dịch vụ mới như sản phẩm thuốc lá. Ngoài ra, ông cũng đề xuất bổ sung quy định về căn cứ và phương pháp tính thuế, điều chỉnh thuế suất đối với thuốc lá, rượu và bia, và mô tả cụ thể các mặt hàng chịu thuế trong biểu thuế TTĐB. Việc đảm bảo sự thống nhất giữa Luật Thuế TTĐB và các luật chuyên ngành liên quan cũng được ông nhấn mạnh.

Việc sửa đổi Luật thuế TTĐB đang tạo ra nhiều tranh luận và lo ngại trong ngành bia và nước giải khát. Đại diện các doanh nghiệp và chuyên gia đề xuất rằng cần có những cải cách hợp lý và lộ trình giãn thuế để đảm bảo sự phát triển bền vững và tránh gây ra những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế và xã hội.

>> Heineken 'rục rịch' đón nhà máy bia hơn 550 triệu USD sau khi đóng cửa tại Quảng Nam

Heineken 'rục rịch' đón nhà máy bia hơn 550 triệu USD sau khi đóng cửa tại Quảng Nam

Heineken góp ý về thuế TTĐB: Có sự bất hợp lý khi bia bị đánh thuế 65%

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/giam-doc-heineken-viet-nam-nganh-bia-nop-ngan-sach-60000-ty-moi-nam-de-xuat-cai-cach-bieu-thue-ttdb-theo-nong-do-con-241780.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Giám đốc Heineken Việt Nam: Ngành bia nộp ngân sách 60.000 tỷ mỗi năm, đề xuất cải cách biểu thuế TTĐB theo nồng độ cồn
POWERED BY ONECMS & INTECH