Thực tế, không chỉ doanh nghiệp, mà ngân hàng cũng hết sức sốt ruột mong Chính phủ có chính sách khoanh nợ.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang quá nặng nề, hàng loạt doanh nghiệp xin khoanh nợ.
Theo Hiệp hội Ngân hàng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ngay từ đầu năm 2020, các ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng như giảm phí dịch vụ, thanh toán cho khách hàng; chủ động rà soát tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ bị ảnh hưởng, dòng tiền kinh doanh của khách hàng để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… Nhờ những chính sách, giải pháp kịp thời, đúng hướng của hệ thống ngân hàng đã giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từng bước ổn định.
Tuy nhiên, việc cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, các tổ chức tín dụng chịu áp lực và gặp nhiều khó khăn trong việc phải loại dự thu đối với những khoản nợ cơ cấu, sắp tới các tổ chức tín dụng còn phải trích lập dự phòng rủi ro trong thời gian 3 năm. Như vậy, thực chất các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đã làm tăng tài sản không sinh lời, đồng nghĩa với việc giảm lợi nhuận, thậm chí một số tổ chức tín dụng có khả năng lỗ nếu dịch bệnh còn kéo dài.
Chính vì vậy, trong buổi làm việc cuối tuần qua, Hiệp hội Ngân hàng và các ngân hàng thương mại thành viên đã thống nhất kiến nghị NHNN kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến ngày liền sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch Covid-19, thay vì đến hết năm 2021 như hiện tại.
Ngoài ra, Hiệp hội cũng đề nghị NHNN có cơ chế khoanh nợ không tính lãi trong một khoảng thời gian hợp lý, áp dụng với số dư nợ được cơ cấu nợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mà không phân biệt mục đích sử dụng vốn.
Bản chất khoanh nợ là cho phép doanh nghiệp được tạm dừng không phải trả nợ gốc hoặc lãi trong một khoảng thời gian nhất định. Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang quá nặng nề như hiện nay và chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt, mong mỏi được khoanh nợ của các doanh nghiệp và ngân hàng để đối phó với thực tế nợ xấu là điều dễ hiểu. Bởi, nếu nợ xấu diễn biến quá nhanh, trong khi lợi nhuận ngân hàng có hạn và không thể trích lập dự phòng rủi ro kịp thời sẽ gây rủi ro cho các tổ chức tín dụng.
Dù vậy, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc khoanh nợ không đơn giản, vì liên quan đến ngân sách. Nếu sau này, doanh nghiệp được khoanh nợ vẫn không trả được nợ, thì ngân sách phải bù. Đây là điều rất khó.
Với tình hình hiện nay, theo các chuyên gia, giải pháp căn cơ là sớm khống chế được dịch bệnh, thực hiện cơ cấu nợ và giảm lãi suất cho vay. Song song với đó là thực hiện đồng loạt các giải pháp hỗ trợ giảm thuế, phí cho doanh nghiệp.